Anh Lê Hữu Thảo, nhân chứng sống của sự kiện Gạc Ma, khẳng định: “Tôi chưa từng nghe ai lệnh cho tôi là không được nổ súng, và tôi không hề phát biểu về có lệnh hay không có lệnh nổ súng…”
Sự kiện Gạc Ma năm 1988, là một sự kiện trong hoạt động bảo vệ chủ quyền biển đảo của quân dân Việt Nam (CQ-88). Trước mưu đồ cướp đoạt các bãi cạn tại quần đảo Trường Sa để làm bàn đạp tấn công Trường Sa của nhà cầm quyền Bắc Kinh, Nhà nước, quân đội Việt Nam đã có kế hoạch bảo vệ chủ quyền biển đảo: Chiến dịch mang tên CQ-88.
Cựu binh Gạc Ma Lê Hữu Thảo (Ảnh: nhân vật cung cấp).
Gần đây có những thông tin không chính xác về sự kiện này. PV Infonet đã có cuộc trò chuyện với cựu chiến binh Lê Hữu Thảo, người chiến sĩ đã từng trực tiếp tham gia trận Gạc Ma đối mặt với làn đạn của quân xâm lược.
Thưa anh, là nhân chứng sống của sự kiện Gạc Ma, xin anh hãy kể lại một cách ngắn gọn nhất về diễn biến sự kiện Gạc Ma?
Sáng sớm ngày 14/3/88, khi tổ cắm cờ và giữ cờ chúng tôi gồm 5 người và khoảng 20 chiến sĩ công binh đang làm nhiệm vụ trên đảo Gạc Ma thì bất ngờ 4 tàu khu trục và hộ vệ tên lửa ập đến.
Một tàu đậu ở xa, còn 3 tàu áp sát chừng 200-300m, chúng dùng xuồng máy đổ bộ vào 50 tên có trang bị súng AK (48 tên mang AK1 tên mang điện đàm, 1 tên mang súng ngắn) chúng áp sát và bao vây lấy chúng tôi và uy hiếp buộc chúng tôi rút lui, chúng cho xuồng máy chạy quanh tàu ta HQ604 chĩa súng lên khiêu khích.
Lúc đó trên tàu ta, các chiến sĩ đang chuẩn bị vũ khí, một số đồng chí đã vào tư thế chiến đấu, một số đồng chí đang chuẩn bị.
Dưới đảo khi chúng yêu cầu chúng tôi rút lui không được, chúng xông vào cướp lá cờ Tổ quốc trên tay chúng tôi. Chúng tôi khi đó, với nhiệm vụ xây dựng đảo, chỉ có 2 khẩu AK 47, một số dụng cụ như xà beng, cuốc xẻng nhưng với tinh thần đoàn kết, dũng cảm chúng tôi đã đánh bật những tên lính Trung Quốc.
Tuy có một số anh em bị thương nhưng chúng tôi đã bảo vệ được lá cờ Tổ quốc và với quyết tâm “Người còn thì đảo còn, Người còn thì cờ Tổ quốc vẫn còn”.
Nhưng với sự xảo quyệt và dã man, khi rút lui ra xa bất ngờ chúng quay lại nổ súng vào đội hình bộ đội ta dưới đảo, nhiều đồng đội của tôi đã hy sinh ngay loạt đạn đầu nhưng lá cờ của Tổ quốc vẫn giữ vững và tiếp tục chuyền tay nhau cho đến lúc hy sinh gần hết.
Trên 3 chiếc tàu khu trục và hộ vệ tên lửa đồng thời nhả đạn gồm 12,7 ly, 37 ly 76,2 ly, 100 ly, có cả dàn ống phóng 12 nòng bắn vào tàu HQ 604, và cả đội hình dưới đảo, chúng bắn cả tàu HQ 505 bên đảo Cô Lin và HQ 605 bên đảo Len Đao.
Một số đồng đội tôi trước lúc hy sinh đã kịp bắn vài quả B40 và có người kịp thời bắn 1 băng hoặc 1 loạt AK, họ hy sinh và chìm theo con tàu HQ 604.
Máu đồng đội nhuộm đỏ cả một vùng, chỉ còn sống sót được mấy người, chúng tôi cùng nhau bơi lặn tìm vớt những đồng chí bị thương và thi thể nhưng đồng đội hy sinh trước sự chứng kiến của những người lính Trung Quốc còn cắm lại trên đảo.
Anh có nhớ rõ mệnh lệnh lúc đó là gì không?
Lúc chúng tôi rời tàu vào đảo khoảng 5 giờ sáng, thì đồng chí thiếu tá Trần Đức Thông đang hô hào các đơn vị thức dậy để ăn sáng và chuyển vũ khi dưới hầm tàu lên lau chùi và chuẩn bị.
Còn trên đảo, tôi là tiểu đội trưởng được giao nhiệm vụ chỉ huy tổ cắm cờ và giữ cờ. Chúng tôi có 2 khẩu AK 47, trong giây phút căng thẳng, tôi và anh Nguyễn Mậu Phong, B trưởng (trung đội trưởng), và anh Trần Văn Phương, B phó đã hội ý chớp nhoáng.
Tôi nêu ra ý kiến và đề nghị phương án tác chiến, 2 anh đã nhất trí một số điểm và dặn dò tôi chuẩn bị tinh thần, quan sát thật kỹ mọi hành động của kẻ địch, bình tĩnh không được manh động, tùy cơ ứng biến, xử lý chuẩn mực kẻo mắc mưu kẻ thù, đó là không nổ súng trước, với mệnh lệnh này tôi đã truyền đạt lại cho chiến sĩ Đậu Xuân Tư.
(Anh Lê Hữu Thảo- bày tỏ quan điểm trước thông tin sai trái)
Anh có thể kể lại cảm giác nhận mệnh lệnh lúc đó không?
Cảm giác nhận mệnh lệnh của tôi lúc đó thật khó tả ngay từ ban đầu, khi được giao nhiệm vụ chỉ huy cắm cờ và bảo vệ cờ của Tổ quốc, tôi nhận ngay không hề do dự, vì một cảm giác sung sướng và tự hào dù có hy sinh nhưng sẽ là người treo lá cờ của Tổ quốc lên cột cờ trên đảo khẳng định chủ quyền của Tổ quốc ta.
Điều này cho tôi một nguồn sức mạnh từ đất Mẹ, một sức mạnh thiêng liêng không thể nói bằng lời, còn khi nhận mệnh lệnh dưới đảo, đó là những giây phút căng thẳng và ngắn ngủi nhất, tôi không thể chớp mắt, mắt không rời từng cử chỉ hành động của các tên lính Trung Quốc, tay không rời cò súng, trong đầu suy tính phải xử lý sao cho phù hợp và hiệu quả nhất, quê hương, đất mẹ, người thân vùn vụt qua đầu chỉ trong tích tắc, những giây phút đó tôi chỉ nghĩ đến lá cờ và nghĩ về Tổ quốc.
Khi nhận mệnh lệnh đó tôi có cảm nhận và ý thức được rằng chúng ta hết sức kiềm chế và ý thức được chúng tôi đang làm nhiệm vụ trên lãnh thổ của Tổ quốc nên không manh động để mắc mưu kẻ địch.
Gần đây Trung Quốc đã ngang nhiên xây dựng trái phép trên Gạc Ma và có nhiều hành động nhằm thôn tính Biển Đông, là người đã cùng đồng đội đổ máu tren bãi Gạc Ma, anh có cảm nhận như thế nào?
Những hành động trắng trợn và ngang ngược của Trung Quốc, trong thời gian gần đây, bất chấp về sự đấu tranh và phản ứng của nước ta, bất chấp dư luận trong khu vực, cũng như dư luận quốc tế. Việc họ đang khẩn trương nâng cấp một số đảo đá đang chiếm trái phép của chúng ta tại quần đảo Trường Sa là vi phạm luật Biển Việt Nam, vi phạm Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Những việc làm này cho chúng ta thấy rõ âm mưu và cuồng vọng của họ quyết tâm thực hiện bằng được đường 9 đoạn, (nay là 10 đoạn), hay còn gọi là đường lưỡi bò.Tôi cũng như hàng triệu người dân trong nước cũng như kiều bào Việt Nam ở nước ngoài hết sức phẫn nộ và lo lắng, bởi khi họ nâng cấp các đảo đá chìm này thành những đảo nổi, có cả đường băng đồng thời họ sẽ nâng cấp và bố trí các loại tàu chiến, máy bay và tên lửa cũng như rất nhiều vũ khí chiến lược thành một chuỗi cứ điểm quân sự kết nối và hỗ trợ cho việc bành trướng. Việc này ảnh hưởng và đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc phòng nước ta, ảnh hưởng đến cả trong khu vực cũng như tự do hàng hải thế giới.
Tôi tiên đoán rằng sau khi họ nâng cấp xong chuỗi đảo đá đang chiếm đóng trái phép này họ sẽ xác lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Như vậy ngoài việc kiểm soát đường hàng hải và khai thác tài nguyên biển ra thì cả vùng trời trên Biển Đông cũng bị họ kiểm soát…
Điều này chúng ta cần lưu ý trong thực tế hiện nay. Nhắc lại sự kiện Gạc Ma để cộng đồng trong nước và quốc tế hiểu rằng Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đóng Gạc Ma, sự có mặt của Trung Quốc trên các bãi cạn thuộc Trường Sa là phi pháp, mội hoạt động xây dựng trên đảo đá thuộc Trường Sa, do Trung Quốc tiến hành, là phi pháp. Cộng đồng quốc tế và dư luận Việt Nam cần biết và lên án kịch liệt hành động này.
Xin cảm ơn anh!
Hồng Chuyên/Báo điện tử Bộ Thông tin và truyền thông