Tôi đồng ý với Nguyễn Trọng Tạo khi viết rằng “Chỉ những thằng hèn mới ủ mưu sau cái chữ ký vĩ đại của anh” (Nguyễn Đức Chung).
Đấy cũng chỉ là cách nói của “nhà văn” khi dùng từ có tính “điển hình hóa” như “ủ mưu, chữ ký vĩ đại” nhưng lại đúng về tinh thần cần nói.
Ông Nguyễn Đức Chung
Sau sự kiện CAHN, vào hôm 20 tháng 6 – 2017 cho biết, cơ quan điều tra của Hà Nội đã khởi tố vụ án hình sự hủy hoại tài sản và bắt giữ người trái pháp luật xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức. Chuyện Đồng Tâm sau một thời gian yên ắng lại nổi bão trên mạng.
Có sự đối lập ý kiến sau sự kiện này: ủng hộ và phản đối; âm mưu và minh bạch. Chúng ta đã đi quá xa khi chém gió bàn phím vì suy đoán với tâm trạng cố chấp.
Có hàng chục bài viết ngã về thiên hướng phản đối, lên án, là “âm mưu” của những nhân vật nổi trội bị coi là “lề trái” như Nguyễn Quang Di, Ngô Ngọc Trai, Nguyễn Đình Cống, Tô Văn Trường, Phạm Chí Dũng… thậm chí là người nước ngoài như David Brown…
Nguyễn Quang Di thì cho rằng: “Đồng Tâm cùng tắc biến”. Mỗi khi bí cờ, những người bị dồn đến bước đường cùng hay dùng nước cờ gambit để thoát hiểm bằng “đòn cân não” khi thi gan đấu trí, vì kẻ nào không sợ chết thường thắng… Đó là bản năng tự vệ chính đáng của tạo hóa ban cho để răn đe (deterrence) và liên kết (linkage). Nếu “hiệp một” là tiền đề cho “hiệp hai” thì “hệ quả không định trước” có cơ may tốt hơn xấu… Nay người dân Đồng Tâm không còn gì để mất, nên họ có thể chơi nước cờ gambit, nhưng phải thận trọng vì “sai một ly đi một dặm”.
“Rất không công bằng khi việc khởi tố được thực hiện khi chưa có kết luận thanh tra vấn đề đất đai tại Đồng Tâm, để xác định xem việc lấy đất của chính quyền và giữ đất của người dân bên nào đúng bên nào sai”.
Nguyễn Đình Cống thì nghi vấn: “Ông Chung khôn ngoan hay lừa bịp?”. “Sau vụ CA Hà Nội khởi tố “Vụ Đồng Tâm”, có 2 luồng dư luận trái ngược về hành động viết bản cam kết của ông Chủ tịch TP. Một số cho đó là sự khôn ngoan, kịp thời làm dịu tình hình, tháo ngòi nổ. Bên khác, đông hơn cho rằng đây là trò lừa bịp, là thủ đoạn xảo trá, làm ‘tăng nặng’ thêm “ấn tượng” Đảng, chính quyền lừa dân…”.
Và ông ấy lý giải “Truy tố Đồng Tâm, khôn mà ngu”. “Vụ Đồng Tâm đúng như kịch bản của rất nhiều người dự đoán: Hà Nội sẽ vờ vịt giải hòa, hứa không truy tố bằng một tờ giấy viết tay, sau đó đợi mọi việc lắng xuống, cho an ninh kèm từng người, cài cắm vào làng và bắt đầu truy tố. Hành vi truy tố của chính quyền Hà Nội, hiểu như thế nào cũng đúng, lật lọng, tráo trở cũng đúng mà làm theo đúng truyền thống Cộng sản cũng đúng. Vấn đề là cái đúng này rất khôn, khôn đến mức dại. Vì sao nói khôn mà dại?”
Tô Văn Trường thì lấp lửng: “Đồng Tâm – cần một cái kết thực sự có hậu”. “Vụ Đồng Tâm bị khởi tố mà kết quả lại đi ngược với lời hứa của ông Nguyễn Đức Chung thì chưa biết điều gì sẽ xảy ra. Không khéo lại dẫn đến chuyện “Quân ta chiến thắng Dân mình”. Trong trường hợp này, nếu đã chót khởi tố rồi thì hãy nhìn vào vụ án Đồng Nọc Nạn từ thời Pháp thuộc để mà nhìn lại mình cho rõ hơn và biết vượt lên chính mình. Thời gian là phương thuốc hữu hiệu cả cho chính quyền và cả cho người dân Đồng Tâm. Hai bên có thể vẫn trong ấm ngoài êm được lâu dài.”
Phạm Chí Dũng thì chém chặt: “Có nhiều lý do cho thấy vào năm 2017, công an nhất quyết muốn ăn thua đủ với dân. Trong những vụ Thọ Ngọc và Thái Bình trước đây và Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Tĩnh những năm gần đây, số cán bộ chính quyền và công an bị dân bắt chỉ 4-5 người là cao. Nhưng ở Đồng Tâm, người dân đã dám bắt đến cả một trung đội cảnh sát cơ động trong cả thảy 38 cán bộ và nhân viên công lực được dân đưa vào quy chế “trao đổi tù binh”. Đó chính là một sự sỉ nhục chưa từng có đối với ngành công an vốn chỉ biết lấy số đông đánh người mà chẳng mấy khi bị người đánh lại.”
David Brown (nhà nghiên cứu về Việt Nam của VOA) thì bơm đểu: “Đấu đá hậu trường trong vụ khởi tố Đồng Tâm?”. “Cũng không có gì khó hiểu nếu bước đi táo bạo của ông Chung có thể đã khiến một số người trong Bộ Công an không hài lòng, và chính vì thế, họ tìm cách khôi phục kỷ cương bằng cách điều tra và truy tố các dân làng. Nói tóm lại, vụ khởi tố này là bằng chứng cho thấy một sự đấu đá ở hậu trường.
Về hành động bị coi là “phá vỡ cam kết” của Chủ tịch Hà Nội, ông David Brown, một nhà nghiên cứu về Việt Nam, mới nhận định với VOA Việt Ngữ: “Cũng không có gì khó hiểu nếu bước đi táo bạo của ông Chung có thể đã khiến một số người trong Bộ Công an không hài lòng, và chính vì thế, họ tìm cách khôi phục kỷ cương bằng cách điều tra và truy tố các dân làng. Nói tóm lại, vụ khởi tố này là bằng chứng cho thấy một sự đấu đá ở hậu trường”.
Ở phía ngược lại cũng có hàng chục bài bình luận bênh vực cho ông Chung và CAHN, trong đó có Mõ Làng. Họ cho rằng làm vậy là cần thiết, nhân văn và đúng luật. Chỉ dẫn ra 2 tiếng nói có tính đại diện, ông Dương Trung Quốc (đại biểu Quốc hội) và nhà văn Nguyễn Trọng Tạo.
Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc nói: “Tôi nghĩ rằng cơ quan cảnh sát ở địa bàn xảy ra vụ việc làm theo quy định của pháp luật. Còn sức ép có hay không, tôi không nói, nhưng mà tôi muốn nói rằng việc khởi tố để mà điều tra là việc cần thiết phải làm. Không thể một câu chuyện như thế mà bây giờ mọi người cùng nhau quên đi. Không ai quên được cả. Nếu không cẩn thận nó sẽ trở thành một tiền đề, một cái tiền lệ, rất là nguy hại về lâu dài”.
Những suy luận, phỏng đoán về “sức ép”, “bè phái”, “lợi ích nhóm”, “đấu đá hậu trường”, “Bộ Công an không hài lòng”, “lật lọng, tráo trở, lừa bịp”… là thiếu căn cứ. Nói vậy là nói cho sướng mồm, đã nư, bỏ ghét trong tâm trạng đố kỵ mà thôi. Những quy kết đó phát ra từ phía những người và hãng thông tin hải ngoại được coi là “đối lập” thì càng không thể tin. Thậm chí bị Nguyễn Trọng Tạo cho là “ủ mưu” cũng xác đáng.
Mưu ở đây là mưu chia rẻ dân Đồng Tâm với chính quyền, chia rẻ nội bộ chính quyền với nhau, hạ bệ Nguyễn Đức Chung, hạ bệ CA.
Nguyễn Trọng Tạo, trong “Thư gửi ông Nguyễn Đức Chung” đã rất khảng khái. “Chỉ những thằng hèn mới ủ mưu sau cái chữ ký vĩ đại của anh”; “Tôi nghĩ đơn giản: Không có người thứ 2 làm Chủ tịch Hà Nội tên là Nguyễn Đức Chung. Dù anh không học ngành văn, nhưng anh là người NHÂN VĂN. Người nhân văn thì cái TÂM dành cho Nhân Dân, và cái Dũng cũng dành cho Dân.” “Khi anh Chung viết, ký và điểm chỉ lăn tay vào tờ giấy cam kết với dân Đồng Tâm thì không chỉ dân Đồng Tâm cảm phục yêu thương anh, mà tôi và dân cả nước nói chung đều một lòng như thế.”
Rất đúng, rất nhân văn vì rằng xử lý tháo ngòi nổ Đồng Tâm là để đảm bảo an toàn tính mạng của 38 cán bộ, chiến sỹ đã bị người Đồng Tâm cố tình bắt giữ đã nhiều ngày làm con tin dẫu ý thức được là trái luật mà vẫn lấy nó mặc cả với ông Chung (người đại diện chính quyền). Như ông Chung đã nói thể hiện sự căng thẳng “nếu tôi không đồng ý mà ai đó hô lên một tiếng thì hậu quả sẽ thế nào”. Rất nhân văn khi ông Chung còn nói “tôi cũng lo cho dân chứ”, ấy là vì lo tình thế có thể đẩy dân Đồng Tâm vào một vụ án mạng nghiêm trọng hơn.
Mọi phán xét “lật lọng, tráo trở” được đưa ra là khi sự việc đã kết thúc chứ không phải là trong “tình huống”. Ông Chung xử lý là xử lý tình huống cả về thời cơ và hậu quả đoán trước. Không còn sự lựa chọn cho lần sau, nó thể hiện ở chi tiết dân Đồng Tâm buộc ông phải đưa vấn đề “không truy tố” vào cam kết mới cho ông đến nơi giam giữ, mới thả người. Đứng trước tình huống, người chỉ huy buộc phải lựa chọn phương án, mà phương án ấy ít thiệt hại nhất.
Chuyện lựa chọn phương án xử lý tình huống thì xảy ra như cơm bữa ở cả Ta và Tây. Đôi khi, để cứu vãn diễn biến xấu, nhà chức trách phải chấp nhận “thỏa hiệp xấu”, cung cấp phương tiện, tiền bạc cho đối tượng phạm pháp, mở đường cho chúng chạy trốn (theo yêu cầu của đối tượng) để đổi lấy thời gian, tính mạng của dân lành. Chẳng có gì lật lọng, tráo trở ở đây cả mà rất thật, rất cần thiết, rất bản lĩnh. Chỉ có người “ngoại đạo”, không có hiểu biết mới phán xét như vậy.
Có lẽ không ai phản đối khởi tố vụ án vì nó đúng luật và thể hiện tính thượng tôn pháp luật. CAHN không làm việc đó thì là Hiến. Bộ Công an càng không thể không làm như thế. Quốc Hội còn lo nó sẽ là một “tiền lệ xấu”. Chẳng có gì là bè phái, lợi ích nhóm, đấu đá nội bộ ở đây cả. Điều mà dư luận quan tâm là “thời điểm khởi tố”.
Anh Nguyễn Trọng Tạo cũng nói: “Chỉ một điều tôi hơi tiếc, đáng lẽ anh Chung nên can bên CA Hà Nội là để công bố kết luận thanh tra đất Đồng Tâm xong mới khởi tố thì dân tin tưởng hơn vào chính quyền”. Ở ý này thì tôi chỉ đồng ý với anh Tạo và những người đồng quan điểm một nửa. Ấy là để sau công bó kết luận thanh tra quản lý đất đai ở Đồng Tâm. Như vậy sẽ tranh thủ sự đồng tình của dư luận nhiều hơn, không bị kẻ xấu lợi dụng.
Một nửa còn lại mà tôi không đồng tình là, không phải chính quyền Hà Nội đã không thanh tra, kết luận sai phạm, xử lý cán bộ sai phạm trong vụ Đồng Tâm. Hai năm trước, đã có thanh tra, kết luận, xử lý về sai phạm quản lý đất đai ở Đồng Tâm rồi. Hơn 10 cán bộ xã, huyện ở Mỹ Đức đã bị xử lý rồi, trong đó có người đã bị khởi tố, truy tố. Tiếp đó là khởi tố lần 2 dẫn đến bắt 4 người (trong đó có cụ Kình) dẫn đến vụ việc hôm nay. Nói thêm rằng, trong số cán bộ bị xử lý có 2 người là con cháu cụ Kình. Kể cả cụ Kình cũng có sai phạm trong thời cụ làm lãnh đạo xã. Thanh tra lần này sẽ làm đến “tận cùng” vấn đề cũ và những vấn đề mới. Chẳng hạn như chuyện lạm quyền, hành xử trong khởi tố lần 2.
Kết luận thanh tra lần này là công việc tiếp theo chứ không phải bây giờ mới làm. Khởi tố lần 3 này là do xuất hiện tội mới “hủy hoại tài sản” và “bắt người” trái luật.
Tuy nhiên, tôi cũng đồng tình với phân tích về thời điểm. Lẽ ra, sau công bố kết luận thanh tra quản lý đất đai thì “khôn ngoan” hơn, không gây xáo trộn dư luận. Thậm chí trong những sai phạm của dân và cán bộ thì xử lý sai phạn cán bộ trước, nghiêm khắc hơn mới phải.
Đừng sợ mất lòng dân mà chỉ được khi mà chính quyền minh bạch và làm đúng. Ngay cả dân Đồng Tâm cũng vậy, như cụ Kình nói, dân Đồng Tâm vẫn tin Đảng, Chính phủ, tin vào ông Chung.
Nguyễn Kim Khánh