Tôi đọc được trên facebook, một bạn viết rằng: “SYRIA, những cầu thủ không tên. Họ thi đấu không chỉ đơn giản là để cống hiến cho một trận túc cầu đẹp mắt, cho chiến thắng trước một đội tuyển khác hay đơn giản là để thỏa mãn người xem… Các cầu thủ SYRIA đêm qua muốn gửi nhắn thông điệp tới thế giới “SYRIA còn sống”.
Chiến tranh đã lấy đi của họ một đất nước tươi đẹp, một nền kinh tế bền vững, lấy đi tự do và tất cả. Và chắc rằng nếu họ chứng kiến người dân Việt Nam xuống đường ăn mừng cho đội tuyển nhà đêm qua, họ sẽ khao khát được tận hưởng cảm giác ấy hay chí ít cũng muốn nói với thế giới rằng “chúng tôi cũng đã từng được sống trong những giây phút yên bình ấy”…
Các cầu thủ Syria đã chiến đấu hết mình trên sân cỏ
Đọc những dòng chữ ấy, lại nhìn những cầu thủ mặc áo “SYRIA” đã chiến đấu hết mình trên sân cỏ mà ở họ, trong mọi cử chỉ vẫn luôn ẩn chứa nỗi niềm đau đáu về quê hương, đất nước, thực xót xa. Họ từng có một đất nước xinh đẹp, những công trình vĩ đại được thế giới xem là di sản, nhưng cuộc nội chiến kéo dài đã xóa tan tất cả.
Cuộc nội chiến ấy cũng bắt đầu từ những cuộc xuống đường dưới danh nghĩa “đấu tranh cho tự do, dân chủ” mà phương Tây đã dựng lên. Hầu như các cầu thủ Syria thi đấu hôm nay đều phải lang thang phiêu bạt khắp nước ngoài, họ không mấy khi được đá bóng cùng nhau.
Họ có thể hình tốt hơn chúng ta, họ có một thể lực tốt và kiểm soát bóng tốt, nhưng cái họ không có như chúng ta, đó là một đất nước yên bình, các cầu thủ cùng nhau chơi bóng dưới một mái nhà Việt Nam. Nội chiến, bom đạn đã phá đi tất cả…
Còn nhớ, tháng 6-2017, tuyển nữ Syria thua đậm tuyển nữ Việt Nam trong một giải đấu châu Á. Sau trận đấu, trả lời phỏng vấn một phóng viên ngay tại sân bóng, họ thừa nhận là không thể đánh bại chúng ta nhưng vẫn tham gia trận bóng vì muốn chứng tỏ với thế giới rằng “Syria vẫn còn sống”…
Hình ảnh chiếc áo và những bước chạy, những khuôn mặt, những khoảnh khắc của cầu thủ đến từ Syria lay động lòng người hơn mọi ngôn ngữ. Hình ảnh đó truyền đạt thông điệp vốn là bài học vô giá cho chúng ta, những người dân trên đất nước Việt Nam thanh bình hôm nay.
Chúng ta đã “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, một nền hòa bình, độc lập có được khi trong từng nắm đất là máu xương của bao thế hệ cha anh đã ngã xuống. Dù rằng xã hội còn nhiều tồn tại, còn nhiều bức xúc, nghịch lý vì cuộc đấu tranh cải tạo giữa cái cũ và cái mới, cái tốt và cái xấu là quá trình vô cùng cam go.
Nhưng mừng Quốc khánh, mừng độc lập trong hạnh phúc, hòa bình, giá trị ấy thiêng liêng, cao quý vô cùng. Vậy mà nhiều người còn vì các lý do, động cơ khác nhau còn nối gót, làm tốt thí cho những kẻ phá hoại, còn ảo tưởng vì những giấc mộng đổi đời từ phương Tây, còn mụ mị với những khẩu hiệu “dân chủ, nhân quyền” hết sức lệch lạc…
“Nếu chiều nay tuyển O.Việt Nam thắng O.Hàn Quốc, anh chị em ta sẽ mặc áo này đi bão nhé cả nhà” – đây là đoạn status trên facebook của một đối tượng thuộc nhóm “Sách cho giáo xứ” tại Hà Tĩnh, từng nhiều lần tham gia chống phá dưới chiêu bài “hành động vì môi trường biển”! Kèm “lời kêu gọi” là hình ảnh áo phông in chữ “Phản đối Luật An ninh mạng” phía sau lưng và “Không đặc khu, không Tàu cộng” phía trước ngực.
Theo phản ánh của người dân, không chỉ có viết “lời kêu gọi” xuống đường dưới danh nghĩa cổ vũ bóng đá và “mừng Quốc khánh 2-9”, các đối tượng đã tìm cách phát áo phông có in những dòng chữ trên cho nhiều người và “hẹn gặp sáng 2-9”!
Quan sát những hành động này cho thấy những nhận thức ngô nghê của các đối tượng. Luật An ninh mạng đã được Quốc hội thông qua, chuẩn bị có hiệu lực thi hành, các nội dung trong luật cũng đã được hướng dẫn, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, cơ quan, tổ chức và các doanh nghiệp viễn thông là đối tượng tác động của luật.
Vậy mà chiêu bài phản đối vốn được các đối tượng tung ra từ năm ngoái, khi dự luật đang được Quốc hội cho ý kiến lại xới lên, giống như cái áo mùa hè nay đã sang đông vẫn… lôi ra mặc.
Hay dự án Luật Đặc khu, hiện Quốc hội đã tạm dừng để giao cơ quan chức năng nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng thì chúng vẫn nhai lại điệp khúc chống phá cũ mèm.
Đặc biệt, việc hàng triệu người dân xuống đường cổ vũ cho đội tuyển bóng đá Olympic Việt Nam với màu áo cờ đỏ sao vàng, thể hiện tình yêu Tổ quốc thì chúng lại gài cái áo in chữ nhố nhăng như trên và còn lên kế hoạch để mặc áo này trà trộn trong các cuộc xuống đường vào sáng 2-9 tới đây.
Theo một số người viết trên facebook thì trước đó, trong các cuộc xuống đường cổ vũ cho đội tuyển bóng đá Việt Nam sau trận thắng đội tuyển bóng đá Olympic Bahrain, Syria, người dân đã phát hiện có những đối tượng mặc áo phông xanh in chữ “Phản đối Luật Đặc khu, Luật An ninh mạng” trà trộn trong biển người phất cao cờ đỏ Sao Vàng.
Trong khi người người hô vang “Việt Nam chiến thắng, Việt Nam vô địch” thì số này lại la hét “Không đặc khu, không Tàu cộng”! Do quá bức xúc, một số người dân đã khống chế những kẻ phá rối, bắt buộc chúng lột bỏ áo phông in các chữ có nội dung kích động…
Trên trang fanpage ghi “Việt Tân”, các đối tượng đưa ra những lời lẽ có tính miệt thị. Chẳng hạn, trước cảnh hàng triệu người dân xuống đường ăn mừng, cổ vũ chiến thắng cho đội tuyển bóng đá, chúng lái vấn đề thành “Chỉ thắng một trận đá banh, cả nước xuống đường. Sao không vì tương lai của một dân tộc, cả nước xuống đường”.
Nội dung này thực chất là cổ súy cho ý đồ kích động người dân xuống đường biểu tình vào sáng 2-9 theo kịch bản của tổ chức Việt Tân và các thế lực chống phá.
Trên một số bài viết kèm hình ảnh mà chúng tung lên mạng về “cuộc xuống đường 2-9”, các đối tượng nói là biểu tình ôn hòa nhưng lại chỉ dẫn cho người tham gia mang theo dao lam, xỉa được mài từ thép nhọn có một đầu cuốn tròn để dễ dàng kẹp vào ngón tay…
Thực chất, đây là thành viên hội nhóm, đối tượng cực đoan chống đối chính trị ở hải ngoại như Billy Bui, Ngọc Chằn, Hong Linh, Benny Truong, Tan Thai, Thich Thong Lai, Hoang Ngoc Dieu, Nguyễn Uyên Thuỳ cùng các đối tượng chống đối trong nước, đăng tải và kêu gọi người dân hưởng ứng cái gọi là “tổng biểu tình toàn quốc dịp 2-9” tại các thành phố lớn, khu công nghiệp … Đối tượng là con rối ở trong nước tìm cách cổ suý, phát tán những bài viết trên các trang này.
Những kẻ chống đối cực đoan kêu gọi “tổng biểu tình” với ý đồ tạo ra một sự kiện có màu sắc chính trị, dựng cái gọi là “một cuộc cách mạng tháng Tám lần thứ hai” hòng tạo cớ gây ra bạo loạn chính trị theo mô hình cách mạng đường phố, “cách mạng màu”…
Các đối tượng công khai kêu gọi người dân tham gia biểu tình, hướng dẫn cách thức chế tạo bom xăng… để tấn công lực lượng chức năng, trụ sở cơ quan nhà nước và các địa điểm công cộng đông người dân…
Chúng “khuyên” người dân mang hung khí đi biểu tình với lý do tự vệ nhưng thực chất là để chống trả lại lực lượng chức năng, gây rối, gây bạo loạn tiến tới lật đổ chính quyền.
Xuống đường biểu tình đòi “tự do dân chủ”, đòi “lợi ích cho người dân”, đòi “thay đổi thể chế”… Những khẩu hiệu đó nghe mỹ miều nhưng thực chất đều là chiêu bài của các thế lực thù địch nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, lật đổ chế độ XHCN bằng “cách mạng màu”.
Bài học đắt giá từ Syria đòi hỏi chúng ta phải tỉnh táo nhận diện để giữ gìn những giá trị đất nước, dân tộc hôm nay đang có, không để kẻ xấu biến thành con rối phá hoại.