Những ngày vừa qua, lợi dụng dịp kỷ niệm 2-9, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều bài viết bóp méo sự thật, xuyên tạc lịch sử của các đối tượng phản động nhằm đả kích chế độ, chống phá chính quyền nhân dân, đồng thời kêu gọi, kích động bạo loạn, biểu tình trái pháp luật hòng gây rối an ninh trật tự tại một số khu vực.
Các lực lượng của Bộ Công an và cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp nghiệp vụ, đập tan các âm mưu phá hoại. Tuy nhiên, người dân vẫn cần phải cảnh giác và tỉnh táo trước những chiêu bài kích động gây rối.
Đập tan mọi âm mưu phá hoại
Trước và trong những ngày nghỉ lễ vừa qua, lực lượng công an đã triển khai nhiều phương án phòng chống bạo loạn, biểu tình tụ tập đông người nhằm gây rối an ninh trật tự, đồng thời cũng đập tan nhiều âm mưu kích động, phá hoại, nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho nhân dân.
Liên tiếp nhiều đối tượng phản động, chống đối tại một số địa phương đã bị bắt giữ, hoặc vô hiệu hóa. Trong đó phải kể tới việc Công an tỉnh Bình Định phối hợp cùng Công an tỉnh Phú Yên bắt giữ đối tượng Lê Quốc Bình (44 tuổi, thường trú tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) là thành viên tổ chức khủng bố Việt Tân, từ Campuchia vượt biên về nước, mang theo nhiều vũ khí, tài liệu nhằm hoạt động khủng bố, phá hoại.
Tại Bến Tre, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Bến Tre cũng bắt khẩn cấp đối tượng Nguyễn Ngọc Ánh (38 tuổi, trú tại xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội, tạm trú tại thị trấn Bình Đại, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) về hành vi “Làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” khi đối tượng này sử dụng tài khoản facebook cá nhân để đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết, video, live stream (phát sóng trực tiếp) của nhiều đối tượng phản động trong và ngoài nước, có nội dung tuyên truyền nói xấu Đảng, Nhà nước cũng như kêu gọi, kích động, xúi giục người dân biểu tình, phá hoại trong dịp lễ 2-9.
Còn tại Cần Thơ, cơ quan công an đã bắt tạm giam 2 đối tượng là Đoàn Khánh Vinh Quang (42 tuổi, ở quận Ninh Kiều) và Bùi Mạnh Đồng (40 tuổi, ngụ quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) cùng về hành vi “Đưa trái phép thông tin máy tính, mạng viễn thông” khi 2 đối tượng này sử dụng facebook cá nhân đăng và chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung xuyên tạc các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và đăng bài viết có nội dung kêu gọi xuống đường tuần hành, biểu tình.
Mới đây nhất, vào tối 2 và rạng sáng 3-9, tại tỉnh Quảng Ngãi, nhiều người sau khi bị kích động trước tin đồn về việc Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt MD (ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ) lấp rác phi tang đã kéo đến trụ sở UBND xã Phổ Thạnh la hét, yêu cầu chính quyền địa phương đến nhà máy kiểm tra.
Sau đó, nhiều người đã dùng tôn, ván gỗ, bình gas, gạch đá, trải chiếu ngồi để chặn các phương tiện lưu thông trên quốc lộ 1 đoạn qua xã Phổ Thạnh gây ùn tắc giao thông trong nhiều giờ. Thậm chí, một số đối tượng quá khích còn dùng gậy, đá, can nhựa, chai xăng nhằm chống đối lực lượng thi hành công vụ và giữ 2 cán bộ làm con tin.
Trước vụ việc trên, lực lượng Công an tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai các biện pháp nhằm ổn định tình hình và tạm giữ hình sự 9 người để điều tra hành vi gây rối trật tự công cộng.
Những chiêu bài kích động, gây rối của các đối tượng phản động không mới nhưng rất nguy hiểm và thâm độc khi bọn chúng chủ yếu lợi dụng mạng xã hội để lan truyền nhanh chóng những thông tin kích động, xuyên tạc tới được nhiều người cũng như lôi kéo những người nhẹ dạ, cả tin bằng tiền, hay lợi ích vật chất.
Chúng lợi dụng mạng xã hội, internet và facebook để tung ra những bài viết, hay những đoạn video clip sặc mùi phản động, bóp méo sự thật, xuyên tạc lịch sử không chỉ nhằm đả kích chế độ, chống phá chính quyền mà còn gây hoang mang, nghi ngờ, lo sợ trong một bộ phận người dân. Từ đó, chúng kêu gọi kích động bạo loạn, biểu tình trái pháp luật hòng gây rối an ninh trật tự tại một số khu vực.
Một số đối tượng ở trong nước còn móc nối liên lạc với các tổ chức phản động ở nước ngoài để nhận được sự chỉ đạo, hậu thuẫn về tiền bạc nhằm tiến hành lôi kéo, xúi giục những người nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết tham gia các cuộc biểu tình, gây rối. Để đạt được mục đích chống phá, bọn chúng ra sức rêu rao, tuyên truyền rằng người dân phải tham gia biểu tình, gây rối mới là “thể hiện lòng yêu nước”, thể hiện “trách nhiệm đối với quốc gia, dân tộc” cũng như biểu tình là để bảo vệ quyền và lợi ích của người dân.
Trong khi đó, không ít người, nhất là một số thanh thiếu niên thiếu hiểu biết lại có tâm lý “sống ảo”, thích được thể hiện và bị mua chuộc bằng tiền bạc đã bị kích động, lôi kéo, bất chấp các quy định pháp luật, xuống đường gây rối, tiếp tay cho âm mưu phá hoại đất nước. Thậm chí, nhiều người mù quáng cho rằng, đốt phá trụ sở cơ quan nhà nước, tấn công lực lượng làm nhiệm vụ là… thể hiện lòng yêu nước!?
Qua những vụ việc gây rối vừa qua ở Bình Thuận, Hà Tĩnh, Bình Dương, TPHCM…, đến nay, không ít kẻ phản động, hay những đối tượng quá khích, gây rối đều đã phải trả giá bằng những bản án nghiêm khắc.
Sự thật, mọi người dân đều có quyền thể hiện lòng yêu nước, quan tâm, lo lắng cho công việc đất nước, nhưng mọi người cần thể hiện lòng yêu nước đúng chỗ, đúng thời điểm trên cơ sở pháp luật. Yêu nước chân chính là người biết thực hiện quyền và lợi ích của mình trên cơ sở pháp luật, biết tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người khác, của xã hội; luôn bình tĩnh, tỉnh táo tiếp nhận thông tin, biết chọn lọc, lắng nghe thông tin cũng như luôn đề cao cảnh giác, tự bảo vệ mình không nghe theo những luận điệu xuyên tạc của kẻ xấu, không để lòng yêu nước của mình bị lợi dụng vào mục đích xấu.
Mới đây, Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an, đã yêu cầu Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; tổ chức tốt công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho hệ thống thông tin của các cơ quan trọng yếu của Đảng, Nhà nước, hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia và của lực lượng Công an nhân dân. Đồng thời xử lý, đẩy lùi hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, chống đối trên không gian mạng và hoạt động của tội phạm mạng.
Ngoài ra, những cơ quan có trách nhiệm cần tăng cường tổ chức các cuộc tiếp xúc, đối thoại với người dân nhằm xử lý kịp thời, hiệu quả các vụ tranh chấp, khiếu kiện phức tạp ngay từ cơ sở, không để hình thành các “điểm nóng”, không để kẻ địch lợi dụng kích động, lôi kéo.