Ngày 6/12, Hạ viện Australia đã thông qua Dự luật an ninh mạng cho phép cơ quan chức năng nước này được tiếp cận thông tin liên lạc được mã hóa của các đối tượng tình nghi là khủng bố và tội phạm.
Đạo luật bao gồm các điều khoản cho phép chính quyền Canberra có thể buộc các nhà cung cấp dịch vụ mạng nội địa và quốc tế, bao gồm các tập đoàn nước ngoài như Facebook và WhatsApp, gỡ bỏ các biện pháp bảo vệ điện tử và giúp các cơ quan này tiếp cận các thiết bị hoặc các dịch vụ.
Bên cạnh đó, giới chức Australia có thể đưa ra yêu cầu bảo mật đối với các hoạt động này.
Chính phủ Australia khẳng định việc tăng cường quyền hạn cho cơ quan chức năng nước này là cần thiết để đối phó với các nguy cơ tấn công khủng bố trong dịp lễ hội cuối năm. Theo ý kiến của Công đảng đối lập ở Australia, cần có cơ chế giám sát và bảo vệ một khi đạo luật này được áp dụng và cần đánh giá văn kiện này trong 18 tháng. Phát biểu với báo giới bên ngoài tòa nhà Quốc hội, lãnh đạo Công đảng Bill Shorten cho biết dự luật sẽ có hiệu lực trước cuối năm nay.
Nếu trở thành luật, Austrlia sẽ trở thành một trong những quốc gia đầu tiên qui định quyền tiếp cận rộng rãi đối với các công ty công nghệ sau nhiều năm vận động hành lang các cơ quan tình báo tại nhiều nước, nhất là nhóm có tên “Five Eyes” gồm Mỹ, Canada, Anh, Australia và New Zealand.
Theo dự luật trên, nhà chức trách Australia có thể phạt tới 7,3 triệu USĐ đối với các thực thể và bỏ tù các cá nhân không giao nộp thông tin dữ liệu liên quan tới các hoạt động tình nghi trái phép.
Hiện xuất hiện nhiều tranh cãi liên quan đến đạo luật này trong bối cảnh giới chuyên gia cảnh báo quyền hạn mở rộng được đề cập trong đạo luật ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh mạng toàn cầu. Các tập đoàn công nghệ toàn cầu bày tỏ quan ngại văn bản luật này sẽ buộc họ tạo ra những lỗ hổng trong các sản phẩm và khiến chúng dễ bị xâm phạm.
Dự luật an ninh mạng nói trên dự kiến được tranh luận tại Thượng viện Australia, nơi Công đảng tuyên bố có ý định đề xuất các điều chỉnh-sửa đổi mới trước khi chuyển dự luật này trở lại Hạ viện.