Người biểu tình Áo vàng ở Pháp hy vọng sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng ngân hàng bằng một làn sóng rút tiền phối hợp trên phạm vi toàn quốc.
Những người biểu tình tin rằng động thái đe dọa hệ thống tài chính Pháp sẽ gây sức ép đối với chính quyền nước này. “Nếu như ngân hàng yếu đi, quốc gia ngay lập tức cũng sẽ suy yếu. Nó được cho là cơn ác mộng tồi tệ nhất đối với giới chức chính phủ”, người biểu tình có tên Tahz San chia sẻ.
Theo kênh truyền hình RT, những người biểu tình dự định sẽ rút nhiều tiền nhất có thể ra khỏi tài khoản ngân hàng vào thứ Bảy tới (12/1). Kế hoạch này nhằm “đe dọa nhà nước một cách hợp pháp và phi bạo lực”, buộc chính phủ phải chấp nhận Sáng kiến Trưng cầu Dân ý của người biểu tình đưa ra, từ đó cho phép các công dân đề xuất và bỏ phiếu các luật mới.
“Chúng tôi sẽ giành lại miếng ăn… các người đang kiếm tiền từ đó. Chúng tôi thực sự giận dữ”, người biểu tình Maxime Nicolle bày tỏ qua đoạn thông điệp video đăng trên mạng xã hội Youtube.
Một hoạt động tài chính có tổ chức có khả năng sẽ làm điêu đứng hệ thống ngân hàng Pháp, vì các ngân hàng chỉ nắm một phần quỹ mà người dân nước này có trong các tài khoản. Tuy nhiên, hầu hết các ngân hàng đều giới hạn khoản tiền rút từ máy ATM. Muốn rút phần tiền còn lại, người dân sẽ phải xếp hàng để rút trực tiếp tại quầy. Điều này có nghĩa giới chức chính phủ có đủ thời gian để áp đặt các giới hạn rút tiền, và việc này có nguy cơ sẽ khiến biểu tình phản đối càng trở nên dữ dội hơn.
“Đòn” tài chính này là một phương thức mới nhằm đáp trả đề xuất trấn áp làn sóng “biểu tình trái phép” mà Thủ tướng Edouard Philippe đưa ra đầu tuần này. Thủ tướng Philippe cam kết triển khai 80.000 nhân viên an ninh để đối phó với cuộc biểu tình tiếp theo. Trong khi đó, ngay trong phong trào cũng xuất hiện lục đục nội bộ, khi một số cựu lãnh đạo biểu tình kêu gọi một giải pháp chính trị.
Chính phủ kêu gọi những người biểu tình lên tiếng trong một cuộc thảo luận quốc gia thay vì biểu tình trên đường phố như họ đã làm trong hai tháng qua. Cuộc tranh luận, dự kiến diễn ra vào tuần tới, bao gồm các chủ đề liên quan đến thay đổi khí hậu, dân chủ, thuế quan và các dịch vụ công.