Căn hầm bí mật chứa gần ba tấn vũ khí nằm tại số nhà 287/70 Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TP Hồ Chí Minh) đã từng che chở cho các chiến sĩ biệt động Sài Gòn tham gia trận đánh chiếm Dinh Độc Lập vào rạng sáng mùng 2 tết Mậu Thân năm nào.
Hơn một năm đào hầm
Cuối tháng 4, giữa cái nắng như đổ lửa của mùa hè TP Hồ Chí Minh, chúng tôi tìm đến căn hầm bí mật chứa vũ khí trong chiến tranh của gia đình ông Trần Văn Lai. Căn nhà ở địa chỉ 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, hiện là Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia, nằm nép mình trong một con hẻm có đông người qua lại tại quận 3. Đón chúng tôi trong căn nhà 287/70 là ông Nguyễn Văn Chi, cựu chiến binh phường quận 3, người được gia đình ông Trần Văn Lai giao nhiệm vụ mở cửa và hướng dẫn viên cho người dân và du khách khi đến tham quan căn hầm.
Ông Nguyễn Văn Chi cho biết, căn nhà 287/70 là một trong 3 căn nhà liền nhau được ông Trần Văn Lai (Năm Lai) mua năm 1965. Nhà 287/70 có 2 mặt tiền, vì nằm giữa nên được ông Năm Lai và vợ chọn đào hầm bí mật. Nhà 287/70 có diện tích khoảng 37 m2, dài 14,9m, rộng 2,5m. Thời điểm đó, ông Năm Lai làm việc tại cơ quan viện trợ U-SOM của Mỹ và được nhận vào làm tại Dinh Độc Lập (Hội trường Thống Nhất hiện nay) với cái tên Mai Hồng Quế nhờ nổi danh trong nghiệp đoàn trang trí nội thất. Làm ở phòng Tổng thống, ông chuyên lo đồ cung cấp nội thất của Dinh.
Theo chỉ dẫn của ông Chi, chúng tôi tiếp tục tìm gặp bà Đặng Thị Thiệp, vợ của ông Trần Văn Lai, để tìm hiểu thêm về căn hầm chứa vũ khí và những câu chuyện đằng sau nó. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà giản dị tại quận 1, bà Đặng Thị Thiệp khá vui vẻ và thân thiện. Bà Thiệp kể lại, bà gặp ông Năm Lai lúc đó chỉ độ tuổi đôi mươi (khi đó bà đang học ở Đà Lạt). Lúc đó, ông Năm Lai đã có vợ là bà Phạm Thị Chính (thường gọi là Phạm Thị Chinh) tuy nhiên đến năm 1964 bà Chinh đã hy sinh.
Để tiếp tục hoạt động tại Sài Gòn, ông Năm Lai đã kết hôn với bà Thiệp, cũng là một chiến sĩ biệt động. Thời điểm này, vợ chồng ông bỏ tiền riêng để mua 3 căn nhà 287/68-70-72 trên đường Phan Đình Phùng, nay là đường Nguyễn Đình Chiểu và xây dựng hầm bí mật ngay trong nhà để chứa vũ khí và làm nơi hoạt động của Biệt động Sài Gòn.
Bà Thiệp kể: “Hai vợ chồng tôi đã tự tay đào và xây dựng, làm đường cống thoát hiểm và ống thở ngụy trang trong cột tường nhà của căn hầm bí mật. Vợ chồng tôi đã hoàn thành căn hầm bí mật có sức chứa gần 3 tấn vũ khí với lỗ thông hơi, nắp hầm bên trên nền nhà. Đây được xem là căn hầm lớn nhất, có thiết kế chắc chắn và chứa nhiều vũ khí nhất tại nội thành Sài Gòn lúc bấy giờ. Để đào được căn hầm này, vợ chồng tôi phải mất hơn một năm ròng”.
Tuy nhiên, để vận chuyển vũ khí đạn dược đến hầm, vợ chồng ông Năm Lai phải nguỵ trang trên xe chở các chậu cảnh, sọt hoa quả, bên dưới giấu vũ khí bí mật. “Các loại vũ khí như B40, B41, súng đạn, thuốc nổ TNT, C4… được giấu vào các tấm ván rỗng bên trong, rồi được chèn bằng gạo để tránh tiếng động. Ngoài ra, vũ khí còn được cất giấu, ngụy trang trong các sọt hoa quả. Nhờ cách làm này, hơn ba tấn vũ khí đã được vận chuyển đến cất giấu an toàn trong hầm bí mật giữa lòng đô thị Sài Gòn lúc bấy giờ”, bà Thiệp cho biết thêm.
Sáu giờ chiếm Dinh Độc Lập
Ngày 28 Tết Mậu Thân, tất cả các chiến sĩ trong Đội 5 nhận lệnh từ Tây Ninh vào Sài Gòn tập kết tại nhà của ông Năm Lai, để chuẩn bị cho một trận đánh lớn.
Ban ngày mọi người vẫn hoạt động bình thường, nhưng đêm là lúc học chính trị và chuẩn bị vũ khí. Sau 2 ngày đêm chuẩn bị, đến 18 giờ mùng 1 Tết, cả đội 5 nhận chỉ thị tấn công Dinh Độc lập và nhất trí phương án tấn công cảm tử, sử dụng hai chiếc xe ô tô của ông Năm Lai, mỗi xe chở một thùng thuốc nổ 1 tấn. Hộ tống theo hai xe là 3 xe máy, mỗi xe 2 người nhằm mục đích nếu địch phát hiện bắn chết tài xế thì người ngồi sau sẽ thay thế người cầm lái bằng mọi giá phải tới đích, đánh bằng được Phủ Đầu Rồng.
Tiếp cận Dinh Độc lập từ cửa sau, đoàn xe vấp phải bức tường hỏa lực địch do chiếc xe đầu bị phát hiện khi khối thuốc nổ trục trặc không phát nổ. Ngay phút đầu tấn công, Chỉ huy trưởng Hoàng Trọng Thanh bị thương nặng và chiếc xe chở bộc phá bị xẹp lốp. Sau gần một tiếng cầm cự, Đội 5 đã hy sinh 7 người và chỉ còn 8 người chiến đấu.
Sáng mùng 2 Tết, 8 chiến sĩ đã khống chế Dinh Độc Lập được hơn 6 giờ nhưng do quân tiếp viện của ta không đến kịp nên các chiến sỹ đội 5 biệt đồng Sài Gòn đã rút về chiếm tòa nhà ở 65 Thủ Khoa Huân (quận 1) để chống trả quân địch. Cà đội cầm cự tới gần tối ngày mùng 2 Tết, đạn đã hết, lực lượng bảo vệ Dinh được huy động bao vây ngôi nhà và ập vào bắt sống toàn bộ các chiến sĩ. Trận chiếm đánh Dinh Độc Lập được coi là trận đánh dài nhất và ác liệt nhất trong cuộc Tổng tiến công Mậu thăn 1968.
Sau khi bị bắt, 8 chiến sĩ trong Đội biệt động Sài Gòn bị đày ra Côn Đảo, căn nhà rơi vào tay địch nhưng bí mật về hầm vũ khí vẫn được giữ cho đến sau ngày giải phóng. Khi đó, căn nhà được thu hồi để trả về cho chủ cũ là bà Đặng Thị Thiệp, đến ngày 16/11/1988, căn hầm bí mật tại nhà 287/70 Nguyễn Đình Chiểu được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia.
Ngày nay, thế hệ trẻ và du khách nước ngoài rất thích tham quan căn hầm chứa vũ khí bí mật tại quận 3 này để có thể tìm hiểu thêm về một thời chiến đấu oanh liệt của các thế hệ cha ông. Đặc biệt, để thế hệ trẻ có thể tiếp cận gần hơn với các di tích chiến tranh như căn hầm bí mật chứa vũ khí, ông Trần Vũ Bình, tức Trần Kiến Xương, là người con thứ 3 của ông Trần Văn Lai và bà Đặng Thị Thiệp đã cải thiện, nâng cấp và hoàn thành một số di tích trong hệ thống di tích lịch sử Biệt động Sài Gòn. Trong đó, có Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia “Hầm chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn tấn công dinh Độc Lập tết Mậu Thân năm 1968” tại 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3 và Di tích Hộp thư bí mật và hầm nổi của Biệt động Sài Gòn tại số 113A Đặng Dung, phường Tân Định (Quận 1)…