Đại biểu Quốc hội đề nghị quy định tước bằng lái xe vĩnh viễn đối với lái xe uống rượu, bia gây tai nạn; phạt tù nếu say xỉn lái xe làm chết người.
Thảo luận về dự án Luật phòng chống tác hại của bia, rượu tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV, đại biểu Bùi Thu Hằng (đoàn Hoà Bình) đề nghị tại điều quy định về phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia bổ sung thêm hình thức tước bằng lái xe vĩnh viễn đối với lái xe sử dụng rượu, bia gây tai nạn giao thông nghiêm trọng và hình thức phạt tù không được hưởng án treo trong trường hợp đối với lái xe sử dụng rượu, bia gây tai nạn giao thông nghiêm trọng làm chết người.
Đại biểu Bùi Thu Hằng đề nghị xử lý nghiêm tài xế uống rượu, bia lái xe
Theo bà Hằng, vì hiện nay Luật Xử phạt vi phạm hành chính và Luật Giao thông đường bộ đều không quy định về hình thức tước bằng lái xe vĩnh viễn mà chỉ quy định việc tước bằng có thời hạn đối với các vi phạm liên quan đến sử dụng rượu, bia khi lái xe. Do đó, chưa đủ sức răn đe đối với những người vi phạm.
“Quy định này buộc tài xế phải nâng cao ý thức, trách nhiệm tuân thủ pháp luật hơn để đảm bảo lái xe an toàn và tuyệt đối không sử dụng rượu, bia trước và trong khi lái xe” – bà Hằng nêu quan điểm.
Nhấn mạnh hiện nay cả nước đang nóng lên về tình trạng lái xe uống rượu, bia gây tai nạn tổn hại đến tính mạng, sức khỏe của người dân, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương – Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng Quốc hội lần này thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ khiến cho người dân rất phấn khởi và đồng tình ủng hộ.
Đại biểu Phương đề nghị bổ sung hình thức xử phạt, kỷ luật từ xử phạt hành chính đến phê bình, khiển trách, buộc thôi việc hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
“Mức xử phạt hành chính khi uống rượu bia gây tai nạn hoặc vi phạm các điều khoản khác nhưng chưa tới mức truy tố thì thu bằng lái xe từ 1 đến 5 năm hoặc thu bằng vĩnh viễn. Phạt tiền từ 20 đến 100 triệu, tùy theo mức độ vi phạm” – vị đại biểu đoàn Quảng Bình nêu đề xuất khi cho rằng Luật pháp của chúng ta chưa nghiêm, vì mức độ xử phạt thường rất nhẹ. Trong khi đó, các nước xử phạt cực kỳ nghiêm khắc, vì thế mới răn đe, mới cảnh báo được./.
Ngọc Thành/VOV.VN