Ngày những người tị nạn Syria này có thể hồi hương vẫn mờ mịt. Nhiều người trong số họ hối tiếc vì từng tham gia biểu tình chống chính phủ.
Hàng triệu người Syria đang phải sống tị nạn ở nước ngoài, nhiều nhất là các nước láng giềng Arab. Đó là điều không ai trong số họ mong muốn và nhất là những người đã từng tham gia làn sóng biểu tình “Mùa xuân Arab” năm 2011 với ước mong có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Ngày trở về quê hương với họ vẫn còn mờ mịt khi tiếng súng chưa yên, nhiều khu vực, nhà cửa vẫn là các đống hoang tàn của xung đột.
Từ biểu tình hòa bình biến thành các cuộc bạo động và xung đột phe phái năm 2011 đã khiến đất nước Syria rơi vào cuộc nội chiến ác liệt. Gần 9 năm qua nhưng quốc gia Trung Đông này chưa một ngày yên tiếng súng. Chiến tranh đã biến đất nước Syria tươi đẹp bên bờ biển địa Trung Hải giờ được ví như “địa ngục trần gian”. Liên Hợp Quốc gọi cuộc khủng hoảng ở Syria là lớn nhất thế giới trong gần một phần tư thế kỷ qua. Xung đột và giao tranh đã khiến hơn 6 triệu người Syria phải đi lánh nạn ở khắp nơi, nhiều nhất là các quốc gia láng giềng Arab như Lebanon, Jordan, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ.v.v…
Anh Mahammad Muwafiq, người dân Aleppo đang sống tại Ai Cập chia sẻ trước năm 2011, đất nước anh rất yên bình và đẹp nhưng bây giờ đang hoang tàn bởi chiến tranh.
Mahammad Muwafiq cũng đã tham gia làn sóng mùa xuân năm đó và anh thấy hối tiếc khi mọi thứ đã xảy ra vượt tầm kiểm soát và ngoài sự tưởng tượng của anh cũng như các bạn trẻ Syria.
“Chúng tôi không nghĩ cuộc cách mạng lại dẫn tới hậu quả như ngày hôm nay với xung đột và sự can thiệp của các nước lớn. Chúng tôi xuống đường chỉ để đề nghị có được những điều tốt đẹp hơn và cuộc sống tốt hơn, muốn đất nước trở thành nước phát triển trên thế giới. Nhưng giờ mọi nơi ở Syria không an toàn. Chiến tranh đã phá hủy Syria và để trở lại được như trước năm 2011 phải mất 10 đến 20 năm với điều kiện chiến tranh kết thúc ngay bây giờ. Tất cả người tị nạn và cả tôi không thể trở về khi đất nước chưa yên bình. Nếu được tôi ước xung đột kết thúc vào ngày mai.”
Ông Naziar, người dân thủ đô Damascus, đang cùng gia đình sống tại Ai Cập và làm nghề cắt tóc ở thành phố Sheikh Zayed – Ảnh Ngọc Thạch.
Ông Naziar một người dân từng sống ở thủ đô Damascus, năm nay 55 tuổi và ông rất tự hào về đất nước Syria từng rất tươi đẹp, yên bình và phát triển ở Trung Đông. Nhưng chiến tranh đã khiến Syria trở thành đống đổ nát và gia đình ông phải rời tới Ai Cập sinh sống. Như bao người tị nạn Syria khác sau nhiều năm tha phương, ông Naziar và gia đình cũng muốn trở về nhưng về đâu khi nhà tan cửa nát.
“Nhà của tôi ở Damascus không còn, bị phá hủy hoàn toàn. Chúng tôi làm gì có nhà để trở về sống. Chúng tôi cũng muốn trở về nhưng thời điểm này thì chưa. Tôi và gia đình sẽ trở về khi đất nước yên bình – đó là đất nước giàu đẹp”.
Như bao bạn trẻ khác anh Aiham cũng mong muốn trở về xây dựng quê hương Syria sau khi đi du học tại Ai Cập. Aiham chia sẻ sống ở đâu cũng không bằng quê hương mình bởi ở đó có gia đình và người thân. Nhưng cuộc nội chiến khiến mong ước của anh không thành. Ngày trở về Syria bên bố mẹ của Aiham như xa vời bởi tiếng súng vẫn chưa ngơi.
Anh Aiham, người dân Syria, mở cửa hàng bán hàng tinh dầu ở Ai Cập – Ảnh Ngọc Thạch.
“Những người tị nạn Syria và cả tôi không mong muốn điều gì khác ngoài được trở về quê hương. Đất nước chúng tôi đã từng phát triển, yên bình và tươi đẹp, người dân hạnh phúc. Bây giờ người dân đã hiểu được giá trị của sự bình yên và không có những hành động ngốc ngếch như trước. Đương nhiên tôi mong muốn tình hình Syria sẽ được giải quyết và ổn định để chúng tôi có thể trở về. Đó là tất cả những gì tôi mong muốn.”
Trong ánh mắt những người tị nạn Syria vẫn lóe lên niềm tin và hy vọng ngày trở về. Họ dường như thấy tiếc nuối và ăn năn khi đã tham gia vào làn sóng biểu tình năm đó bởi hoa thơm, quả ngọt của mùa xuân chưa thấy mà chỉ là những cảnh chết chóc, hoang tàn và sự tha hương. Con đường hồi hương của họ vẫn mịt mờ bởi cuộc khủng hoảng vẫn đang tiếp diễn./.