Mỗi tháng, Thiệu tổ chức vài chuyến nghỉ mát ở Phú Quốc vào cuối tuần để được gặp người tình, ca sĩ Kim Loan – người đẹp nổi tiếng thời đó.
Nuôi mộng làm ca sĩ từ thủa còn ấu thơ, năm 1958, khi vừa lên 9, Kim Loan đã gia nhập lò đào tạo của nhạc sĩ Nguyễn Đức. Từ đó, mỗi sáng Chủ nhật hàng tuần, cô thường góp tiếng hát trong chương trình của Ban Việt Nhi trên làn sóng của đài phát thanh Sài Gòn. 9 năm sau, tròn 17 tuổi, Kim Loan bắt đầu được công chúng biết đến qua ca khúc “Căn nhà ngoại ô” mang điệu bolero của nhạc sĩ Anh Bằng. Thật ra, giọng ca của Kim Loan không có gì đặc biệt. Cho dù đã bắt đầu nổi tiếng, nhưng cô chưa bao giờ được xếp vào hàng ngôi sao như sau này người ta vẫn gọi một cách khiên cưỡng. Nhưng nói đến nhan sắc thì Kim Loan phải xếp hàng đầu trong giới ca sĩ thời đó.
Năm 1966, sau một loạt đảo chánh do các phe nhóm nhà binh chủ trương lật đổ lẫn nhau để giành lấy phủ đầu rồng. Cuối cùng, Nguyễn Văn Thiệu đã chiếm thế thượng phong, yên vị trên chiếc ghế tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Để củng cố địa vị của mình, ông Thiệu đã bố trí nhiều kẻ thân tín vào những chức vụ then chốt trong guồng máy cầm quyền. Quan trọng nhất là Trung tướng Đặng Văn Quang, một đồng liêu và là bạn chí cốt từ thời trai trẻ, đồng thời còn là cậu vợ (bà Mai Anh) của Nguyễn Văn Thiệu, vào chức vụ Cố vấn An ninh Quốc gia.
Dù đã có gia đình nhưng Tổng thống Thiệu vẫn không khỏi động lòng trước vẻ đẹp của Kim Loan.
Năm 1968, nhân dịp chủ trì một buổi lễ khao quân của bộ chỉ huy binh chủng Biệt Động Quân, tại trại Đào Bá Phước trên đường Tô Hiến Thành. Ông Thiệu gặp Kim Loan ở đó, và bị cô ca sĩ này hớp hồn ngay phút đầu tiên. Vì là bạn nối khố, ông Thiệu chẳng cần giữ kẻ, mà nói thẳng với Đặng Văn Quang mình muốn bắt cóc cô đào kém mình 25 tuổi và hỏi rằng liệu Quang có thu xếp được không.
Với quyền uy trong tay, Quang làm gì chẳng được nên gật đầu bằng lòng. Không đúng như nhiều bài báo sau này đã viết: để thỏa mãn lòng ham muốn của “quân vương”, Đặng Văn Quang đã tìm cách, thường xuyên đưa Kim Loan vào dinh Độc Lập “hát” cho ông Thiệu nghe và kết quả là Tổng thống đã tặng cho nàng một bào thai.
Nhưng thực tế, không phải như vậy. Cho dù có uống thuốc liều thì Nguyễn Văn Thiệu và Đặng Văn Quang cũng không dám đưa Kim Loan vào dinh Độc Lập để mở cuộc mây mưa. Bởi vì địa chỉ này hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của đệ nhất phu nhân Mai Anh, rất dễ bại lộ hành tung, chưa kể tai mắt của nhiều đối thủ chính trị luôn rình rập ở đó để hạ bệ nhau. Do đó, điểm hẹn phải là một nơi an toàn, ít ai để ý, càng xa Sài Gòn càng tốt.
Theo kế hoạch, Đặng Văn Quang đã cho đệ tử ruột là Trung tá Ngân, trực tiếp đến tận nhà, chuyển lời của Tổng thống Thiệu mời Kim Loan tham gia một chương trình văn nghệ. Chương trình này do phủ đầu rồng tổ chức, nhằm ủy lại binh sĩ Hải quân Vùng 4 Duyên hải, đồn trú tại căn cứ An Thới trên đảo Phú Quốc. Dĩ nhiên, được “quân vương” chiếu cố, Kim Loan như mở cờ trong bụng, nên hoan hỉ nhận lời ngay.
Đến ngày hẹn, Kim Loan được xe đón ra phi trường Tân Sơn Nhất, rồi được mời lên một chiếc D.C 47. Trên máy bay, chỉ có một mình Kim Loan và Trung tá Ngân, ngoài ra chẳng thấy có ban văn nghệ nào cả. Hơn tiếng đồng hồ trước đó, ông Thiệu và ông Quang cùng một vài cận thần và vệ sĩ thân tín đã bay ra Phú Quốc trên một chiếc D.C 47 khác.
Ngày hôm trước, Đại Tá Đỗ Kiểm, Tư lệnh Vùng 4 Duyên hải đã nhận được một công lệnh mật từ phủ đầu rồng, thông báo tổng thống và cố vấn An ninh quốc gia sẽ ra nghỉ mát và câu cá tại Phú Quốc vào cuối tuần; yêu cầu Đại tá Kiểm phải chỉnh trang một tàu hải quân có đủ phòng ăn, phòng ngủ như một du thuyền; đồng thời cho thả neo quanh Hòn Thơm và tăng cường một đại đội quân cảnh canh gác trại tù đến giữ an ninh tại mũi Ông Đội.
Khi chiếc máy bay chở Kim Loan vừa đáp xuống phi trường An Thới, một chiếc xe Jeep của Đặc khu Phú Quốc đưa ngay cô ta và trung tá Ngân ra cầu cảng, lên chiếc tàu mà ông Thiệu đang chờ, nhổ neo, ra khơi. Trên tàu này, ngoài người hạ sĩ quan lái tàu ra, còn có 4 cận vệ của ông Thiệu và 2 người nhái. Tất cả chỉ được phép lảng vảng ở mui tàu và trên boong. Trung tướng Đặng Văn Quang, Đại tá Đỗ Kiểm và trung tá Ngân ở trên mội chiếc PCF khác, cách xa tàu ông Thiệu chừng 200 mét. Chương trình “văn nghệ” của ông Thiệu và Kim Loan kéo dài suốt ngày hôm đó.
Nhan sắc của Kim Loan nổi tiếng một thời
Đến chiều, Trung tá Ngân và Kim Loan bay về Sài Gòn trước, ông Thiệu, bay về sau. Cố vấn An ninh Quốc gia Đặng Văn Quang đã tỏ ra là một đạo diễn xuất sắc khi đã tổ chức một chương trình “ăn vụng” cho ông Thiệu một cách hoàn chỉnh.
Mọi chuyện không dừng lại ở đó. Càng ngày, Nguyễn Văn Thiệu càng say mê Kim Loan nên mỗi tháng “quân vương” lại ra lệnh cho Đặng Văn Quang tổ chức vài ba chuyến nghỉ mát, câu cá ở Phú Quốc vào cuối tuần. Thỉnh thoảng, ông ta cũng đưa bà Mai Anh theo, cho đệ nhất phu nhân tin tưởng, “quân vương” vì quá lo việc nước nên cần có thời gian thư giãn và để che mắt thế gian.
Cho đến khi dư luận xã hội bắt đầu râm ran về chuyện tình này, lọt đến tai bà Mai Anh, nhưng phủ đầu rồng vẫn chưa hay biết. Một lần ngồi nói chuyện với anh em, nhà văn Nguyễn Mạnh Côn kể rằng, trong một bữa cơm do vợ chồng ông Nguyễn Văn Thiệu đãi một số nhà văn trong ban giám khảo giải thưởng văn học hàng năm của miền Nam. Ông Thiệu đã cao hứng nói mình rất say mê văn học. Một nhà văn hỏi, ngoài văn học ra, tổng thống còn yêu thích bộ môn nghệ thuật nào nữa không? Ông Thiệu đáp ngay: “Có, tôi thích âm nhạc và rất ái mộ ca sĩ Kim Loan với bài hát ‘Căn nhà ngoại ô'”.
Chính điều này như dầu đổ vào lửa, khiến Mai Anh phu nhân cương quyết đi tìm sự thật. Bà tung “gián điệp” ra tận Phú Quốc mai phục và thu thập tin tức. Đến khi đã nắm đủ chứng cứ trong tay, bà ta cố dằn cơn ghen vì sợ ảnh hưởng đến sự nghiệp của “quân vương” và danh dự của mình trong vai trò đệ nhất phu nhân. Thế nhưng, dễ gì bà Mai Anh chịu bỏ qua cho tình địch. Vốn là kẻ thâm trầm, ít nói, bà Mai Anh kín đáo ra lệnh thuộc hạ lên kế hoạch, tiến hành một trận đánh ghen, làm cho Kim Loan phải thân tàn ma dại.
Giận quá thì mất khôn, khi máu ghen nổi lên, đệ nhất phu nhân quên bảo mật, đã trút mọi cay cú lên đầu ông cậu họ Đặng Văn Quang. Coi ông ta là đầu dây, mối nhợ dẫn dắt “quân vương” vào con đường tội lỗi. Đánh hơi được sự việc ngày càng nguy hiểm, nhất là khi tình báo của Cố vấn An ninh quốc gia, khám phá ra âm mưu đánh ghen của tổng thống phu nhân sắp được thực hiện, Trung tướng Đặng Văn Quang đã khẩn cấp bàn với Nguyễn Văn Thiệu biện pháp đối phó.
Mai Anh – phu nhân của Nguyễn Văn Thiệu.
Cuối cùng, Nguyễn Văn Thiệu và Đặng Văn Quang, không còn cách nào khác hơn là phải đưa Kim Loan rời khỏi Việt Nam, ra định cư ở ngoại quốc càng sớm càng tốt. Cộng hòa Liên bang Đức là quốc gia mà họ ưu tiên lựa chọn. Mọi thủ tục được tiến hành một cách nhanh chóng nhất.
Ngày 6/11/1969, Kim Loan vội vã lên đường một cách đột ngột với lý do sang Tây Đức du học. Một chuyến du học không hề được tính trước. Thế là chấm dứt sự nghiệp ca hát, chỉ mới 3 năm tạo được chút tiếng tăm và đang trên đà tiến lên đỉnh cao danh vọng, sau 10 năm khổ công luyện tập. Nhưng trong hoàn cảnh đó, Kim Loan không còn sự lựa chọn nào khác.
Dư luận từ chốn cung đình tiết lộ, một viên Đại úy đã được ông Thiệu tín cẩn, giao cho nhiệm vụ phò Kim Loan sang xứ lạ với một ngân khoản khá lớn, đủ cho “đệ nhị phu nhân” sống an nhàn một đời. Để hợp thức hóa, viên Đại úy này được mang chức danh là nhân viên trong ban Tùy viên Quân sự của sứ quán Việt Nam Cộng Hòa tại Tây Đức. Kim Loan dịnh cư ở thành phố Cologne và đúng một năm sau thì làm đám cưới với một Việt kiều.
Trong thời kỳ trước năm 1975, chuyện tình của người đẹp Kim Loan và ông Thiệu là một trong những chuyện tình nổi đình, nổi đám nhất ở miền Nam nhưng không một tờ báo nào thời đó dám đả động đến vì sợ bị tịch thu và trù dập. Chịu chơi và liều mạng như Thương Sinh (bút hiệu viết báo của Duyên Anh) trên báo Người cũng chỉ nói bóng, nói gió theo giọng điệu nửa đùa nửa thật.
Từ đó, Kim Loan sống trong im lặng và mối tình vụng trộm với “quân vương” gây xôn xao dư luận một thời, cũng phai dần theo năm tháng. Mới đây, nhân dịp sang Mỹ, Kim Loan bị một tờ báo hải ngoại đem chuyện cũ ra phỏng vấn. Bà vẫn né tránh các câu hỏi, không thừa nhận cuộc tình và khẳng định chưa bao giờ gặp ông Nguyễn Văn Thiệu dù chỉ một lần trong đời.
Kim Loan nói: “Loan biết ông Tổng thống cũng là nạn nhân của chuyện đồn ác ý. Nhưng Loan nghĩ những người có trách nhiệm phải nói chuyện đó không có. Loan thấy bà Thiệu vô tình quá đỗi, là vợ, bà phải biết chồng bà có làm cái việc đó hay không. Đáng lý bà phải đính chính cho ông chồng bà, bà phải giữ danh dự cho Loan. Nhưng bà đã không làm việc đó. Vì thế Loan nói thiệt là Loan rất thất vọng về bà Thiệu!”.