Họ gác lại tất cả để lên đường ra trận. Và ngày trở về, trên chiếc ba lô còn vương mùi thuốc súng là cô búp bê nhỏ nhỏ, xinh xinh có hàng mi chớp chớp…
45 năm đã trôi qua.
45 năm non sông về một mối.
45 là khoảng thời gian không hề ngắn với một đời người.
Nhưng với tôi, đến tận bây giờ vẫn ám ảnh bởi hình ảnh người lính trở về trên chiếc ba lô sau lưng, vắt vẻo con búp bê với hai hàng mi chớp chớp.
Những ngày đầu thống nhất đất nước, có một phong trào “Miền Nam nhận họ, miền Bắc nhận hàng”.
Người miền Nam, trong đó không ít là người miền Bắc di cư và cả những người miền Nam ra Bắc tập kết trở về cùng tìm lại người thân.
Lúc ấy, kinh tế miền Nam khá hơn nên nhiều bà con họ hàng chia sẻ khó khăn với người miền Bắc ruột thịt.
Những người lính, sau nhiều năm tháng xa nhà trở về đều mong muốn có một món quà mang cho người thân.
Đó là những chiếc xe máy Honda đời 67, 68, xe Suzuki hay những chiếc tivi đen trắng nhãn hiệu Panasonic hoặc Sony.
Ngày đó, xăng dầu chưa đảm bảo, phụ tùng thay thế hiếm, kỹ thuật sửa chữa và sử dụng kém nên có câu “Sáu bảy (Honda 67) vừa đẩy vừa đi, Suzuki vừa đi, vừa đẩy”.
Về ti vi, ngày đó hệ thống truyền hình chưa phát triển. Sóng kém, tivi thường cũ nên hỏng hóc luôn. Thợ sửa lại không lành nghề, nên chiếc ti vi được coi như là “thủ phạm” phá hoại kinh tế.
Câu “Muốn chết thì chơi Honda, muốn bán cửa nhà thì chơi vô tuyến” là vì thế.
Có những món quà “hẻo” hơn một chút, là những chiếc đài cát séc chạy điện hoặc chạy pin. Đài cũ, loa rè, điện yếu, pin đắt, mỗi lần quay băng lại kêu lẹt xẹt…
Song, đấy thường là các món quà của những người có bà con giàu có. Còn đa số, trên lưng họ, vắt ngang chiếc ba lô là cô búp bê mái tóc xoăn xoăn với hàng mi chớp chớp. Cái này thì hầu như người lính nào trở về quê đều mang theo.
Có lẽ do đây là mặt hàng rẻ, dễ kiếm và phù hợp với tài sản lính tráng.
Song, có lẽ hơn hết, đó là khát vọng của những chàng trai trở về sau cuộc chiến.
Họ khao khát mái ấm gia đình.
Họ thèm khát có những đứa con.
Trong số họ, có thể là những người đàn ông đã có vợ, có con.
Họ có thể là những chàng trai có người yêu nơi quê nhà đang ngày đêm đón đợi.
Họ có thể là những thành niên ngày lên đường nhập ngũ chỉ cầm theo lời hò hẹn dưới đêm trăng.
Họ có thể là những chàng trai chưa một lần cầm tay bạn gái…
Họ là những chàng sinh viên rời giảng đường, xếp bút nghiên lên đường ra trận.
Họ là những công nhân nơi công trường, xưởng máy…
Nhưng đa số trong họ là những người nông dân bỏ tay cuốc, tay cày cầm súng.
Với tất cả, tình yêu, khát vọng của họ là mái ấm gia đình có bố mẹ, anh em, vợ và những đứa con.
Họ gác lại tất cả để lên đường ra trận.
Và ngày trở về, trên chiếc ba lô còn vương mùi thuốc súng là cô búp bê nhỏ nhỏ, xinh xinh có hàng mi chớp chớp…
Bùi Hoàng Tám/Báo Dân trí