Ngay tuần tới, các chuyên gia sẽ đánh giá khả năng sinh miễn dịch chống lại virus SARS-CoV-2 trên các mẫu máu chuột thí nghiệm.
Công ty TNHH MTV Vắc xin và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), Bộ Y tế cho biết, đơn vị này đã nghiên cứu thành công việc tạo chủng mang vùng kháng nguyên đặc hiệu của virus SARS-CoV-2.
Trong vài tuần qua, nhóm nghiên cứu đã bắt đầu tiêm thử nghiệm trên chuột.
TS Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch VABIOTECH cho biết thêm, trong tuần tới, các mẫu máu trên chuột thí nghiệm sẽ được chuyển đến Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để đánh giá về khả năng sinh miễn dịch (kháng thể) chống lại virus SARS-CoV-2.
Việt Nam cùng nhiều nước trên thế giới đang nghiên cứu vắc xin ngừa Covid-19
Sau giai đoạn này, vắc xin ngừa Covid-19 sẽ tiếp tục được thử nghiệm trên động vật để đánh giá thêm tính an toàn cũng như tính sinh miễn dịch trước khi thử nghiệm lâm sàng trên người.
Theo ông Đạt, dự án vắc xin ngừa Covid-19 của Viện phối hợp cùng ĐH Bristol (Anh) nghiên cứu suốt hơn 2 tháng qua dựa trên công nghệ vector virus.
Công nghệ này tuy khó khăn ở bước đầu để tạo ra protein đáp ứng miễn dịch nhưng các bước sau sẽ đi nhanh hơn so với công nghệ tổng hợp gene, giúp rút ngắn thời gian phát triển và sản xuất vắc xin.
Tuy nhiên, ông Đạt nhấn mạnh, do yêu cầu nghiêm ngặt trong quy trình phát triển vắc xin với nhiều giai đoạn thử nghiệm nên dù nhanh nhất và thuận lợi nhất cũng phải mất 12 tháng mới có kết quả. Đồng nghĩa sớm nhất phải đầu 2021 mới có vắc xin.
Hiện Việt Nam là 1 trong 39 nước trên thế giới đạt Tiêu chuẩn quốc gia về sản xuất vắc xin, tức vắc xin sản xuất ra có thể xuất khẩu.
Riêng trong lĩnh vực sản xuất vắc xin ngừa Covid-19, trong tháng qua, nhiều quốc gia đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng trên người như Trung Quốc, Anh, Đức, Mỹ…
Các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự báo rằng phải đến giữa năm 2021 mới có thể hoàn tất việc thử nghiệm vắc xin để bán ra thị trường.
Thúy Hạnh/Vietnamnet