Sáng 18/9/2017, tại TP Vinh, Tòa án nhân dân thị xã Hoàng Mai đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Nguyễn Văn Oai. Sau khi xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Oai tổng cộng 5 năm tù giam và 4 năm quản chế, cấm đi khỏi nơi cư trú.
Bị cáo Nguyễn Văn Oai (sinh năm 1981, trú tại xóm 4, Quỳnh Vinh, TX Hoàng Mai) bị truy tố về các tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại điều 257; tội không chấp hành án theo quy định tại điều 304 Bộ luật Hình sự.
Bị cáo Nguyễn Văn Oai trước vành móng ngựa sáng 18/9. |
Trước đó, trong các ngày 8 và 9/1/2013, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự đối với 14 bị cáo, trong đó có Nguyễn Văn Oai về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” quy định tại Điều 79 Bộ luật Hình sự. Tại phiên tòa, hội đồng xét xử đã xử phạt 14 bị cáo tổng cộng 82 năm tù, trong đó bị cáo Nguyễn Văn Oai bị phạt 4 năm tù và bị quản chế 4 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính.
Toàn cảnh phiên xét xử. |
Sau khi Nguyễn Văn Oai chấp hành xong hình phạt tù tại trại giam Nam Hà, được bàn giao về nơi cư trú ở xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An để chấp hành tiếp hình phạt bổ sung 4 năm quản chế, cấm đi khỏi nơi cư trú theo bản án sơ thẩm số 01/2013/HSST ngày 9/1/2013 của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An.
Tuy nhiên, Nguyễn Văn Oai đã cố ý không chấp hành các quy định về quản chế, không chịu sự quản lý, giáo dục của chính quyền địa phương, thường xuyên vi phạm nghĩa vụ quản chế ngay từ tuần đầu tiên về tại nơi cư trú. Các cơ quan chức năng đã nhiều lần nhắc nhở, giáo dục, 3 lần ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nhưng Nguyễn Văn Oai vẫn cố ý không chấp hành với thái độ thách thức, thậm chí còn chống trả quyết liệt đối với người thi hành công vụ.
Nguyễn Văn Oai đều không thực hiện nghĩa vụ mỗi tháng một lần vào đầu tuần của tháng, đến trình diện và báo cáo với UBND xã Quỳnh Vinh theo quy định của Luật Thi hành án hình sự mà không có lý do. Công an xã đã tiến hành lần lượt lập 18 biên bản về việc vi phạm nghĩa vụ chấp hành án, 2 lần trực tiếp đến giải thích, thuyết phục.
Chủ tịch UBND xã Quỳnh Vinh đã lần lượt ban hành 3 bản thông báo yêu cầu thực hiện nghĩa vụ thi hành án quản chế và 14 lần ký giấy triệu tập Nguyễn Văn Oai đến UBND xã để thực hiện nghĩa vụ thi hành án quản chế nhưng Nguyễn Văn Oai đều không nhận, không chấp hành.
Nguyễn Văn Oai đã ít nhất 2 lần tự ý đi khỏi nơi quản chế. Các cơ quan chức năng đã nhiều lần nhắc nhở, giáo dục, 3 lần ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nhưng Nguyễn Văn Oai vẫn cố ý không chấp hành với thái độ thách thức, thậm chí còn chống trả quyết liệt đối với người thi hành công vụ.
Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa và kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện tài liệu chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, Hội đồng xét xử xác định: Các hành vi của bị can Nguyễn Văn Oai đã phạm vào tội “Không chấp hành án” và tội “Chống người thi hành công vụ”, được quy định tại điều 304 và khoản 1 điều 257 Bộ luật Hình sự.
Hội đồng xét xử tuyên án. |
Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử quyết định áp dụng Điều 304 của Bộ luật Hình sự năm 1999; Điểm g, Khoản 1, Điều 48 của Bộ luật Hình sự năm 1999; Nghị quyết số 41 của Quốc hội khóa XIV; Khoản 3, Điều 7 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017): xử phạt Nguyễn Văn Oai 2 năm tù;
Áp dụng Điều 257 của Bộ luật Hình sự năm 1999; Điểm g, Khoản 1, Điều 48 Bộ Luật Hình sự xử phạt Nguyễn Văn Oai 3 năm tù;
Áp dụng Điều 50 của Bộ luật Hình sự, buộc Nguyễn Văn Oai phải chấp hành án phạt của 2 tội là 5 năm tù, thời hạn tù tính từ ngày bị tạm giam (19/1/2017);
Áp dụng Điều 51 của Bộ luật Hình sự, buộc Nguyễn Văn Oai chấp hành án phạt quản chế, cấm đi khỏi nơi cư trú trong vòng 4 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù của bản án này.
Dẫn giải Nguyễn Văn Oai về Trại tạm giam
Điều 304, Tội không chấp hành án, Bộ luật Hình sự quy định: “Người nào cố ý không chấp hành bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.
Khoản 1 điều 257 Bộ luật Hình sự quy định: “Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”. |
Theo Báo Nghệ An