Tràn lan tin xuyên tạc về nhân sự Đại hội XIII: Âm mưu phá hoại niềm tin của nhân dân với Đảng

share on:

Thông tin xấu độc không chỉ phá hoại công tác nhân sự cho Đại hội XIII mà nguy hiểm hơn, đó còn phá hoại niềm tin của nhân dân với Đại hội và với Đảng.

HÀNG LOẠT THÔNG TIN XẤU ĐỘC TRÀN LAN TRÊN MẠNG XÃ HỘI

Chỉ còn vài tháng nữa, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ diễn ra. Đây là sự kiện chính trị trọng đại, có ý nghĩa lớn lao đối với con đường phát triển của đất nước trong thời gian tới.

Cán bộ, đảng viên và nhân dân Việt Nam rất kỳ vọng và đặt niềm tin vào Đại hội XIII. Mong rằng Đại hội sẽ sáng suốt lựa chọn những cán bộ vừa có đức vừa có tài để lãnh đạo đất nước, mang lại cuộc sống hạnh phúc và phát triển cho nhân dân, cho đất nước.

Tuy nhiên, càng đến gần Đại hội thì các hoạt động chống phá của các phần tử chống đối diễn ra càng rầm rộ hơn. Đặc biệt là vấn đề nhân sự luôn trở thành trọng tâm. Từ việc nói xấu, đặt điều vu khống về các đồng chí lãnh đạo cấp cao, đến việc xuyên tạc tình trạng mâu thuẫn trong nội bộ, đặc biệt là thủ đoạn dựng lên các câu chuyện về “phe cánh”…

Một số kẻ còn tung tin thất thiệt kiểu: nhân sự lãnh đạo chủ chốt Đại hội XIII của Đảng đã được sắp xếp xong, vấn đề bầu bán chỉ là hình thức! Và rằng, những người có tên trong bản danh sách này sẽ định hướng toàn bộ tương lai của thể chế chính trị Việt Nam. Thậm chí chúng còn khẳng định, người này triệt hạ người kia để giữ được vị trí này vị trí khác.

Để gây sự tò mò, hiếu kỳ, các thế lực thù địch, cũng dựng lên một loạt video clip, các tuyến bài “Hướng tới nhân sự Đại hội 13”.

Tràn lan thông tin xuyên tạc về nhân sự Đại hội XIII

Đầu tháng 10, Hội nghị Trung ương 13 vừa khai mạc với nhiều nội dung mà Trung ương thảo luận về kinh tế xã hội, về nội dung dự thảo văn kiện trình đại hội và công tác chuẩn bị nhân sự ban chấp hành khóa tới

Nhưng ngay lập tức kênh Việt Tân đã đăng tải ngay clip: “Tiết lộ danh sách ứng viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư sẽ đưa ra tại Hội nghị 13″ với nhiều tên tuổi cụ thể.

Nhưng tất cả, đều là những phỏng đoán vô căn cứ!

Vào giữa tháng 8, ngay sau khi ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội bị đình chỉ công tác để “điều tra trách nhiệm có liên quan trong một số vụ án theo quy định của pháp luật” thì trang VOA tiếng Việt đã xuyên tạc rằng, đây là chuyện đấu đá phe phái trong bối cảnh sắp diễn ra Đại hội Đảng. Thực ra, thủ đoạn này không còn mới, chỉ là bổn cũ soạn lại.

Nhật ký yêu nước – Một trong nhóm chống phá Đảng và Nhà nước cộm cán nhất trên mạng xã hội. Với các thế lực phản động đứng sau, cứ mỗi giờ đồng hồ, nhóm này lại đăng tải vài bài viết có nội dung thông tin xuyên tạc, xấu độc, mang tính kích động.

Không chỉ Nhật ký yêu nước, một loạt các tài khoản trên mạng xã hội trong thời gian qua thường xuyên đăng tải các thông tin xấu độc như: Việt Tân, Đài Châu Á tự do, Nhà xuất bản tự do, mua quan bán chức ở Việt Nam, thanh niên công giáo hay Hội anh em dân chủ.

Một loạt các tài khoản trên mạng xã hội thường xuyên đăng tải các thông tin xấu độc

Ngoài ra, cũng có nhiều tài khoản cá nhân với hàng trăm nghìn lượt theo dõi cũng liên tục đưa ra những thông tin không đúng, đi kèm những lời bình luận mang tính phá hoại.

Không phải chỉ trước kỳ Đại hội này mới xuất hiện các hoạt động xuyên tạc, vu cáo, chống phá của các phần tử xấu. Mà hành vi xấu độc này diễn ra cả ở những kỳ Đại hội trước, thậm chí còn rầm rộ hơn. Chúng là các phần tử cơ hội chính trị, phần tử thoái hóa biến chất trong nước và cả những mưu đồ đen tối của các thế lực phản động nước ngoài.

Không khó để nhận ra những chiêu trò kiểu như: các cơ quan chức năng nhận được những đơn thư nặc danh, mạo danh về một số cán bộ sẽ tái cử hoặc đang trong diện quy hoạch vào trung ương nhiệm kỳ tới. Rồi là tung lên các trang mạng xã hội, trang web tự lập đủ loại thông tin sai trái, bóp méo, bôi nhọ, đồn đoán vô căn cứ về công tác cán bộ, nhằm gây nhiễu loạn thông tin và kích động chia rẽ nội bộ. Mà điển hình là sự xuất hiện của hàng loạt blog phản động như danlambao, quanlambao, chandungquyenluc… trước thềm Đại hội 12.

Trang blog có tên gọi Chân dung quyền lực liên tiếp đăng tải hàng chục bài viết liên quan đến đời tư, gia đình của một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Với những cái tít rất giật gân, câu khách, thủ đoạn của những kẻ đứng sau là đưa thông tin xuyên tạc, bịa đặt theo kiểu: vị lãnh đạo A có khối tài sản khổng lồ, vị lãnh đạo B có sâu sau của doanh nghiệp này, doanh nghiệp kia. Thậm chí, bất chấp tất cả, những kẻ bất lương còn dùng cả người đang có bệnh để phục vụ mục đích xấu.

Trang blog Chân dung quyền lực đưa thông tin xuyên tạc, bịa đặt

Cuối năm 2014, một bài viết trên trang này giật tít: Thông tin từ Ban Bảo vệ Sức khỏe Trung ương: Ông Nguyễn Bá Thanh đã bị đầu độc! Trước thông tin gây hoang mang dư luận, Ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương đã lên tiếng bác bỏ và khẳng định: đó là thông tin xuyên tạc, hoàn toàn sai lệch.

Đọc bài viết trên những trang này không khó để nhận thấy các thông tin được bịa đặt một cách thô thiển. Và rồi, kết quả cũng như sự thành công của Đại hội càng giúp người đọc hiểu rõ hơn mưu đồ và bản chất xấu xa của những đối tượng đứng sau.

XUYÊN TẠC THÀNH TỰU ĐỂ GÂY NHIỄU THÔNG TIN VỀ NHÂN SỰ ĐẠI HỘI

Điều nguy hiểm là thông tin giả, tin đồn thất thiệt về nhân sự đưa ra với mục đích chống phá Đảng, Nhà nước, bôi nhọ cán bộ lãnh đạo lại được một số người nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác, hoặc vì những động cơ xấu đã phát tán, chia sẻ, lan truyền.

Không ít người cho rằng, mạng xã hội là môi trường “ảo” nên cứ thoải mái phát ngôn, tự do thông tin. Trong khi những hành động, lời lẽ thiếu suy nghĩ của họ đã vô tình tiếp tay để các thế lực thù địch, chống đối suy diễn, lợi dụng gây ảnh hưởng xấu trong dư luận nhân dân.

Một thủ đoạn chống phá đại hội Đảng nữa mà các đối tượng thù địch, phần tử cơ hội chính trị thường dùng, đó là xuyên tạc, hạ thấp uy tín của Đảng, qua việc xử lý những vụ việc phức tạp. Thời gian qua, với quyết tâm cao, không có vùng cấm, Đảng và Nhà nước ta đã hành động quyết liệt để xử lý những vụ án tham nhũng lớn. Nhiều cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, khởi tố, thậm chí có cả cán bộ cấp cao đương chức.

Thế nhưng, một số phần tử phản động và các trang mạng xã hội lại cho rằng: tệ nạn tham nhũng do chế độ, cơ chế mà ra. Rồi thì cuộc chiến chống tham nhũng thực chất là “cuộc đấu đá nội bộ”…, cố tình tạo ra cái nhìn sai lệch của nhân dân và cộng đồng quốc tế về tình hình trong nước.

Gần 100 cán bộ thuộc diện Trung ương, Ban Bí thư quản lý bị xử lý, kỷ luật, trong đó có cả những cán bộ cấp cao, đương chức. Hơn 5.600 vụ với gần 11.000 bị cáo đã được đưa ra xét xử sơ thẩm về các tội tham nhũng, quản lý kinh tế.

Kết quả này có được là nhờ sự quyết tâm hành động của toàn Đảng, mà đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng – người đã tuyên chiến với tham nhũng và khởi xướng công cuộc làm trong sạch bộ máy. Đây cũng là kết quả được nhân dân, toàn xã hội và cả cộng đồng quốc tế đánh giá cao và ghi nhận.

Thế nhưng, trên mạng xã hội vẫn xuất hiện không ít giọng điệu lạc lõng phủ nhận những cố gắng này, thậm chí cho rằng tham nhũng, tiêu cực là bản chất của chế độ do một đảng lãnh đạo.

Những luận điệu này khơi dậy những nghi ngờ năng lực của các lãnh đạo Đảng và vai trò của những cán bộ cốt cán trên mặt trận đấu tranh với tham nhũng tiêu cực.

Trong khi đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành, Việt Nam là 1 trong 2 nền kinh tế châu Á được dự báo tăng trưởng dương nhờ nỗ lực của Chính phủ và của cả hệ thống chính trị trong thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Thế nhưng, các thế lực thù địch, và không ít đối tượng thiếu thiện cảm với đất nước lại triệt để sử dụng những hình ảnh lượm lặt đâu đó, để thể hiện sự khốn cùng của người dân, sự đổ vỡ trong phát triển kinh tế, hay những phân tích vô căn cứ, phiến diện để vẽ nên một bức tranh tối tăm, quy kết về một tình cảnh “lâm nguy”, “hiểm nghèo” của đất nước mà nguyên nhân là từ trách nhiệm và sự yếu kém của đội ngũ cán bộ được giao trọng trách phòng chống đại dịch.

Mới đây, trước những thiệt hại nặng nề do mưa lũ tại các tỉnh miền Trung, bên cạnh việc chỉ đạo chính quyền địa phương nhanh chóng vào cuộc, Chính phủ cũng đã chỉ đạo hỗ trợ khẩn cấp 500 tỷ đồng và 5000 tấn gạo cho 5 tỉnh bị ảnh hưởng.

Thế nhưng, những thế lực chống phá tiếp tục phủ nhận mọi nỗ lực đó, chê trách Chính phủ và các cá nhân lãnh đạo Chính phủ, địa phương và lực lượng vũ trang tham gia ứng cứu đồng thời vu cáo rằng, Đảng, Nhà nước chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế, ứng cứu chậm trễ, thậm chí còn bỏ mặc người dân trong lũ lụt.

Thế lực chống phá phủ nhận mọi nỗ lực Chính phủ, địa phương khi cứu trợ người dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ miền Trung

Xuyên tạc thành tựu đạt được chưa đủ, các thế lực thù địch và các phần tử cực đoan còn khoét sâu thổi phồng khuyết điểm nhằm hạ uy tín các cán bộ dự kiến được lựa chọn, giới thiệu để đại hội bầu vào cấp ủy khóa mới.

Âm mưu này không chỉ làm nhiễu thông tin về cán bộ, phá hoại công tác nhân sự cho đại hội mà nguy hiểm hơn, đó còn phá hoại niềm tin của nhân dân với Đại hội và với Đảng.

Các đối tượng xấu sẽ tiến hành phá hoại công tác nhân sự, tuyên truyền, xuyên tạc về công tác chuẩn bị, nội dung, tính chất hoạt động bầu cử trước thềm Đại hội Đảng. Chúng đưa ra những bài viết, bình luận kiểu như “Việt Nam đã chọn xong người làm Tổng Bí thư”, “Cuộc bỏ phiếu là sự đấu tranh giữa các phe phái trong Đảng”…

Gắn liền với đó, chúng chống phá công tác cán bộ, cho rằng công tác cán bộ của Đảng ta là không dân chủ, thiếu minh bạch, làm theo kiểu “áo gấm đi đêm”; việc quy hoạch, sắp xếp cán bộ “không có dân chủ”… nhằm phá hoại an ninh chính trị nội bộ, phá hoại sự kiện chính trị – xã hội quan trọng nhất của đất nước.

Từ đó hòng làm giảm sút uy tín của Đảng, lung lạc niềm tin của nhân dân đối với chế độ và hệ thống chính trị. Nhưng mục đích sâu xa hơn của chúng là đòi “đa nguyên, đa đảng”, tìm cách xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

1.600 ĐỐI TƯỢNG CHỐNG PHÁ, HÀNG NGHÌN BÀI VIẾT, VIDEO XẤU ĐỘC ĐÃ BỊ XỬ LÝ

Xét về góc độ pháp lý, rõ ràng việc sử dụng các phương tiện truyền thông để đăng phát những thông tin xuyên tạc, bịa đặt, bôi nhọ nhằm xâm hại lợi ích của tổ chức, cá nhân là hành vi vi phạm pháp luật.

Nhìn từ góc độ đạo đức, những biểu hiện xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu, hạ thấp uy tín cán bộ thông qua MXH, thông qua đơn thư nặc danh, mạo danh là việc làm mờ ám, vụng trộm, lén lút, không trong sáng, không nhân văn giữa con người với con người. Nếu động cơ trong sáng, thực sự vì sự tiến bộ của người khác, với tinh thần xây dựng vì sự vững mạnh của tập thể, vì sự ổn định, phát triển của đất nước thì không thiếu hình thức, biện pháp phê bình, góp ý dân chủ, công khai, minh bạch.

Pháp luật Việt Nam bảo đảm quyền tự do ngôn luận của công dân, nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật và đạo đức xã hội. Việc lợi dụng tự do ngôn luận, tự do trên mạng để xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, bịa đặt, vu khống uy tín tổ chức và cá nhân, cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Tại Phòng nghiệp vụ của Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an, bằng hệ thống rà quét tự động hiện đại này, các chiến sĩ an ninh luôn nắm bắt được mọi hoạt động của các tổ chức, các cá nhân chống phá … trên không gian mạng. Những nội dung xuyên tạc về Đại hội Đảng, chống phá Đảng nhà nước… từ nguồn gốc đến đường phát tán đều được phát hiện

Những hoạt động vi phạm pháp luật Việt Nam đều bị xử lý, ngăn chặn.

Tính riêng từ đầu năm đến nay, lực lượng công an đã cùng phối hợp xử lý trên 2.500trường hợp với nhiều mức độ khác nhau, trong đó có xử lý hình sự trên 100, xử lý hành chính trên 780 đối tượng. Qua các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng an ninh cũng đã vô hiệu hóa trên 1.600 đối tượng chống phá cùng hàng nghìn bài viết, video clip có nội dung xấu độc.

Tại Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Quốc gia, Bộ thông tin và Truyền thông, những “điểm nóng” như các tài khoản mạng xã hội của đối tượng thù địch, chống phá đều được giám sát chặt chẽ.

Trước sự gia tăng các hoạt động chống phá của các thế thù địch trên không gian mạng, trong thời gian qua Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và truyền thông đã chủ động sử dụng công nghệ, trong đó có phân tích dữ liệu lớn để nhận diện xu hướng thông tin, phát hiện những thông tin tiêu cực, xấu độc nhằm xử lý kịp thời.

Đặc biệt, Cục thường xuyên yêu cầu, đề nghị các nền tảng xuyên biên giới như Google, Facebook… phải chủ động rà soát, phát hiện các kênh, video có nội dung xấu độc, xuyên tạc… để ngăn chặn, gỡ bỏ.

Trong 9 tháng đầu năm nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã rà quét, yêu cầu xử lý hơn 2000 bài viết, 5300 video, đặc biệt từ quý II, khi công tác chuẩn bị Đại hội các cấp diễn ra, các thế lực phản động đã gia tăng phát tán tin bài xấu độc nhiều hơn so với trước, số lượng rà quét và xử lý từ tháng 6 đến hết tháng 9 tăng 4 lần so với thời điểm 3 tháng đầu năm.

Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng đánh giá, so với kỳ Đại hội trước, 80% thông tin xấu độc đã bị dẹp bỏ sau khi triển khai nhiều giải pháp quyết liệt. Một số trường hợp thậm chí đã bị xử lý hình sự vì tung tin xuyên tạc, vu khống trong thời gian qua.

Nhiều trường hợp đã bị xử lý hình sự vì tung tin xuyên tạc, vu khống

Càng gần đến thời điểm diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cơ quan chức năng dự báo, việc tuyên truyền, phát tán thông tin xấu độc về nhân sự sẽ diễn ra với mức độ gay gắt, thủ đoạn tinh vi và nguy hiểm hơn.

Cuộc đấu tranh với tin giả, tin sai sự thật còn nhiều gian nan, nhất là khi công nghệ ngày càng phát triển. Nhưng đáng mừng là đa số người dân vẫn tự bảo vệ được mình vẫn luôn cảnh giác với những thông tin xấu độc.

Nhiều người trang bị cho mình những màng lọc, những kiến thức cần thiết và cả sự cẩn trọng để có thể phân biệt đúng – sai, thật – giả, xấu – tốt, hay – dở, để không bị lây nhiễm, dẫn dắt bởi cái xấu. Và quan trọng hơn, họ luôn có niềm tin vào Đảng và sự lãnh đạo của Đảng.

Sự quan tâm theo dõi của người dân đến công tác cán bộ của Đảng, những thông tin về công tác chuẩn bị, nhất là công tác chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng các cấp, đặc biệt là Đại hội XIII của Đảng là điều dễ hiểu và đáng mừng. Bởi lẽ có lo lắng, quan tâm đến tương lai, vận mệnh của dân tộc, đường hướng phát triển của đất nước thì nhân dân mới có nhu cầu thông tin về công tác chuẩn bị đại hội đảng.

Vì vậy, cùng với sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm hơn nữa, xử lý nghiêm minh hơn nữa những hành vi chống phá, xuyên tạc Đại hội Đảng thì vấn đề rất quan trọng cần thực hiện tốt là công khai, minh bạch thông tin, không nên để những thông tin giả, tin đồn thất thiệt lan truyền và hoành hành trong cộng đồng rồi mới tìm cách khắc phục theo kiểu “chạy theo” tình hình.

Mỗi người dân chúng ta, cũng cần tỉnh táo, trách nhiệm với bản thân và cộng đồng mỗi khi định chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng liên quan đến Đại hội Đảng. Đừng để mình trở thành “con rối”, tiếp tay cho kẻ xấu và các thế lực thù địch.

Theo VTV

Facebook Comments