Vợ chồng Özlem Türeci và Ugur Sahin, giám đốc công ty BioNTech phối hợp với hơn 500 nhà khoa học, cho ra đời loại vaccine hiệu quả ngừa Covid-19 đến 90%.
Khi lựa chọn An der Goldgrube (Mỏ vàng), một con phố nằm phía tây thành phố Mainz (Đức) để xây dựng trụ sở, hai vợ chồng quản lý Công ty Công nghệ Sinh học BioNTech không ngờ tên con đường lại trở thành lời tiên tri cho số phận của họ. Thành lập năm 2008, mục tiêu của BioNTech là phát triển liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư mới, dựa trên việc biến đổi tế bào T của người bệnh để tấn công vào các kháng nguyên ung thư đặc hiệu.
Hôm 9/11, đại diện BioNTech cùng đối tác dược phẩm Mỹ Pfizer công bố vaccine BNT162b2 đạt hiệu quả 90% ở giai đoạn 3. Dấu mốc này cho thấy thành công của hướng đi khoa học mà Pfizer và BioNTech theo đuổi. BNT162b2 là sản phẩm tiên phong cho công nghệ hoàn toàn mới. Vaccine được điều chế dựa trên phân tử di truyền RNA, có khả năng kích thích tế bào người tạo ra protein virus. Sau đó, hệ miễn dịch tiếp xúc với protein và sinh ra kháng thể, các tế bào miễn dịch nhận biết và tiêu diệt mầm bệnh.
Đứng đằng sau thành công của vaccine là công sức và tầm nhìn của hai nhà khoa học Özlem Türeci và Ugur Sahin. Họ là hậu duệ của những người nhập cư Thổ Nhĩ Kỳ tới Đức vào những năm 1960. Sahin sinh ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, chuyển đến sống tại Cologne khi ông 4 tuổi, còn Türeci, giám đốc y khoa, sinh ra ở Saxony.
Hai người gặp nhau tại đại học Saarland ở Homburg và đã kết hôn năm 2002. Hiện cả hai mang quốc tịch Đức và có một cô con gái. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Süddeutsche Zeitungà, Türeci cho hay vào ngày cưới, hai vợ chồng vẫn mặc áo choàng phòng thí nghiệm và quay trở lại nghiên cứu ngay sau khi đăng ký kết hôn.
Khi Covid-19 xuất hiện hồi đầu năm, BioNTech, với 1.300 nhân viên, đã lập tức tái phân bổ nguồn lực để ứng phó tình hình. Khi đọc được thông tin về dịch Covid-19 tại Vũ Hán, Ugur Sahin nhận định: “Đến tháng 4, các trường học tại đây sẽ phải đóng cửa”.
Sự thật là Đức đã thực hiện phong tỏa toàn quốc từ tháng 3, sớm hơn so với dự đoán của ông. Đến tháng 5, khi dịch đạt đỉnh, hai vợ chồng cảm thấy cần “cung cấp một thứ gì đó cho xã hội”, bằng những hiểu biết mà họ tích lũy trong hai thập kỷ qua. Họ và cả công ty đã nghiên cứu song song hơn 20 loại vaccine Covid-19. Năm trong số đó tiếp tục được thử nghiệm về phản ứng miễn dịch trong một chương trình hợp tác với 500 nhà khoa học có tên Lightspeed.
Sahin được các đồng nghiệp mô tả là một người “khiêm tốn và nhẹ nhàng”. Matthias Kromayer, thành viên hội đồng quản trị của Công ty đầu tư MIG AG, nhà tài trợ chính cho BioNTech, nhận xét: “Dù đạt được nhiều thành tựu, anh ấy không bao giờ thay đổi, là một người khiêm nhường và dễ mến”.
Tính cách đó thể hiện rõ ràng khi Sahin nói về cuộc chạy đua toàn cầu ngăn ngừa Covid-19. Hôm 10/11, ông khẳng định sản phẩm của BioNTech/Pfizer sẽ “không phải vaccine duy nhất chống lại dịch bệnh”, nhấn mạnh rằng rất nhiều “ứng viên” tiềm năng đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng.
Trước đó, các thông tin về vaccine BioNTech/Pfizer không được công bố rầm rộ như các hãng dược đối thủ. Đến cuối tháng 10, công ty tiết lộ các nhà khoa học vẫn chưa phân tích hiệu quả của sản phẩm. Hãng cũng bày tỏ lập trường thẳng thắn, rằng sẽ tuyệt đối tuân thủ các quy chuẩn an toàn và khoa học, thay vì chính trị hóa vaccine.
Theo Ugur Sahin, BioNTech có thể tự phát triển vaccine nhưng sẽ gặp khó khăn với khâu phân phối. Công ty quyết định hợp tác với ông lớn dược phẩm Pfizer từ Mỹ. Pfizer chi 185 triệu USD cho dự án phát triển vaccine Covid-19. Sau khi BioNTech hoàn thành nghiên cứu, Pfizer sẽ cấp thêm 563 triệu USD nữa.
Hiện công ty BioNTech được định giá 21,9 tỷ USD, gấp 4 lần so với trị giá hãng hàng không Lufthansa. Đây là một tin tích cực đối với công ty mới chỉ lên sàn chứng khoán Mỹ một năm trước.
Nhật báo quốc gia Đức Tagesspiegel ca ngợi thành công của vợ chồng Özlem Türeci và Ugur Sahin là “sự xoa dịu tinh thần” cho những người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ sau hàng thế kỷ sống với định kiến là những người buôn bán rau củ thu nhập thấp. Câu chuyện của nhà sáng lập BioNTech cũng là điểm sáng, đánh dấu sự tham gia vào đời sống xã hội Đức của những người gốc Thổ Nhĩ Kỳ, vốn là đề tài được quan tâm trong suốt gần một thập kỷ qua. Truyền thông Đức gọi họ là “người làm nên phép màu vaccine”.
Linh Phan (Theo Guardian)