Vào những ngày giữa tháng 3-1975, quân giải phóng đã giải phóng một số tỉnh miền Trung và miền Đông Nam Bộ. Nhưng mấy tỉnh Nam Cao nguyên Trung Bộ mới thực sự quan trọng, vì từ xưa Plâyku, Buôn Ma Thuột… là những vùng chiến lược, nếu giải phóng xong mấy tỉnh này việc giải phóng hoàn toàn miền Nam chỉ còn tính từng giờ, từng ngày…
Ngày 13-3-1975, khi Hãng Thông tấn Pháp AFP đánh đi bản tin loan báo cho quốc tế biết thành phố Buôn Ma Thuột đã bị thất thủ, quân giải phóng miền Nam đã làm chủ tình hình. Bản tin có nội dung như sau: “Lúc cuộc tấn công vào Buôn Ma Thuột mới bắt đầu, một số quan sát viên cho biết, có sự hiện diện và gia tăng hoạt động của nhóm vũ trang người Thượng. Dù muốn, dù không, trong khi chờ đợi các nhân chứng khác, chắc chắn là toán vũ trang đầu tiên vào thành phố Buôn Ma Thuột là người Thượng. Đó là những toán vũ trang mở đường cho cộng sản địa phương. Còn bộ đội Bắc Việt thì, theo nhân chứng này, thật sự không thấy có mặt”.
Đây là bản tin của ký giả Paul Leandri, khi đó đang là Phó văn phòng đại diện của Hãng Thông tấn Pháp tại Sài Gòn. AFP là trung tâm tiếng Pháp lớn nhất, là hãng thông tấn xã lớn thứ ba trên thế giới, chỉ đứng sau AP và Reuters. Trụ sở chính của AFP đặt tại Paris (Pháp), và có văn phòng tại 100 nước trên thế giới.
Bản tin báo tử!
Đêm ngày 12-3-1975, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu được báo tin Buôn Ma Thuột đã bị thất thủ! Khi dân chúng chưa ai biết thì ngày 13-3, Hãng Thông tấn AFP đã loan tin Buôn Ma Thuột thất thủ.
Bản tin chết người trên đã làm chính quyền Sài Gòn bối rối và tức giận vì bản tin đã nói lực lượng tấn công Buôn Ma Thuột là dân quân địa phương chứ không phải quân đội chính quyền Bắc Việt. Nếu là quân dân địa phương tấn công thì về mặt chính trị, Sài Gòn có gì để mặc cả? Thứ nữa, là quân đội Việt Nam Cộng hòa (VNCH) được Mỹ hậu thuẫn và trang bị vũ khí hiện đại đến tận răng lại dễ dàng bị dân quân đánh bại thì thực nhục nhã. Vì vậy, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã lên tiếng phủ nhận bản tin trên, và cũng buộc AFP phải nói ra xuất xứ nguồn tin. Như vậy, trong mắt chính quyền Sài Gòn đang hấp hối.
Trưa ngày 14-3-1975, khi tàn quân của các đơn vị VNCH tháo chạy khỏi Buôn Ma Thuột, thì Tổng thống Thiệu vội vã bay ra Cam Ranh để mật đàm với các tướng lĩnh quân đội về nguy cơ của vùng 2 Chiến thuật (Cao nguyên). Trong khi đó thì Tổng nha cảnh sát cử một sĩ quan đến văn phòng AFP tại Sài Gòn gặp P.Leandri. Cuộc gặp đã không có kết quả, ngay chiều hôm đó Tổng nha cảnh sát đã tống đạt giấy mời P.Leandri. đến để thẩm vấn. Vì linh cảm thấy có sự nguy hiểm đến tính mạng nên đến gần tối P.Leandri mới đến Tổng nha Cảnh sát bằng xe hơi của văn phòng AFP.
Vì P.Leandri đề phòng, nên trước khi đi đã báo cho Sứ quán Pháp tại Sài Gòn về cuộc thẩm vấn. Kết cục, Paul Leandri đã bị hạ sát bằng mấy phát đạn của súng ngắn ngay trong trụ sở Tổng nha cảnh sát tối hôm đó. Người bắn chết P.Leandri là Đại tá cảnh sát VNCH Phạm Kim Quy.
Liền sau đó, Tổng nha cảnh sát đã dựng ngay hiện trường giả: đặt P.Leandri vào xe hơi của Leandri rồi cho xe đụng cổng ra vào của Tổng nha, cuối cùng dùng súng bắn vào xe của Leandri từ phía sau như thể do xe hơi của Leandri vượt cổng nên lính gác phải nổ súng. Rồi sau đó, Tổng nha cảnh sát đã ép ông Nguyễn Ngọc Bích đang là Tổng giám đốc Việt Tấn xã (Hãng thông tấn của chính quyền Sài Gòn) phải đăng tải bản tường trình và mô tả lại cái chết của nhà báo Pháp Paul Leandri theo cách giải thích mà Tổng nha cảnh sát soạn sẵn.
Bản tin như sau: “Tại sở Ngoại kiều (thuộc Tổng nha cảnh sát Quốc gia), nhà báo Paul Leandri không trả lời chi tiết bản tin trên mà chỉ la lối, đập phá đồ trong văn phòng chánh sở. Viên cảnh sát sở mời Paul Leandri sang Sở Tư pháp nằm ngay trong khuôn viên Tổng nha, Paul Leandri lên xe hơi di chuyển, nhưng khi xuống xe, ông không chịu vào văn phòng khối tư pháp mà chỉ đứng ngoài sân và tiếp tục lớn tiếng la lối. Bất thần, Paul Leandri nhảy lên xe hơi, dùng chìa khóa riêng nổ máy, đạp hết ga phóng ra cổng. Nhân viên công vụ ngăn xe lại, nhưng không được. Buộc họ phải nổ súng cảnh cáo nhưng xe vẫn lao đi. Tới cổng gác thứ ba, dù bị hô dừng lại, Paul Leandri vẫn phóng xe ra khỏi cổng. Lính gác buộc phải nổ súng bắn ba phát vào bánh xe và một viên đạn gây tử vong cho Paul Leandri…”.
Theo tường trình của Tổng nha cảnh sát, Paul Leandri lẽ ra phải bị trúng đạn từ phía sau. Nhưng Hãng tin Mỹ UPI sau đó dẫn nguồn tin ngoại giao lại loan tải rằng Paul Leandri bị bắn từ nhiều phía. Đặc biệt, AFP sau đó đưa tin rằng, theo yêu cầu của vợ nhà báo Paul Leandri – bà Hansi – và Đại sứ Pháp tại Sài Gòn – ông Jean Marie Meriillon, bác sĩ Rouffi tiến hành giám định pháp y xác Paul Leandri vào ngày 16-3-1975, tại Bệnh viện Grall.
Kết luận giám định cho thấy, Paul Leandri bị một viên đạn vào dưới tai trái, xuyên qua đầu từ trái sang phải khiến nạn nhân tử vong ngay, đồng thời miệng vết thương có nhiều vệt khói thuốc súng chứng tỏ nạn nhân bị bắn ở cự ly gần, không loại trừ khả năng bị kê súng vào đầu…
Cái chết của nhà báo Pháp Paul Leandri đã gây nên làn sóng phẫn nộ của báo giới quốc tế trong những ngày trên, và tạo ra sự bất mãn dữ dội đối với chế độ đang suy sụp.
Ngay chiều ngày 18-3-1975, nghiệp đoàn ký giả toàn quốc Pháp đã tập hợp trước trụ sở của AFP rồi diễu hành yên lặng đến Tòa đại sứ VNCH. Nghiệp đoàn cũng kêu gọi các phân bộ địa phương tổ chức các cuộc biểu tình tương tự đến các tòa tổng lãnh sự VNCH ở Pháp. Nhiều hãng thông tấn tên tuổi trên thế giới chính thức đòi chính quyền Sài Gòn giải thích về cái chết của Paul Leandri. Thậm chí Viện Báo chí Quốc tế (IPI) có công văn gửi thẳng cho Tổng thống Thiệu phản kháng hành động sát hại nhà báo của Tổng nha cảnh sát Sài Gòn.
Nhưng mọi chuyện liên quan đến nhà báo Paul Leandri chưa ngã ngũ thì Plâyku, Kon Tum rồi Huế, Đà Nẵng, Nha Trang… dồn dập thất thủ, và ngày cáo chung của chính quyền Sài Gòn 30-4-1975 ập đến, khiến cho cái chết của Paul Leandri rơi vào quên lãng.
Mỗi người nói một khác, tin ai?
Trước khi Sài Gòn thất thủ, tình hình chính trị và quân sự của chính quyền Sài Gòn rối mù. Vì vậy việc một số ký giả bị Tổng Nha cảnh sát Sài Gòn bắt giam như nhà báo Chu Tử, Mặc Thu, Vũ Bằng, Phan Nghị… rồi đến vụ nhà báo Pháp Paul Leandri bị hạ sát thì không một tờ báo nào xuất bản tại Sài Gòn dám đăng sự thật. Sau này, ông Nguyễn Ngọc Bích ra nước ngoài định cư, đến năm 2005, nghĩa là 30 năm sau, ông Bích mới dám nói lên sự thật vụ hạ sát nhà báo AFP tháng 3-1975 tại Sài Gòn.
Ngày 11-9-2005, trên trang báo Người Việt Online đã đăng bài viết của ông Nguyễn Ngọc Bích như sau: “Tôi cũng sống những giờ phút thật căng khi ông Phạm Kim Quy, Đại tá cảnh sát bắn chết ký giả Paul Leandri rồi nhất quyết đòi VTX (Việt Tấn xã) phải đưa ra cách giải thích của bên cảnh sát Quốc gia. Đúng là vào những giờ phút như thế, đến như quốc gia còn không giữ được thì “họa vô đơn chí” thiết tưởng cũng không lạ”.
Còn trong cuốn “Sài Gòn sụp đổ” (Et Saigon tomba) của tác giả Pauk Dreyfrus, một nhà báo Pháp, và cũng là bạn của P.Leandri, đã viết: “Bạn đồng nghiệp của tôi là Paul Leandri, chỉ vì bị coi là phóng viên đầu tiên đã gửi điện báo tin Buôn Ma Thuột thất thủ về Hãng tin AFP của Pháp, đã bị gọi đến Tổng nha cảnh sát Sài Gòn. Những nhà chức trách nói với Leandri, họ muốn biết anh có được nguồn tin này từ đâu.
Leandri ngồi đợi nhiều giờ trước khi bị chất vấn chính thức. Anh nóng ruột. Thấy trời đã tối mịt, anh tự động bỏ về. Vừa ngồi lên xe và bắt đầu nổ máy Leandri đã bị một nhân viên cảnh sát nổ súng bắn. Anh chết ngay tại chỗ. Đó là dựa theo thông báo chính thức. Còn nhiều nhân chứng lại nói khác:
– Chúng tôi có những lý do để nghĩ rằng Paul Leandri đã bị đánh chết ngay tại phòng hỏi cung rồi sau đó người ta bày ra chuyện anh chạy trốn nên bị bắn.
Để rõ sự thật, cần phải hỏi những nhân vật đứng đầu ngành cảnh sát của Thiệu. Tôi quen một người, ông ta khẳng định có biết một quan chức cảnh sát có dính líu vào vụ giết hại Leandri và người này đã “thú tội”. Sau khi Sài Gòn thất thủ, viên chức cảnh sát này rao bán câu chuyện rùm beng và có giá trị tiền nong này với một trong số các bạn đồng nghiệp của tôi. Nhưng anh ta đã bị tống ra khỏi cửa, không kịp có thời gian thương lượng ngả giá món hàng”.
Tuần báo Time số đề ngày 24-3-1975, thì đã viết trong bài “South Viet Nam: Holding on” (Nam Vietnam: Ráng cầm cự): “Tháng rồi Thiệu bỏ tù 19 nhà báo và đóng cửa năm báo đối lập, hiện nay, sự đàn áp của ông ta có vẻ đã khiến cho phong trào đối lập phải im tiếng. Gia tăng xử trí thiếu thiện cảm của chính quyền ông ta đối với báo chí nước ngoài đã đem lại thảm cảnh hồi tuần rồi khi Cảnh sát Sài Gòn ra lệnh cho ký giả Paul Leandri của Agence France Presse tới trụ sở trung ương của Cảnh sát để thảo luận về một bản tin. Leandri phản đối cuộc thẩm vấn, toan lái xe bỏ đi, và đã bị bắn chết”.
Theo cuốn hồi ký “Một khoảnh Việt Nam Cộng hòa nối dài” của ông Tạ Chí Đại Trường, một sử gia tên tuổi đã viết và xuất bản tại ngoại quốc năm 1993. Trong tác phẩm trên có một đoạn tác giả kể lại hiện trường tại Tổng nha cảnh sát diễn ra khi hạ sát nhà báo P.Léandri: “Ngay trước cửa nhà là cổng chính Bộ Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia. Lúc đó vào khoảng 7giờ tối(?). Cả nhà ăn cơm tối vừa xong, kẻ đứng người ngồi. Khoảng đường thường bị chặn cả ba đầu (phía đường Cộng hòa, phía rạp Quốc Thanh trên đường Võ Tánh, ngã tư Nguyễn Cư Trinh – Phát Diệm) nên ít xe qua lại tuy mấy hôm nay cổng Bộ Tư lệnh rộn rịp hơn với tầng lính gác dầy hơn. Nhưng, có tiếng xe hơi xả máy mạnh. Ồ lên. Tiếng người hỗn độn. Một loạt súng nhỏ, tiếp theo, vài tiếng rời rạc. Viên đạn xuyên qua mái tôn. Tiếng bánh xe rít lảo đảo. Người cháu rể lăn vào góc tường. Lặng đi một lúc rồi thấy có người lấp ló nấp từ vách tường nhà nhìn ra, Một chiêc xe màu xẫm hướng từ cổng chạy ra quẹo trái, đâm vào vách nhà bên cạnh, cách mấy căn, làm trụ cổng đổ sang bên. Một hai chiếc honda hai bánh dừng phía sau. Đám cảnh sát ùa vây quanh. Có người đàn bà nào rì rầm – mà tiếng rống lên dễ sợ: “Người chết trong xe…”. Căn nhà lầu bên phía xa đâm bóng đè xuống cho thấy mập mờ bên trong một dáng người gục đầu trên vô lăng.
Chuyện sau đó là những thủ tục thường lệ của việc lập biên bản. Nhưng có điều lạ là có một hai xe có vẻ của quan chức lớn đến quan sát rồi đi, từ trong cổng có người ra tước súng đám cảnh sát gác. Được biết nạn nhân là một phóng viên người Pháp trốn chạy, bên trong la ó đuổi bắt, bên ngoài tưởng là biệt kích phá hoại liền thẳng tay nổ súng. Một chức quyền lầm bầm với đám đông quen biết: “Vừa mới lạy sói trán để Pháp nó nối lại bang giao, bây giờ lại có vụ này!”.
Chính danh thủ phạm là ai?
Cho đến nay, đã 36 năm kể từ ngày nhà báo Paul Leandri bị hạ sát vào tháng 3-1975, tất cả những báo chí trong và ngoài nước thời đó không ai viết rõ thủ phạm (người bắn) là ai, và nếu có ai nhận là thủ phạm, hay biết rõ thủ phạm cũng không dám nhận vì sợ bị lôi thôi và bị bắt hoặc bị thủ tiêu.
Năm 2006, nhân dịp tôi đi du lịch sang Hoa Kỳ thăm bà con và bạn bè nên tôi đã gặp được một người bạn cũ và họ cho biết thân phụ của họ là bạn thân với ông Đại tá Phạm Kim Quy là Trưởng khối Tư pháp của Tổng Nha cảnh sát chính quyền Sài Gòn. Theo thân phụ của bạn tôi kể lại thì ông Phạm Kim Quy vốn người nóng tính, nên chiều ngày 14-3-1975, khi ông Quy vừa đi chơi quần vợt về, lúc này trời đã nhá nhem tối, nhà báo Paul Leandri của Hãng AFP Pháp mới tới trình diện Khối Tư pháp Tổng nha cảnh sát. Hai bên gặp nhau và đã xảy ra tranh cãi rồi nhà báo Paul Leandri đứng lên không thèm trả lời ông Phạm Kim Quy nên ông Quy nổi giận đã ra lệnh cho viên sĩ quan cảnh sát cận vệ: “Bắn chết thằng này cho tao”. Viên sĩ quan cận vệ phải tuân lệnh cấp trên nên đã rút súng ra bắn chết Paul Leandri ngay trong văn phòng Khối Tư pháp.
Người bạn tôi xin giấu tên nên tôi tôn trọng không nêu tên ở đây.
Và người thứ hai tôi gặp ở California, cũng là sĩ quan cấp tá thuộc Khối Tư pháp. Người bạn này có tên là S cho tôi biết thủ phạm bắn nhà báo Paul Leandri ngày 14-3 là Đại úy Sắt (hay Sắc – Tôi không nhớ rõ) làm theo lệnh của cấp chỉ huy là Đại tá Phạm Kim Quy.
Như vậy, bây giờ đã rõ thủ phạm chính danh là ai rồi, cả người ra lệnh và người nhận lệnh thi hành.
Lý Nhân/petrotimes.vn