“Thanh Hải Vô Thượng sư” còn có tên gọi là Quán Âm Pháp môn hay còn gọi là Pháp thiền Quán Âm – một đạo giáo chuyên về thiền. Đây là tổ chức có yếu tố cực đoan, phản động mang màu sắc chính trị.
Thanh Hải còn có tên Trịnh Đặng Huệ, Đặng Thị Trinh (SN 1948 tại huyện Phổ Đức, tỉnh Quảng Ngãi). Thanh Hải có cha là người Trung Quốc, có mẹ là người Việt Nam. Sau khi học hết lớp 11, Thanh Hải từng qua Pháp và Đức. Trong thời gian ở Tây Đức, Thanh Hải làm nghề thông dịch viên cho Hội thập tự và lập gia đình với một bác sỹ y khoa người Đức. Sau hai năm, hai người ly hôn thì Thanh Hải tập trung vào các hoạt động tâm linh.
Năm 1979, Thanh Hải thọ Tam quy ngũ giới với tu sĩ Thích Như Điển, lấy pháp danh Thị Nguyện nhưng chùa của tu sĩ Thích Như Điển không nhận nữ giới. Sau đó, Thanh Hải qua Ấn Độ xuất gia, trước tiên với cái Lạt Ma Tây Tạng. Sau đó, theo học với người Ấn Độ đạo Sikh tên là Jampa Ngâng Dargrey và người kế tiếp là Thakar Singh, một giáo sĩ thuộc dòng Surat Shabd Yoga (Sant Mat) và chính vị này đã truyền pháp “Thanh Sắc Quang Ảnh” cho bà.
Đặng Thị Trịnh – Thanh Hải vô thượng sư.
Năm 1983, Thanh Hải đến Đài Loan thọ giới Tỳ Kheo Ni tại một giới đàn ở Đài Bắc thuộc Giáo hội Phật giáo Đài Loan. Trong thời gian trước khi thọ giới, Thị Nguyện được gửi đến Linh Sơn Phật học viện tại Đài Bắc của Thích Tịnh Hạnh để tá túc học tập và được ban cho pháp hiệu Thanh Hải. Năm 1989, Thanh Hải sang Đài Loan lập Pháp môn lấy tên là “Thanh Hải Vô Thượng Sư”.
Hiện tượng “Thanh Hải Vô Thượng Sư” có nguồn gốc nước ngoài, có trụ sở chính tại Đài Loan. Theo các nhà nghiên cứu tôn giáo Phương Đông, lối tu Quán Âm Thanh Hải không phải xuất phát từ đạo Phật, càng không phải là Pháp Môn Nhĩ căn Viên của Đức Bồ Tát mà chính là pháp thiền Yoga của Phái Sant Thanh Hải là SantThakar Singh (1929 – 2005), được biết đến với cái tên Sant Mat Master.
“Thanh Hải Vô Thượng Sư” không có giáo lý chính thống. “Thanh Hải Vô Thượng sư” góp nhặt những điểm chính trong kinh thánh Thiên Chúa giáo, kinh Tăng Nghiêm của Phật giáo và giáo lý của Ấn Độ giáo, chắp vá và lợi dụng sự mê tín của một bộ phận người dân Việt Nam để lập nên tổ chức. Nói về Thanh Hải, Hoà thượng Thích Tịnh Hạnh viết tiếp “Thanh Hải dùng phương pháp Tâm ấn để khống chế người theo đạo, làm cho tâm trí kẻ chịu đạo bị mê hoặc”.
Theo giáo luật của “Thanh Hải Vô Thượng Sư” thì người tu không được truyền dạy cho người khác, chỉ có Minh Sư Thanh Hải hoặc người làm sứ giả cho Minh Sư mới được truyền pháp và điển lực “Tâm Ấn” là của Minh Sư chứ không phải của người dạy. Để truyền bí pháp, người tu phải cam kết ăn chay trường và giữ 5 giới nhà Phật và ngồi thiền ít nhất mỗi ngày 2,5 tiếng. Đồng thời, nên đi “Công tu”, ngồi thiền chung và đồng tu.
Thanh Hải là người đứng đầu, được tín đồ “tôn sùng” gọi là “sư phụ” người lãnh đạo cao nhất, dưới có các trung tâm thiền đường. Ban giúp việc, ban Ngoại vụ – giúp Thanh Hải tập hợp, soạn thảo kinh sách, kiểm duyệt danh sách “liên lạc viên”, tiếp nhận, trao truyền thông điệp, chỉ thị của Thanh Hải; “Thị giả” – những “đồng tu” xuất gia có đức hạnh được lựa chọn để phục vụ Thanh Hải. “Sứ giả” – thay “Thanh Hải Vô Thượng Sư” trong hoạt động tuyên truyền, truyền tâm ấn; “Hộ pháp” là người bảo vệ Thanh Hải Vô Thượng Sư; “Liên lạc viên” – người phụ trách hoạt động Thanh Hải Vô Thượng Sư ở một địa phận, quốc gia, vùng lãnh thổ và “Đồng tu”. “Đồng tu có hai hình thức là tu tại gia (không cạo tóc, không phải mặc áo tu sĩ) và xuất gia (phải cạo tóc, vào tu tại các “thiền đường” hoặc vào các trung tâm “Thanh Hải Vô Thượng Sư”.
Xét về phạm vi, tổ chức, “Thanh Hải Vô Thượng Sư” là giáo chủ, xây dựng hệ thống các đệ tử – chân rết ở các quốc gia và thực hiện thông qua một cộng đồng kết nối toàn cầu chủ yếu là trực tuyến. “Thanh Hải Vô Thượng Sư” dùng các trang thông tin điện tử để điều phối hoạt động và giảng thuyết. Tổ chức này có một hệ thống “tình nguyện viên” đông đảo.
Những người tin, theo tôn sùng Thượng sư Thanh Hải. Người tu thường ăn chay trường, ngồi thiền và xem kênh truyền hình quảng bá về Thanh Hải, qua các phương tiện truyền thông, có thể ngồi với bất kỳ tư thế nào cảm thấy thoải mái, nhắm mắt lại và tập trung vào giữa trán mà Thanh Hải gọi là “Mắt trí huệ” và phóng tầm nhìn vào một điểm cố định như một màn trước mắt. Mật niệm chậm rãi tên các vị Phật, vị Thánh mà bạn yêu thích nhưng lại khuyến khích người ta tu niệm “Nam mô Thanh Hải Vô Thượng sư” thì tốt hơn.
Người tu theo “Thanh Hải Vô Thượng Sư” trong nhà không có bát hương thờ cúng tổ tiên, bố mẹ, vợ con; anh chị em chết không khóc, không để tang, không làm giỗ. Khi ngồi Thiền có khăn trùm kín đầu, hai ngón tay bịt kín vào tai, lập bàn thờ có ảnh Thanh Hải, 5 ngọn nến, 1 đĩa hoa tươi, 1 gói kẹo, 1 ngón tay bịt vào lỗ tay.
Hiện tượng “Thanh Hải Vô Thượng Sư” đã có mặt trên 79 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; trụ sở chính đặt tại “Trung tâm Thiền Tây Hồ” ở Đài Loan. Đồng thời, sử dụng mạng xã hội; xây dựng các trang web với nhiều ngôn ngữ khác nhau; tổ chức hoạt động từ thiện, khoá tu thiền bế quan, các sự kiện văn hoá, hoạt động kinh doanh về sản phẩm thời trang, nghệ thuật do Thanh Hải thiết kế, sáng tạo và thực phẩm chay mang nhãn hiệu Loving Hut để tuyên truyền.
Ngược trở lại thời gian, sau khi thành lập, “Thanh Hải Vô Thượng Sư” hoạt động ở 41 quốc gia thuộc Châu Âu, Châu Á, Châu Mỹ…. Đặng Thị Trinh nhận được sự tài trợ có nhiều cơ sở ở các nước đã lôi kéo khoảng 100.000 tín đồ. Tuy nhiên, do có nhiều hoạt động vi phạm pháp luật ở một số nước sở tại nên tổ chức “Hội thiền định quốc tế Thanh Hải Vô Thượng Sư” bị cấm hoạt động ở các quốc gia này.
Thanh Hải Vô Thượng sau đó đã mở rộng hoạt động với mục đích trục lợi về kinh tế bằng các hình thức tổ chức các buổi, hội thuyết tập thể, đưa người vượt biên trái pháp luật, bán các sản phẩm do Thanh Hải thiết kế, ở hệ thống nhà hàng chay vừa kinh doanh vừa hoạt động…, gây dựng hình anh cá nhân của một số đối tượng cầm đầu cốt cán. Thanh Hải thành lập chuỗi nhà hàng Loving Hut với hơn một trăm nhà hàng trên toàn thế giới nhưng thực chất là để tuyên truyền về “Thanh Hải Vô Thượng Sư”.
Cụ thể, đã ra mắt dòng sản phẩm quần áo ở New York vào 1995. Thanh Hải cũng là tác giả của những cuốn sách ảnh như The Birds in Ly Life và Noble. Chính phủ Đài Loan đã điều tra tổ chức của bà về “cáo buộc gây quỹ bất chính”. Trong đó, có việc chuyển 2 triệu đô la ra ngoài nước này. Thanh Hải đã từng tặng 640.000 USD cho ủy thác chi phí Pháp lý của Tổng thống Bill Clinton, Ủy ban này đã trả lại số tiền trên vào năm 1996, bởi các nguồn tài trợ đáng ngờ.
Tại Việt Nam, “Thanh Hải Vô Thượng Sư” xuất hiện khá sớm trên địa bàn Việt Nam từ năm 1990 tại tỉnh Sóc Trăng. Sau đó, đã phát triển hệ thống chân rết ra nhiều địa phương, vùng miền trên toàn quốc với tốc độ nhanh và số lượng lớn. Bà Trinh thường cho người về Việt Nam truyền đạo, lôi kéo các thuyền nhân Việt Nam ở Hồng Kông theo đạo này về Việt Nam lén lút truyền bá. Từ 1990, thông qua kinh sách và băng thu hình, “đạo” được truyền cho những người vượt biên trong trại tị nạn ở Hồng Kông, sau đó từ Campuchia vào Việt Nam.
Năm 1993, có 7 đoàn người Đài Loan dưới danh nghĩa cứu trợ cho tỉnh Long An; đồng thời mang nhiều tài liệu tuyên truyền “Thanh Hải Vô Thượng Sư”.
Ở Việt Nam, nguồn tài chính thu nhập chủ yếu là buôn bán vật phẩm như băng đĩa, sách báo, quà lưu niệm, trang sức, quần áo, vật dụng cá nhân được cho rằng có lực lượng gia trì của Thiên Đàng trong ấy. Mỗi vật phẩm ấy đều được quy ra điểm, gọi là điểm tâm linh tùy theo giá niêm yết (giá niêm yết thường cao hơn rất nhiều so với giá trị vật chất). Từ việc thu nhập nguồn tài chính to lớn, Thanh Hải xây dựng hệ thống truyền hình vệ tinh internet. Có cả hệ thống sản xuất thực phẩm chay mang sắc thái truyền đạo (hệ thống nhà hàng chay Loving Hut), khuyến khích ăn chay. Quay phim, ca nhạc, ngâm thơ, họp mặt, giao lưu khắp thế giới. Thường tổ chức các cuộc tập trung cộng tu ngôi thiền như Pháp, Thái Lan, Đài Loan với quy mô lớn và tốn kém. Do việc huy động tài chính to lớn như vậy đã gây ra mâu thuẫn ở một số gia đình đệ tử như vợ chồng ly hôn, ly thân, tiêu tán tài sản…
Với mục đích lừa đảo và trục lợi về kinh tế, hiện tượng “Thanh Hải Vô Thượng Sư” đã lôi kéo và tổ chức nhiều buổi thuyết giảng ở nước ngoài, kêu gọi người tin theo đóng góp để tham gia các buổi nói chuyện bà tổ chức.
Nhìn chung, thông qua nhiều hình thức như mở hệ thống nhà hàng chay, hoạt động kinh doanh buôn bán, từ thiện hay các buổi lễ thuyết giảng, ngoài việc mở rộng địa bàn, phô trương danh tiếng để trục lợi về kinh tế “Thanh Hải Vô Thượng Sư” còn có một số biểu hiện của yếu tố cực đoan, phản động, mang màu sắc chính trị.
Ngày 25/10/2019, hưởng ứng ngày “Quốc tế Thanh Hải Vô Thượng Sư” đã có hàng trăm người Việt Nam thường xuyên xuất cảnh sang Đài Loan và một số quốc gia khác tham gia hoạt động truyền đạo và kỷ niệm của “Thanh Hải Vô Thượng Sư” trên thế giới.
Hiện nay, “Thanh Hải Vô Thượng Sư” chuyển sang hoạt động núp dưới bóng các nhà hàng, sự kiện nên công tác nắm tình hình gặp nhiều khó khăn. Theo con số thống kê Viện Nghiên cứu chính sách tôn giáo cập nhật (con số báo cáo chưa đầy đủ) ở 18 địa phương chịu tác động của hiện tượng tôn giáo mới “Thanh Hải Vô Thượng Sư” thì số lượng tín đồ tin theo khoảng 1.221 người. Các nhóm người tụ họp và tổ chức một số hoạt động tại các địa phương gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân, nơi có sinh hoạt của các hiện tượng tôn giáo mới xuất hiện. Các địa phương chịu nhiều tác động nhiều như: Hà Nội, Bắc Giang, cần Thơ, Bình Thuận, Đà Nang, Sóc Trăng, Thái Bình, Hải Dương.
Thành phần tin theo “Thanh Hải Vô Thượng Sư” chia thành hai bộ phận. Giai đoạn đầu là những người dân tị nạn ở các quốc gia. Giai đoạn sau mở rộng tới nhiều thành phần như nông dân, trí thức và những người có điều kiện về kinh tế. Hệ thống tổ chức của “Thanh Hải Vô Thượng Sư” khá chặt chẽ, Đặng Thị Trinh xây dựng được hệ thống chân rết khá tin cậy hoạt động ở các quốc gia, biểu hiện qua việc xây dựng hệ thống nhà hàng chay hoạt động kín đáo và theo chỉ đạo từ xa của Đặng Thị Trinh.