Nga cắt khí đốt đến Ba Lan, Bulgaria

share on:

Moscow thông báo với Ba Lan và Bulgaria rằng họ sẽ dừng giao khí đốt từ ngày 27/4 sau khi hai nước này từ chối thanh toán bằng rúp cho công ty năng lượng Nga Gazprom.

Công ty khí đốt nhà nước Ba Lan PGNiG cho biết họ đã được thông báo rằng tất cả hoạt động giao khí đốt sẽ bị tạm dừng ngày 27/4. Bộ Năng lượng Bulgaria cũng xác nhận họ đã được thông báo việc giao hàng sẽ bị đình chỉ cùng ngày, theo BBC.

“Ngày 26/4, Gazprom đã thông báo cho PGNiG về ý định đình chỉ hoàn toàn việc giao hàng theo hợp đồng Yamal từ ngày 27/4”, công ty khí đốt PGNiG của Ba Lan thông báo.

Dù vậy, công ty này cho biết “tất cả việc giao hàng cho khách hàng vẫn đang được thực hiện theo yêu cầu”.

Thủ tướng Mateusz Morawiecki cho biết các cơ sở dự trữ khí đốt của Ba Lan đã đầy 76% và nước này sẵn sàng tìm kiếm nguồn cung cấp cần thiết khác ngoài đường ống Yamal.

Quyết định từ Gazprom được đưa ra sau thông báo trước đó của Ba Lan vào ngày 26/4 nói rằng nước này sẽ áp lệnh trừng phạt đối với 50 tổ chức và cá nhân, bao gồm công ty khí đốt lớn nhất của Nga, vì “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Moscow ở Ukraine.

Trạm phân phối khí đốt Gaz-System ở Gustorzyn, miền Trung Ba Lan. Ảnh: Reuters.
Trong khi đó, Bộ Kinh tế Bulgaria ra tuyên bố cuối ngày 26/4 nêu rõ: “Bulgargaz đã nhận được thông báo hôm nay, 26/4, rằng nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên từ Gazprom Export sẽ bị đình chỉ bắt đầu từ ngày 27/4”.

“Phía Bulgaria đã đáp ứng đầy đủ nghĩa vụ của mình và đã thực hiện tất cả các khoản thanh toán được yêu cầu theo hợp đồng hiện tại một cách kịp thời, nghiêm ngặt và phù hợp với các điều khoản”, tuyên bố viết, theo AFP.

Bộ Năng lượng Bulgaria khẳng định các nhà khai thác khí đốt thuộc sở hữu nhà nước của họ là Bulgargaz và Bulgartransgaz “đã thực hiện các bước cho thỏa thuận thay thế nguồn cung khí đốt tự nhiên và để đối phó với tình hình hiện tại”.

“Hiện tại, không cần (áp đặt) bất kỳ biện pháp hạn chế nào đối với tiêu dùng”, Bộ Năng lượng Bulgaria tuyên bố.

Anna Moskwa, Bộ trưởng phụ trách khí hậu của Ba Lan, nhấn mạnh nước này “không lo lắng về tình trạng thiếu khí đốt” và “chỉ riêng khí tự nhiên hóa lỏng đã cung cấp đủ cho thị trường”.

“Các chiến lược đa dạng hóa mà đã áp dụng cho phép chúng ta cảm thấy an toàn trong tình huống này”, bà nói thêm.

PGNiG, nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của Ba Lan, tuyên bố họ sẽ đệ đơn kiện vi phạm hợp đồng đối với quyết định của Gazprom.

Nga hiện cung cấp khoảng 55% nhu cầu khi đốt hàng năm của Ba Lan, tức khoảng 21 tỷ m3.

Bulgaria phụ thuộc đến 90% vào khi đốt của Nga, với mức tiêu thụ hàng năm khoảng 3 tỷ m3.

Nước này chỉ nhập thêm một lượng nhỏ từ Azerbaijan, nhưng họ hy vọng nguồn cung này sẽ tăng lên sau khi hoàn thành một liên kết đường ống quan trọng với Hy Lạp vào cuối năm nay.

Moscow hồi tháng 3 đã cảnh báo sẽ cắt nguồn cung khí đốt cho các quốc gia “không thân thiện” nếu họ không thanh toán bằng đồng rúp.

Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu khuyến nghị các quốc gia nên tiếp tục thanh toán cho Gazprom bằng loại tiền đã thỏa thuận trong hợp đồng, khoảng 97% trong số đó bằng euro hoặc USD.

Nhà lãnh đạo quốc gia EU duy nhất đề nghị sẽ thanh toán cho Gazprom bằng đồng rúp là Thủ tướng Hungary Viktor Orbán.

Chính phủ cánh hữu của ông đã theo đuổi mối quan hệ thân thiết với Điện Kremlin trong hơn một thập kỷ.

Hồng Ngọc/zing.vn

Facebook Comments