Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết không chỉ TikTok, các nền tảng xuyên biên giới không hợp tác với cơ quan quản lý đều bị cấm.
Tại Hội thảo kết nối mạng lưới quản lý đa kênh (MCN), các công ty truyền thông và nhà sáng tạo nội dung trên mạng (KOLs) do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức ngày 27/5, Cục trưởng Lê Quang Tự Do cho biết sau khi tổ chức đoàn kiểm tra TikTok, đại diện hai nền tảng Facebook và YouTube đã hỏi thông điệp của cơ quan quản lý về động thái trên. Trong đó, nhiều câu hỏi được đặt ra xoay quanh tương lai của nền tảng cũng như số phận của giới sáng tạo nội dung trong thời gian tới.
TikTok có thể bị cấm nếu không hợp tác
Theo ông Do, câu trả lời phụ thuộc vào mức độ hợp tác giữa ba bên gồm nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, các KOLs và các MCN/công ty truyền thông. Nếu có bên thiếu sự hợp tác, cơ quan quản lý nhận thấy mạng xã hội là môi trường nguy hiểm, ảnh hưởng xấu đến xã hội thì chắc chắn sẽ có biện pháp hạn chế.
Điển hình vài năm trở lại đây, cơ quan quản lý đã mạnh tay chấn chỉnh, xử lý 3 trường hợp vi phạm như TikToker Nờ Ô Nô (cố tình đăng tải clip gây sốc, lợi dụng người già để câu view), YouTuber Thơ Nguyễn (làm nội dung về kumathong), hay gỡ bỏ video ca nhạc có kinh phí thực hiện 30 tỷ đồng của một ca sĩ nổi tiếng do chứa hình ảnh nhảy tự tử.
Nhiều loại nội dung, quảng cáo bẩn vẫn xuất hiện thường xuyên trên TikTok. Ảnh: Minh Khánh.
“Thông điệp của chúng tôi là không gian mạng cũng như đời thật, phải chịu trách nhiệm thật. Nếu các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới không hợp tác với cơ quan quản lý Nhà nước thì sẽ bị ngăn chặn hoạt động tại Việt Nam. Nếu TikTok không hợp tác với Chính phủ, với cơ quan quản lý trực tiếp là Bộ TTTT thì chắc chắn nền tảng này sẽ bị cấm”, ông Do lưu ý TikTok vẫn được tạo điều kiện hoạt động nếu hợp tác và tuân thủ quy định pháp luật.
Cũng theo lãnh đạo Cục PTTH&TTĐT, nhận thức và thái độ của các nền tảng rất quan trọng. Từng có thời gian nhiều nền tảng tự cho rằng có tiêu chuẩn cộng đồng toàn cầu riêng, không tuân thủ quy định pháp luật của nước sở tại vì là tập đoàn đa quốc gia.
“Tôi khẳng định các nền tảng đó đã phải trả giá đắt. Khi hiểu ra vấn đề, quay lại hợp tác thì đã muộn”, vị này nhấn mạnh.
Thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ thay đổi hình thức xử phạt hành chính từ gộp sang chia nhỏ. Ví dụ một nội dung vi phạm lặp lại 10 lần sẽ bị phạt tương ứng 10 lần thay vì một lần.
Đáng chú ý từng có nghệ sỹ quảng cáo sai sự thật, bị xử phạt tối đa 50 triệu đồng, nhưng cho rằng số tiền trên không đáng so với lợi nhuận từ hoạt động quảng cáo nên sẵn sàng nộp.
Tuy nhiên, Bộ TTTT còn chế tài khác và sẵn sàng không cho nghệ sỹ có cơ hội tiếp cận với công chúng. Đây là chế tài quan trọng nhất trong khi hình thức phạt tiền chỉ là bước đầu.
55% thu nhập gian lận trên YouTube đến từ Việt Nam
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thanh Lâm cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia hiếm hoi sở hữu kỷ lục đáng quên, tiêu biểu như đứng đầu thế giới về lạm dụng không gian mạng để làm việc vi phạm đạo đức, pháp luật với mục đích kiếm tiền hoặc mục đích khác.
Một số loại hình phổ biến hiện nay là sản xuất nội dung vi phạm bản quyền, lấy nội dung người khác làm rồi đăng lại trên YouTube; mua phim đồi trụy Nhật Bản, chia nhỏ, lập kênh YouTube rồi bán cho khán giả Mỹ; livestream trận bóng đá có bản quyền thuộc về các đài truyền hình, từ đó thu hút lượt xem và kiếm tiền từ quảng cáo cờ bạc.
“Trên thế giới, cứ 100 đồng tiền đến từ thu nhập gian lận trên YouTube thì có 55 đồng do người Việt Nam làm ra. Số tiền trên chiếm hơn 1/2 số tiền thu nhập do gian lận mà có. Trong khi, đất nước đứng thứ hai cũng chỉ bằng 1/10 của chúng ta”, Thứ trưởng phát biểu.
Bộ TTTT sẽ tiếp tục siết chặt tình trạng nhãn hàng quảng cáo trên các kênh có nội dung xấu độc, ngăn chặn tình trạng tiền quảng cáo vừa đi vào kênh tử tế vừa đi vào kênh xấu độc.
Danh sách nội dung được xác thực, an toàn (Whitelist) và nội dung đen (Blacklist) hiện là một trong những giải pháp mới nhằm tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo trên Internet.
Đồng thời, Cục PTTH&TTĐT đang làm việc với các nhà sản xuất smart TV lớn tại Việt Nam như: Samsung, LG, Sony, TCL, Casper và yêu cầu không cài đặt ứng dụng vi phạm pháp luật.
Các nền tảng xuyên biên giới không đáp ứng điều kiện an toàn về mặt nội dung và ảnh hưởng đến trẻ em, người già có thể bị xóa bỏ hoặc vô hiệu hóa nút bấm trên điều khiển smart TV.