Đau lòng khi nhận được những tin tức đáng sợ từ trận mưa bão trên khắp Hòa Bình… Trái tim như ngừng đập khi nhận được tin cả tỉnh Hòa Bình ban bố tình trạng khẩn cấp. Tất cả các trường học đều đồng loạt nhận được lệnh cho học sinh nghỉ và yêu cầu phụ huynh đến đón về. Chưa bao giờ, cảm giác sợ hãi khi ở cạnh cái đập thủy điện lớn nhất Đông Nam Á lại rõ ràng đến thế! Cả thành phố lo lắng vì nhìn thấy những bức ảnh cho thấy rõ ràng thủy điện đã bị tràn nước ngay cả khi các cửa xả chưa mở. Từ ngày hoàn thành, chưa bao giờ lòng hồ lại nhiều nước đến mức ấy… Ai cũng lo về điều không dám nghĩ biết đâu lại sắp thành sự thực…
Ấy vậy mà đâu đó, vẫn có những dòng tin chửi rủa Hòa Bình xả lũ. Họ cho rằng vì thủy điện xả lũ nên họ mới khổ sở vì ngập lụt. Họ tưởng rằng, những người Hòa Bình vui tính, cứ thích xả là xả. Buồn hơn là các nhà báo, cứ giật tít câu view như thể thủy điện Hòa Bình xả lũ là nguyên nhân gây nên tình trạng ngập lụt, đê bao xung yếu ở khắp nơi trên miền Bắc… Nhân ngày lũ bão tạm thời tan, một cơn bão mới lại chuẩn bị đến mình tranh thủ viết vài dòng tâm sự với mọi người, về lí do vì sao thủy điện Hòa Bình xả lũ. Mong rằng sau bài viết này chúng ta sẽ hiểu nhau hơn, bởi trong cuộc vật lộn với thiên nhiên ngày càng khắc nghiệt, thực sự cần lắm sự đoàn kết, tương thân tương ái của mọi người.
Thủy điện Hòa Bình được Đảng và Nhà nước ta quyết tâm xây dựng từ năm 1979, giữa lúc kinh tế đất nước vô cùng khó khăn. Nhiệm vụ đầu tiên công trình được xác định chính là chống lũ. Các bạn biết không, sông Đà chiếm 55% lưu lượng nước của sông Hồng. Việc xây dựng đập thủy điện ngăn sông Đà sẽ góp phần quan trọng trong công tác chống lũ cho vùng đồng bằng sông Hồng và đặc biệt là thủ đô Hà Nội. Từ khi có thủy điện Hòa Bình giữ nước Hà Nội và các tỉnh vùng hạ lưu đã đỡ ngập lụt hơn rất nhiều. Không chỉ chống lũ, nhà máy thủy điện Hòa Bình là nguồn cung cấp điện chủ lực của toàn hệ thống điện Việt Nam. Từ khi có đường dây 500KV, dòng điện của Hòa Bình đã tỏa đi khắp mọi miền tổ quốc. Chống lũ vào mùa mưa, còn vào mùa nắng hạn, thủy điện Hòa Bình còn có nhiệm vụ tưới tiêu, chống hạn cho nông nghiệp. Rất nhiều những cánh đồng, những thửa ruộng hoa màu của bà con nông dân vùng đồng bằng sông Hồng đã được cứu nhờ nguồn nước tưới quý giá được nhà máy xả ra vào mùa khô. Rất nhiều những vùng đất cửa sông đã tránh được hiện tượng ngập mặn nhờ nước sông Đà…Khi lòng hồ sông Đà hoàn thành, hệ thống giao thông đường thủy vùng Tây Bắc đã thuận lợi hơn xưa rất nhiều. Tượng đài chiến thắng Điện Biên đã được vận chuyển thành công chính nhờ lòng hồ sông Đà đấy các bạn ạ! Và gần 30 năm qua kể từ khi nhà máy được hoàn thành, bốn nhiệm vụ trên luôn được hoàn thành xuất sắc.
Vậy nên, khi thủy điện phải xả lũ, tức là mực nước hồ chứa đã lên quá cao trên mức độ an toàn cho phép. Nếu không kịp thời điều tiết nước bằng phương pháp xả bớt nước thông qua các cửa xả, nước sẽ quá đầy, áp lực nước lớn quá sức chịu đựng của đập, đập sẽ vỡ. Và hãy thử hình dung cùng tôi, điều gì sẽ xảy ra nếu như hồ chứa của thủy điện Hòa Bình bị vỡ… 9 tỉ mét khối nước sẽ tràn ra, và cuốn phăng tất cả mọi thứ trên đường đi của nó. Hà Nội và các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng sẽ chìm trong biển nước. Thiệt hại sẽ không thể nào tính đếm nổi… Trong 2 ngày 10-11 vừa qua, lượng mưa trút xuống các tỉnh miền núi phía Bắc tăng đột biến. Nhiều nơi ở Hòa Bình lượng mưa lên đến trên 200 mm, chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ lượng nước đổ về hồ tăng lên chóng mặt. Hãy nhìn hai bức ảnh trước và sau khi cơn bão đi qua, bạn sẽ hiểu hơn sự đáng sợ, bất thường của trận mưa vừa rồi. Nếu là mùa khô, việc xả nước của nhà máy có thể lên kế hoạch trước hàng tuần cho nhân dân chuẩn bị, còn với mùa mưa, lượng mưa lại lớn bất thường, đập có nguy cơ bị tràn, thì việc xả lũ là bất khả thi. Trong giây phút quyết định xả lũ, ban chỉ huy phòng chống lụt bão trung ương và ban lãnh đạo nhà máy thủy điện Hòa Bình đã phải họp bàn khẩn trương để đưa ra quyết định kịp thời, đúng đắn nhất. Không thể tránh được một số thiệt hại do việc phải xả lũ gây ra, nhưng so với nguy cơ vỡ đập, thì đó là việc làm tất yếu. Hòa Bình xả lũ để bảo đảm an toàn hồ chứa, không phải để bảo vệ Hòa Bình, mà để bảo vệ cả vùng đồng bằng sông Hồng không bị cuốn phăng ra biển.
Nói nhỏ với mọi người một điều, những người làm thủy điện quý nước vô cùng. Với họ nước là nguồn điện, không có nước nhà máy không thể hoạt động được. Phải xả nước khỏi lòng hồ họ đau xót vô cùng, vì nước chảy, từng centimet nước mặt đập hạ xuống, là bao nhiêu tiền của nhà nước đang trôi đi. Chưa kể, đến mùa khô thiếu nước, cả nước sẽ thiếu điện, giữ được nhiều nước chừng nào nguy cơ lo thiếu điện sẽ giảm đi chừng ấy!
Cơn bão nữa lại đang tới, hai ngày vừa rồi, tổng công ty điện lực Việt Nam đã thống kê có tới hơn 40 nhà máy thủy điện phải xả lũ. Thủy điện Hòa Bình chỉ là một trong số 40 nhà máy ấy thôi. Thay thì oán trách nhau, chúng ta hãy cùng suy nghĩ, sao năm nay thiên nhiên lại nổi giận với chúng ta nhiều đến vậy? Những cơn giận giữ thực sự đã hóa thành những trận cuồng phong… Phải làm sao để Hòa Bình không phải xả lũ???? Mong mọi người có thể tự tìm thấy câu trả lời!
Nguồn: Hang Vu