Hàng chục hội nhóm có tên “Giúp người bị lừa đảo lấy lại tiền” được lập ra trên các trang mạng xã hội. Song trên thực tế, nhiều người tố cáo họ tiếp tục bị lừa lần thứ 2 khi nhờ đến sự trợ giúp của các thành viên trong nhóm này.
Lừa đảo dưới hình thức “giúp đỡ lấy lại tiền”
Chỉ cần gõ dòng chữ “Hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo” vào ô tìm kiếm, hàng chục hội nhóm đã hiện ra. Thông thường, sau khi dính bẫy lừa đảo, nhiều người thường tìm đến sự trợ giúp của các hội nhóm này với mong muốn lấy lại số tiền đã mất.
Chị A.K (TPHCM) cho biết, sau khi làm nhiệm vụ mua hàng online trên 1 trang thương mại điện tử, cô bị lừa mất 75 triệu đồng. Sau đó, A.K đăng bài lên hội nhóm nhờ đến sự giúp đỡ của mọi người.
Chưa đầy 5 phút sau, một tài khoản có tên Thanh Tùng Đỗ bình luận vào bài với nội dung: “Hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo trong vòng 24h. Chỉ cần bạn còn đủ bằng chứng là mình có thể lấy lại số tiền đã đóng băng trên hệ thống. Đảm bảo lấy lại tiền 100% và không lấy một đồng tiền công nào”.
Ngay lập tức, A.K liên hệ với người này để nhờ lấy lại số tiền đã mất. Khi cung cấp mọi thông tin liên quan đến trang thương mại điện tử, A.K được thông báo rằng, “chắc chắn sẽ lấy lại được tiền, nhưng phải nạp thêm 10% số tiền đã mất để tạo kẽ hở trong hệ thống”.
Tin tưởng, A.K chuyển cho người này 7,5 triệu đồng. Song ngay khi vừa chuyển khoản thành công, chị phát hiện mình đã bị chặn mọi liên lạc. Không chỉ A.K, nhiều người trong hội nhóm này cũng lên tiếng tố các tài khoản lừa đảo, nhận lời giúp đỡ nhưng thực chất để chiếm đoạt tài sản.
Trong vai một người đang muốn lấy lại số tiền đã bị lừa đảo 29,5 triệu đồng, phóng viên liên hệ với tài khoản có tên Dung Nguyễn qua nền tảng Telegram. Đối tượng này lập tức “thao túng tâm lý” bằng cách gửi hàng loạt tin nhắn của khách hàng cũ để chứng minh bản thân từng giúp được rất nhiều người lấy lại tiền đã mất.
Sau đó, Dung Nguyễn yêu cầu cung cấp một số thông tin để “kiểm tra” xem liệu có lấy lại được tiền hay không.
Dù phóng viên cung cấp các thông tin tài khoản không có thật, song Dung Nguyễn lại cho biết: “đã check ra nguồn tiền và có thể lấy lại tiền trong vòng 1,5 tiếng đồng hồ”. Kèm theo đó, Dung Nguyễn gửi một bảng mã hoá khó hiểu hòng qua mắt người khác.
Cuối cùng, đối tượng này yêu cầu phải chuyển ngay tiền phí để kịp thời lấy lại 29,5 triệu đồng, tránh trường hợp bị đóng băng tài khoản.
Tránh để mất tiền lần 2
Theo thống kê của Dự án phi lợi nhuận Chongluadao, 80,3% các vụ lừa đảo trên mạng là lừa đảo tiền.
Chuyên gia An ninh mạng cho hay, khi bị lừa đảo trực tuyến, người dân thay vì “kêu cứu” trên mạng xã hội thì nên liên hệ với những luật sư uy tín để được hướng dẫn các cách làm thủ tục báo lên cơ quan chức năng.
Một trong những dấu hiệu có thể nhận biết là những kẻ lừa đảo sẽ yêu cầu thanh toán cho các dịch vụ không cần thiết để khắc phục một sự cố không tồn tại. Các công ty hỗ trợ công nghệ hợp pháp sẽ không yêu cầu thanh toán dưới dạng thẻ quà tặng, chuyển khoản ngân hàng, ứng dụng chuyển tiền hoặc tiền mã hóa. Những hình thức thanh toán này chỉ nên được sử dụng với gia đình và bạn bè.
Người dân cần tìm kiếm tên công ty hoặc số điện thoại kèm những từ khóa như “lừa đảo” hoặc “khiếu nại”. Nếu đang tìm kiếm hỗ trợ về mặt kỹ thuật, hãy tìm hiểu một công ty có uy tín.
Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội đề nghị người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu.
Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu bị lừa đảo, người dân cần trình báo cơ quan Công an để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Khánh An/Báo Lao động