Những thương vụ tỷ USD trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ

share on:

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đạt được thỏa thuận hợp tác, thương vụ đầu tư hàng tỷ USD với các tập đoàn lớn Mỹ nhân chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden.

Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam ngày 10-11/9 là cơ hội để hai nước thúc đẩy quan hệ trong các lĩnh vực đầu tư, đổi mới sáng tạo, công nghệ chip, bán dẫn, chuyển đổi xanh.

Dịp này nhiều thương vụ, sáng kiến hợp tác đầu tư được doanh nghiệp Việt – Mỹ ký kết, nhằm hiện thực hóa và thúc đẩy mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Chẳng hạn, thỏa thuận ghi nhớ trị giá 10 tỷ USD trong lĩnh vực dịch vụ hàng không giữa Vietnam Airllines và Boeing để mua 50 tàu bay 737 Max. Số tàu bay này dự kiến bàn giao giai đoạn 2027 – 2030.

Đại diện Vietnam Airlines và Boeing ký thỏa thuận mua 50 tàu bay Boeing 737 Max trị giá 10 tỷ USD, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Mỹ Joe Biden, ngày 11/9. Ảnh: VNA

Hãng hàng không Vietjet cũng ký thỏa thuận tài trợ tàu bay trị giá 0,55 tỷ USD với Carlyle – tập đoàn tài chính lớn của Mỹ. Theo đó, Carlyle Aviation Partners (thuộc tập đoàn Carlyle) sẽ cung cấp tài chính cho loạt tàu bay 737 Max thuộc đơn hàng 200 tàu của Vietjet và Boeing.

Công ty Carlyle Aviation Partners hoạt động trong lĩnh vực tài chính và cho thuê máy bay toàn cầu, thành lập năm 2002. Công ty này đang quản lý 396 tàu bay tại 59 quốc gia trên thế giới, với tổng tài sản lên đến 385 tỷ USD.

Ngoài ra, Vietjet và Boeing thống nhất bàn giao những tàu bay đầu tiên cho hãng theo đơn đặt hàng 200 tàu bay B737 Max ký năm 2016 nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama. Đơn hàng trị giá hơn 25 tỷ USD này sẽ được thực hiện trong 5 năm tới, với 12 tàu bay đầu tiên được bàn giao vào 2024.

Ở lĩnh vực tài chính – ngân hàng, hôm 10/9, VPBank cho biết nhận khoản vay song phương 300 triệu USD có kỳ hạn 7 năm do Tập đoàn DFC cấp, nhằm củng cố nền tảng vốn, thúc đẩy hoạt động tài chính bền vững. Một khoản vay tương tự 100 triệu USD cũng được DFC cấp cho TPBank.

Những khoản vay này sẽ giúp hai nhà băng trên tiếp tục hoạt động tài chính bền vững gồm hỗ trợ doanh nghiệp SME, doanh nghiệp nhỏ vừa do phụ nữ làm chủ, chuyển dịch danh mục đầu tư sang các hoạt động chống biến đổi khí hậu – công nghệ phát thải carbon thấp.

Không chỉ nhận dòng vốn từ Mỹ, các doanh nghiệp Việt cũng tăng đầu tư sang thị trường này. Chủ tịch FPT Trương Gia Bình ngày 11/9 cho biết kế hoạch đầu tư 100 triệu USD và gần 1.000 nhân lực tại Mỹ vào cuối năm nay. Ông cũng đề xuất chính phủ Mỹ nuôi dưỡng hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam. Với những khoản đầu tư liên tục, FPT kỳ vọng tạo ra hơn 3.000 việc làm năm 2028 và đạt doanh thu 1 tỷ USD từ thị trường Mỹ vào năm 2030.

Cùng với kế hoạch đầu tư, tập đoàn này cũng công bố hợp tác chiến lược toàn diện với LandingAI – công ty trong lĩnh vực thị giác máy và trí tuệ nhân tạo tại Silicon Valley (Mỹ) nhằm đẩy nhanh quá trình đưa AI vào đào tạo tại hệ thống giáo dục FPT Education.

Trước đó, trong Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden nhất trí tạo điều kiện thuận lợi và mở cửa thị trường hơn nữa cho hàng hóa, dịch vụ của mỗi nước, cùng nhau giải quyết các vấn đề như rào cản tiếp cận thị trường thông qua Hiệp định Khung về Thương mại và Đầu tư.

Hai lãnh đạo ủng hộ việc tiếp tục củng cố hệ thống thương mại đa phương không phân biệt đối xử và dựa trên luật lệ, trong đó Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đóng vai trò nòng cốt.

Mỹ cam kết tăng cường hỗ trợ Việt Nam về sản xuất, phát triển hạ tầng vật chất và hạ tầng số chất lượng cao, chuyển đổi năng lượng công bằng, nông nghiệp bền vững và thông minh, cũng như hỗ trợ Việt Nam tham gia sâu rộng và bền vững vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Nước này cũng cam kết tăng cường hỗ trợ Việt Nam đào tạo và phát triển lực lượng lao động công nghệ cao.

Hai nước tuyên bố khởi động các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, trong đó chính phủ Mỹ sẽ cấp khoản tài trợ gieo mầm ban đầu trị giá 2 triệu USD, cùng với các khoản hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân trong tương lai.

Quan hệ Việt – Mỹ được bình thường hóa từ tháng 7/1995 và nâng cấp lên Đối tác toàn diện tháng 7/2013. Thương mại Việt – Mỹ đạt gần 124 tỷ USD vào năm ngoái, tăng gấp 275 lần trong 27 năm.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất và đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ trên thế giới, lớn nhất trong ASEAN.

Anh Minh/VNE

Facebook Comments