Khi nói về lịch sử, đại văn hào người Pháp Victor Hugo từng khẳng định: Lịch sử là tiếng vọng của quá khứ trong tương lai và là ánh phản chiếu của tương lai trên quá khứ.
Để tiếng vọng đó có ý nghĩa, giá trị với hiện tại và tương lai, đòi hòi thế hệ đi sau không chỉ có thái độ chuẩn mực, phương pháp khoa học khi nhận định, đánh giá về các sự kiện, vấn đề của lịch sử, mà cần có ý thức thận trọng khi phát ngôn, diễn giải về lịch sử.
11 giờ 30 ngày 30-4-1975, xe tăng quân giải phóng đã tiến qua cổng sắt đánh chiếm Dinh Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của địch. Ảnh tư liệu.
Lịch sử là những gì đã xảy ra trong quá khứ, nhưng nó luôn có quan hệ mật thiết với hiện tại và tương lai. Do vậy, khi nhìn nhận về các sự kiện, vấn đề lịch sử trước hết cần phải tôn trọng sự thật khách quan của lịch sử. Điều hiển nhiên này tưởng như ai cũng biết, nhưng thực tế không phải ai cũng quan niệm, ứng xử một cách chừng mực, đúng đắn. Có người do thiếu kiến thức lịch sử, chưa nghiên cứu thấu đáo những sự kiện đã diễn ra trong quá khứ nên khi xem xét về lịch sử còn hời hợt, phiến diện. Nhưng cũng có người do thiếu nhãn quan chính trị chuẩn mực nên có những phát ngôn chưa đúng về lịch sử, thậm chí nhìn nhận lịch sử bằng con mắt hẹp hòi, đánh giá lịch sử bằng thái độ bôi nhọ, xuyên tạc. Đây là một trong những biểu hiện suy thoái nghiêm trọng về chính trị tư tưởng mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ ra.
Thời gian qua, không khó để nhận diện những thái độ hạ thấp, “phủ bụi” vào lịch sử. Ví như có người ngộ nhận khi cho rằng, “Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam chỉ cần “trung với nước, hiếu với dân” là đủ, là đúng với tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra”(!). Vì khi đưa ra lý do này, họ viện cớ rằng, 6 chữ “trung với nước, hiếu với dân” thêu trên lá cờ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng cán bộ, giáo viên Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1) trong ngày khai giảng khóa I (26-5-1946) cũng là lời Bác nhắc nhở quân đội nói chung”. Nhưng có một sự thật lịch sử cần phải nhắc lại, đó là trong dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam 22-12-1964, Bác Hồ đã khẳng định: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Vì vậy, trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân không chỉ thể hiện, phản ánh bản chất sự thật lịch sử ra đời, trưởng thành, phát triển của QĐND Việt Nam, mà còn là một trong những cội nguồn và động lực lịch sử làm nên những chiến công hiển hách của Quân đội ta, một quân đội cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, rèn luyện.
Cách đây chưa lâu, dư luận từng xôn xao trước việc một số nhà nghiên cứu từng đề xuất bỏ cách gọi “ngụy quân”, “ngụy quyền” của chế độ Việt Nam cộng hòa. Nhân cơ hội đó, một số người a dua cho rằng, “việc công nhận Việt Nam cộng hòa như một chính quyền độc lập là một bước tiến quan trọng nhằm hàn gắn những vết thương của người Việt sau chiến tranh”(!). Nhìn nhận như vậy là chưa khách quan, chưa đúng với sự thật lịch sử. Vì thực tế, “ngụy quân”, “ngụy quyền” tuy vẫn mang dòng máu đỏ da vàng của người Việt, song lực lượng và chế độ này ra đời không đại diện cho tinh thần dân tộc chân chính, đi ngược lại lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam và đó chỉ là lực lượng tay sai, chế độ bù nhìn cho các thế lực ngoại bang xâm lược, giày xéo giang sơn bờ cõi Việt. Do không mang tính chính danh nên họ không đủ tư cách để đứng ngang hàng với QĐND Việt Nam và chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa-một quân đội cách mạng và một chế độ của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đó là một sự thật lịch sử không thể xuyên tạc.
Chiến tranh là nỗi ám ảnh ghê ghớm nhất của con người. Dân tộc Việt Nam luôn mang khát vọng “đời ta thích hoa hồng”, nhưng “kẻ thù buộc ta ôm cây súng”. Lấy chiến tranh chính nghĩa để kiên quyết chống lại chiến tranh phi nghĩa là đòi hỏi tất yếu của lịch sử dân tộc ta trong thế kỷ 20. Tuy vậy, sau khi chiến tranh kết thúc, Đảng, Nhà nước ta chủ trương “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”, tích cực thu hẹp bất đồng, tăng cường đối thoại và mở rộng vòng tay chào đón những người từng ở “phía bên kia chiến tuyến” hướng về Tổ quốc, qua đó nhằm củng cố, phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc đã lùi xa hơn 42 năm. Chúng ta không bao giờ có ý khoét sâu vào nỗi đau của các thân nhân có con em hy sinh, tử nạn trong cuộc chiến tranh này, nhưng nói thế không đồng nghĩa với việc xóa nhòa sự thật lịch sử của cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc Việt Nam. Vì từng có ý kiến cho rằng, “chiến tranh đã thuộc về quá khứ thì cho nó nằm yên một chỗ, không nên khơi gợi lại làm gì vì làm như vậy dễ tổn thương đến những người tham gia cuộc chiến, gây bất lợi cho vấn đề hòa giải dân tộc trong tình hình hiện nay”(!). Ý kiến này mới thoạt nghe tưởng như không có gì đáng nói, nhưng thực chất đây là sự xuyên tạc bản chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc; đánh đồng đối tượng tham gia cuộc chiến. Bởi sự thật lịch sử đã chứng minh rằng, Quân giải phóng miền Nam Việt Nam đại diện cho lực lượng yêu nước tiến bộ, yêu hòa bình của dân tộc Việt Nam nên đã chiến đấu anh dũng, quật cường để mang lại thống nhất, độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân; còn Quân lực Việt Nam cộng hòa chỉ là lực lượng tay sai, là “lính đánh thuê” cho một thể chế chính trị không có chính danh, không được đông đảo nhân dân đồng tình, ủng hộ. Vì vậy, sự thất bại, sụp đổ của lực lượng, chế độ mang bản chất “ngụy” ấy là tất yếu khách quan và là sự thật lịch sử không thể chối cãi.
Khi muốn xem xét, đánh giá những sự kiện, vấn đề diễn ra trong quá khứ, nhất là những sự kiện, vấn đề ấy liên quan đến vận mệnh quốc gia dân tộc, liên quan đến lịch sử chiến đấu đau thương mà hào hùng của cả một quân đội cách mạng và một cộng đồng dân tộc vì phẩm giá, lương tâm của thời đại thì không được phép hời hợt, phiến diện, lại càng không được phép đánh tráo khái niệm theo kiểu “mập mờ đánh lận con đen”.
Những trang sử vẻ vang về QĐND Việt Nam, về dân tộc Việt Nam anh hùng trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc sẽ mãi đồng hành, trường tồn cùng lịch sử nước ta. Bởi đó là những trang sử được viết nên bởi những tấm lòng trung kiên, cao thượng của cả một thế hệ cha ông đã tự nguyện cống hiến, xả thân hết mình vì hòa bình, độc lập, tự do cho Tổ quốc. Nên nhớ rằng, để non sông nước Việt nối liền một dải như hôm nay, để hơn 93 triệu người dân Việt đang hưởng cuộc sống bình yên như hôm nay, đã có gần 1,2 triệu người con ưu tú của Tổ quốc mãi mãi không trở về, gần 825.000 người đã để lại một phần máu thịt của mình trên chiến trường. Đó là chưa kể hơn 312.000 bộ đội, người tham gia kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học mà đến nay không chỉ bản thân họ, mà nhiều con cháu họ vẫn còn chịu đựng bao nỗi đau dai dẳng từ cuộc chiến tranh phi nghĩa do đế quốc Mỹ và ngụy quân, ngụy quyền gây ra. Đó cũng là một sự thật lịch sử không được phép lãng quên.
Trong đạo lý truyền thống người Việt, bất hiếu với cha mẹ là tội lỗi nặng nhất; vong ân bội nghĩa với thế hệ tiền nhân đã vun đắp, tạo dựng cho cuộc sống hiện tại của mình là “cạn tàu ráo máng”; vô ơn với tổ tiên, cội nguồn là kẻ chẳng ra gì, nếu không muốn nói là hèn mạt, đê tiện. Thế nên, với ai đó còn có biểu hiện quay lưng lại quá khứ, phủ nhận lịch sử, xuyên tạc thành quả cách mạng giải phóng dân tộc đã phải đổi bằng xương máu của hàng triệu con người, không chỉ đi ngược lại với số đông, làm tổn thương đến chiều hướng phát triển chân chính của lịch sử; mà còn làm vẩn đục những giá trị cao đẹp của lịch sử Việt Nam. Như một nhà sử học đã ví von hình ảnh mà rất chí lý rằng: Khi ai đó cố tình lãng quên quá khứ, “phủ bụi” vào lịch sử, tự họ đang bôi nhọ vào chính gương mặt người đã sinh ra mình.
THIỆN VĂN/Báo Quân đội nhân dân