Trên trang Facebook cá nhân, Omarkhayam Romato Maute tự mô tả hắn là “quả bom hẹn giờ di động”. Khi một nhóm phiến quân dưới sự chỉ huy của Omarkhayam và một trong những người anh em của hắn chiếm thành phố Marawi ở miền Nam Philippines vào ngày 23-5, cắm cờ IS màu đen trên các đường phố và ngõ hẻm ở đây, người ta mới nhận rõ sự nguy hiểm của chúng.
Gã đàn ông được tình báo Philippines xác định là Abdullah Maute
Quá trình cực đoan hóa
Omarkhayam và Abdullah Maute lớn lên cùng với một số anh chị em khác ở Marawi, thành phố có đa số dân theo Hồi giáo tại một đất nước có tới hơn 90% dân số là người Thiên chúa giáo. Thành phố này, về mặt lịch sử, là một trung tâm của đạo Hồi trên đảo Mindanao. Một người hàng xóm của gia đình Maute nói rằng, khi còn là trẻ vị thành niên vào những năm 1990, anh em Omarkhayam có vẻ giống như những bạn bè đồng trang lứa. Họ học tiếng Anh, kinh Koran và chơi bóng rổ trên đường phố. “Chúng tôi vẫn phân vân tự hỏi tại sao họ lại rơi vào tay IS”, người hàng xóm, từng là phiến quân Hồi giáo nhưng đã đầu hàng chính phủ, cho biết.
Vào đầu thập niên 2000, Omarkhayam học tập tại Ai Cập còn Abdullah theo học tại Jordan. Nhờ vậy, họ trở nên thông thạo tiếng Arập. Omarkhayam học tại Đại học Al-Azhar ở Cairo, nơi hắn gặp con gái của một giáo sĩ Hồi giáo bảo thủ người Indonesia. Sau khi kết hôn, cặp đôi này trở về Indonesia. Tại đây, Omarkhayam giảng dạy tại trường của bố vợ, và năm 2011 hắn ta định cư tại Mindanao. Có thể khi đó, Omarkhayam mới bị cực đoan hóa, chứ không phải thời gian anh ta ở Trung Đông.
Trong khi đó, thông tin về cuộc sống của Abdullah ít được biết đến sau khi hắn đến Jordan và hiện không rõ thời điểm hắn trở về tỉnh Lanao del Sur có thủ phủ là thành phố Marawi. Các nguồn tin tình báo nói rằng, có 7 anh em trai và 1 người anh em cùng cha khác mẹ trong gia đình Maute. Chỉ một người trong số chúng không tham gia cuộc chiến tại Marawi.
Người phát ngôn quân đội Philippines, Trung tá Jo-Ar Herrera cho biết, gia đình Maute thuộc gia tộc Maranao có truyền thống mẫu hệ. Mẹ của Omarkhayam và Abdullah, bà Farhana Maute – vốn là doanh nhân kinh doanh nội thất và xe hơi cũ – bị cáo buộc hỗ trợ tài chính cho nhóm, cũng như giúp tuyển mộ và cực đoan hóa nhiều thanh niên địa phương. Hôm 9-6 vừa qua, bà Farhana bị chặn lại bên ngoài Marawi khi đang ở trong một chiếc xe chứa đầy vũ khí và chất nổ, sau đó bị bắt giam. Một ngày trước đó, người cha – một kỹ sư – bị bắt ở thành phố Davao, cách Marawi khoảng 250 km.
Binh sĩ Philippines tham gia chiến đấu chống phiến quân Maute ở Marawi
Dùng dân thường làm lá chắn sống
Khi cuộc bao vây Marawi bắt đầu, hàng trăm phiến quân tham gia, trong đó có các tay súng đến từ những nước như Morocco và Yemen. Nhưng hầu hết các tay súng, những kẻ dùng dân thường làm lá chắn sống và đốt cháy nhà thờ trong thành phố, đến từ 4 nhóm địa phương liên minh với IS, và dẫn đầu trong số đó là nhóm phiến quân Maute, các quan chức quân đội Philippines cho biết.
Samira Gutoc-Tomawis, một lãnh đạo tổ chức dân sự địa phương, người biết rõ gia đình Maute, nói rằng các anh em trong gia đình này phụ thuộc rất nhiều vào truyền thông xã hội để tuyển mộ những người trẻ tuổi và truyền bá hệ tư tưởng của chúng.
Nhóm phiến quân Maute xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2013 với vụ đánh bom một hộp đêm ở Cagayan de Oro. Kể từ đó, nhóm ngày càng phát triển, nổi bật nhất là vụ đánh bom năm ngoái tại một khu chợ ở thành phố Davao, quê nhà của Tổng thống Rodrigo Duterte.
Các thành viên nhóm Maute bị bắt giữ khai rằng, vụ tấn công ở Davao được tiến hành theo lệnh của Isnilon Hapilon thuộc Abu Sayyaf, nhóm phiến quân khét tiếng với các vụ bắt cóc, tống tiền. Hapilon, kẻ năm ngoái được IS tuyên bố là “tiểu vương” của tổ chức này ở Đông Nam Á, đã xuất hiện trong một video hồi tuần trước quay cảnh các chiến binh – bao gồm cả hai anh em Maute – âm mưu biến Marawi thành một khu vực biệt lập.
Ngày 13-6, một tướng chỉ huy quân đội Philippines cho biết, phiến quân Hồi giáo hiện kiểm soát khoảng 20% diện tích thành phố Marawi, đồng thời bác bỏ tuyên bố trước đó của IS rằng các phiến quân “đang hoạt động khắp 2/3” thành phố miền Nam này của Philippines. Việc phiến quân chiếm giữ Marawi làm dấy lên lo ngại về nguy cơ các phần tử thánh chiến đang tìm cách lập một sào huyệt trên đảo Mindanao đe dọa an ninh ở khu vực Đông Nam Á.
Hoàng Cường/ANTĐ (Theo Reuters)