Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT), đại tá tình báo Nguyễn Thành Trung chính là người ném bom để mang lại hòa bình, đánh dấu sự khởi đầu cho những ngày cuối cùng của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa (VNCH).
Những tiếng bom kinh hoàng giữa lòng Sài Gòn đã làm rung chuyển Dinh Độc Lập, và khiến thế cờ không thể nào lật ngược – 3.000 quân Mỹ cuối cùng rút khỏi miền Nam, chính quyền Dương Văn Minh đầu hàng, đất nước được thống nhất.
Chiếc tiêm kích F-5E do phi công Nguyễn Thành Trung điều khiển, hôm nay được trưng bày trang trọng ở trong khuôn viên Dinh Độc lập.
Sau giải phóng, đại tá tình báo Nguyễn Thành Trung càng trở nên lặng lẽ, có gì đó day dứt, ngậm ngùi trong ông; thậm chí, ông thoáng chút né tránh khi nghe hai chữ “anh hùng”.
Bởi lẽ, anh hùng trong thời bình và anh hùng trong chiến tranh hoàn toàn khác nhau. Có những khoảnh khắc đưa người ta vào lịch sử và cũng có những khoảnh khắc mà từ đó, họ phải chịu đựng những nỗi khổ khó nói suốt cuộc đời.
Hiểu rõ tâm tình người bạn thân thiết của mình, sinh thời, nhà tình báo chiến lược Phạm Xuân Ẩn từng nói với đại tá Nguyễn Thành Trung: “Tôi nghĩ, lẽ ra một người như ông phải được tôn vinh đến 2 lần là Anh hùng LLVT mới phải, vì sau giải phóng, ông đã can đảm bay thử… 47 chiếc máy bay mà người Mỹ để lại”.
Còn chúng tôi, khi tiếp xúc với anh hùng Nguyễn Thành Trung, hỏi những điều thế hệ sau từng băn khoăn mà chưa ai giải đáp, lại nhận được câu trả lời khiêm nhường: Có những cá nhân chỉ là một mảnh ghép của lịch sử, đằng sau tấm huân chương vẫn có nhiều khoảng lặng… Nhưng điều đó cũng bình thường thôi.
Trong những ngày tháng tư lịch sử, đại tá tình báo Nguyễn Thành Trung chọn Bến Tre – quê hương của ông để trở về. Nhiều năm qua, ông luôn mong ước được sống ở vùng quê thân thuộc, nơi ông sinh ra và lớn lên thời thơ ấu, nơi cha ông hy sinh nhưng không thể tìm ra mộ.
“Khi xong việc rồi tôi chỉ muốn sống như một người thường”, ông tâm sự.
Thế nhưng có một điều mà ông không nói ra, đó chính là có những câu chuyện từ quá khứ vẫn tiếp diễn trong phòng khách của ông, nơi chứa nhiều hình ảnh từ thời trẻ, chụp với gia đình, đồng đội.
Ở đó, có phút ôm nhau tay bắt mặt mừng khi an toàn trở về cứ; có phút ngước mắt nhìn lên bầu trời muốn bay tiếp song khó có đường bay; màu áo của vị cựu Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines trong giai đoạn mới, rồi viên phi công lãng tử lái máy bay cho bầu Đức…
Bên cạnh đấy còn có mô hình chiếc máy bay Vietnam Airlines, rồi cả bức thư tay của cố Tổng thống Việt Nam Cộng hòa (VNCH) Nguyễn Văn Thiệu đọc trên truyền hình “trấn an” người dân sau cú bom rơi rung chuyển Dinh Độc Lập ngày 8/4/1975, rằng “không phải một cuộc đảo chính do một phần hay toàn thể quân lực VNCH chủ trương, mà chỉ là một hành động của phe nhóm”. Bức thư này do một người sĩ quan lấy được khi tiến vào Dinh Độc Lập, sau này gửi lại cho ông Trung và ông cất giữ như một tư liệu quý giá.
Bất ngờ hơn, ở tuổi 73, vị cựu đại tá tình báo vẫn rất chăm học tiếng Anh, nghe đài Mỹ, khi cần thì chăm chỉ mở… từ điển. Trong phòng khách của ông có đến 3 cuốn từ điển – 2 cuốn dày cộp và 1 cuốn nhỏ để bên cạnh chiếc ghế ông hay nằm xem ti vi.
“Ngày nào tôi cũng xem tin tức của các đài, nên có từ nào chưa hiểu thì tra ngay. Có những từ mới mà ngay cả từ điển cũng không có”. Thói quen xài từ điển theo ông từ ngày đó đến giờ, cho dù thời nay mở Google là có sẵn. Và cho dù nghe hết 90% các chương trình, ông vẫn thích tra cứu những từ khó.
Ngoài việc xem tivi, nghiên cứu lịch sử, biên dịch, ông còn chăm sóc người vợ bị đột quỵ, ngày ngày lo nhắc thuốc thang, chăm từng bước đi, giấc ngủ của bà. Những lúc rảnh rỗi, ông lại ra vườn tưới cây. Vườn của ông có đủ xoài, mận, hoa mai trắng… và cả cây đào tiên nở hoa trắng pha hồng. Những lúc ấy, vị đại tá tình báo nổi tiếng của một thời lại ngồi lên xích đu, mắt nhìn xa vắng…
Trong ngôi nhà ở quận Gò Vấp, người đàn ông rắn rỏi, da ngăm, mạnh mẽ, giọng nói vang sáng nhưng khá nhỏ nhẹ, mở đầu câu chuyện. Đây cũng là lần đầu ông nói rõ những điều mà lâu nay người ta vẫn thắc mắc, tranh cãi khá nhiều.
Những ngày tháng tư lịch sử, hồi tưởng quá khứ, ông có thấy mình đã làm tròn trọng trách của một chiến sĩ tình báo tại thời điểm quyết định chiến thắng 1975?
– Đối với tôi, việc gì đã qua thì hãy để qua đi. Việc gì làm được cho đất nước thì cũng đã làm. Tôi và ông bạn- cố Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn – đều như nhau thôi. Giải phóng rồi thì ráng sống cuộc đời bình thường như bao người khác. Đối với tôi, những việc đó là quá bình thường, mình không làm thì người khác sẽ làm thay mình.
Chính vì thế, trong những ngày này, nhiều người tìm tôi nhưng tôi không muốn lên đài, lên tivi nhiều quá…
Phi công Nguyễn Thành Trung được đồng đội trong vùng giải phóng tiếp đón sau khi thả bom xuống dinh Độc Lập
Thời còn trẻ, có bao giờ ông tưởng tượng sẽ có ngày mình ném bom vào trung tâm đầu não của Chính quyền Sài Gòn?
– Từ lúc còn nhỏ, tôi đã tưởng tượng ra được lớn lên mình sẽ làm việc đấy. Đã nhiều lần nghiền ngẫm kỹ chứ không phải là mong muốn bất chợt. Năm 12 tuổi, tôi nuôi ý chí đó cho đến khi nào thực hiện bằng được. Và cuối cùng tôi đã làm được!
Trước khi làm, tôi cũng lường trước chuyện có thể thất bại và chấp nhận hy sinh như một người vô danh.
Nhớ lại, tôi không bao giờ quên ngày ba tôi bị địch bắn chết vào năm tôi 12 tuổi. Ba tôi theo Việt Minh, sau này theo kháng chiến chống lại chính quyền Ngô Đình Diệm, chuyện sống chết kể ra cũng là lẽ thường.
Nhưng tôi cảm thấy căm hận khi giết ông xong, những kẻ vô nhân đạo đã ném xác xuống sông. Khi xác ông nổi lên, có những người trong làng mang đi chôn lúc nửa đêm, chôn dập chôn vùi cho nhanh vì sợ bị liên lụy.
Lúc đó, cho dù còn nhỏ, tôi đã nghĩ đến tội ác của Ngô Đình Diệm, chứ không riêng gì tay chân, lính lác của ông ta. Đối xử với một cái xác như thế thì tàn ác quá. Cả đời tôi không chấp nhận điều đó.
Khi hạ cánh an toàn, người ông nghĩ đến đầu tiên là ai?
– Tôi nghĩ đến ba tôi. Trước khi cất cánh,nghĩ đến ba tôi mới đi được. Nói thật, trước khi bay cũng dằn vặt lắm. Đi hay không đi, mình không đi chẳng ai làm gì mình. Hình ảnh ba tôi hiện về trong khoảng thời gian đó khiến tôi quyết tâm đi không chần chờ nữa.
Trong chiến tranh, có rất nhiều người chết thảm. Mình là đấng trượng phu, làm sao giảm bớt sự chết chóc đó, và chỉ có cách chấm dứt cuộc chiến. Mà kết thúc cuộc chiến thì có người vui, có người buồn. Cuộc chiến nào cũng vậy, đằng nào cũng có người thắng, người thua. Nhưng chúng ta không thể đánh nhau mãi được.
Người thắng thì thế nào, người thua thế nào, đừng gây hận thù với nhau nữa, đó là việc mà chúng ta cũng phải nghĩ. Dân mình khổ như thế, hy sinh như thế, tại sao cứ phải chọc vào nỗi đau đó làm gì?
Có chi tiết ném bom xong, về sau ông thở phào khi biết được không có ai thiệt mạng…
– Trong chiến tranh, chết chóc là chuyện thường. Tôi sống ở nông thôn khi còn nhỏ đến lúc lớn lên nên thấy dân chết vì nhiều điều vô lý lắm. Trong lòng tôi lúc nào cũng nghĩ, làm gì thì làm, đừng để người dân chết oan.
Khi tôi ném bom vào Dinh Độc Lập, ném vào chỗ hiểm để chế độ Sài Gòn sụp đổ cho nhanh, chứ không phải muốn giết cá nhân ông Thiệu, hay một ai khác. Tôi rất sợ bom rơi khiến nhiều người chết. Tôi nghĩ, mình phải báo cho người ta biết trước để tản ra. 2 quả đầu tiên tôi cố ý ném ra ngoài sân cho người ta chạy. Tòa nhà bự vậy sao không ném trúng được?
Còn lại 2 quả, ném vào dinh nhưng chỉ cho nổ 1, làm sập cầu thang. Ném xong mới thở phào, cuối cùng tôi đã làm xong việc nung nấu từ quá lâu rồi!
Có người nói tôi bắn hụt vì sợ bị phòng không của VNCH bắn lên. Nhưng nếu sợ thì tôi phải sợ từ lúc tham gia tình báo, từ lúc lừa chỉ huy lái máy bay vào Dinh ném bom kia. Tình thế khi đó rất nguy hiểm, may mạng lớn không chết. Khi vào dinh bị bắn như mưa cũng không chết. Khi về hạ cánh, sân bay rất nhỏ, cũng không sao.
Hồi nhỏ tôi hơi khác bạn bè. Họ vô tư, mà trong lòng tôi lúc nào cũng ưu tư, nặng trĩu. Sau này, những việc cần làm tôi đều tính toán kỹ và vạch sẵn.
Tính toán kỹ thế mà nhiều khi vẫn không làm được. Đó là khi tôi nhận ra, dân khổ vì lỗi của mình, của người khác, những cái sai cộng vào càng làm dân khổ mà không biết phải làm sao.
Còn chuyến ném bom thứ 2 vào sân bay Tân Sơn Nhất?
– Khi chuẩn bị đi vào Sài Gòn để đánh Tân Sơn Nhất, tôi chắc 9 phần chết, 1 phần sống. Hỏa lực, máy bay đầy trời. Lúc đó, tôi dẫn đường cho 4 phi công, những người do tôi đào tạo cấp tốc trong mấy ngày để sử dụng máy bay A-37 và không có ai rành đường bay này bằng tôi cả.
Thật may mắn vì chúng tôi quay trở về an toàn. Người đầu tiên tôi gặp là tướng Lê Văn Tri, ông ôm tôi không nói tiếng nào và bật khóc. Tôi rất cảm động vì phút giây ấy. Giây phút rất thật của một vị tướng lo cho lính của mình.
Lúc đó, Cách mạng rất cần tiếng bom của tôi. Đó là tiếng bom vô giá thay đổi đại cục. Bởi thế, trước khi đi, ông Phạm Hùng (Bí thư T.Ư Cục miền Nam thời đó – NV) sợ tôi còn lừng chừng. Ổng có nói: “Thôi cậu đi đánh như thế, có chuyện gì vợ con cậu ở nhà bọn tớ lo, sẽ đưa 1.000 lượng vàng cho vợ cậu sinh sống”.
Tôi nói không nên như thế. Nếu đưa tôi 1.000 lượng vàng thì tôi không đi. Làm như thế có khác tôi bán thân để lấy vàng! Tôi không làm. Đã làm thì không lấy 1 xu!
Vì sao lúc chuẩn bị ném bom vào Dinh Độc Lập, ông lại không mang vợ con đi từ trước để sau khi sự kiện xảy ra họ không bị bắt?
– Tại vì lúc đó thật ra tôi bị lộ rồi. Nhưng là lộ trên diện rộng, người ta chưa khoanh vùng được. Nên mấy thằng bạn của tôi đều bị bắt. Nếu đưa vợ con đi thì xong, không làm gì được nữa. Người Mỹ cũng tạo điều kiện sẵn sàng chở vợ con tôi đi di tản trước. Tới giờ chót, chỉ cần tôi lái máy bay sang Bangkok là xong.Tôi cũng xác định chắc chắn vợ con tôi bị bắt, nhưng không còn cách nào khác.
Người Mỹ không tìm ra điểm mờ trong lý lịch của ông do đâu?
– Tôi nghĩ là do định mệnh của mình. Tôi được đổi họ, đổi tên lúc 10 tuổi, chuẩn bị cho cuộc dấn thân sau này. Song thực ra tất cả chỉ qua mắt trên giấy tờ, còn nếu điều tra kỹ sẽ ra hết. May mắn là năm 1960, quân ta giải phóng toàn bộ khu Bến Tre – Đồng khởi nên Mỹ không về được. Thế nên tôi không bị phát hiện.
Thực ra, ông là người “cứu Sài Gòn không đổ máu, cứu được hàng ngàn sinh mệnh”, như lời của đoàn nhà báo Mỹ sang Việt Nam gặp lại ông sau giải phóng, vậy sao ông phải day dứt?
– Tôi biết ngày 28/4 là ngày Tổng thống Dương Văn Minh lên nhậm chức. Ngày đó, Mỹ đang tổ chức di tản. Trong sân bay, hàng ngàn người đang chuẩn bị lên những chiếc máy bay đợi sẵn, sẵn sàng cất cánh.
Nói thật, các cụ khi giao nhiệm vụ cho tôi, không cho đánh vào đường băng, tức không được ném bom vào chỗ máy bay cất cánh. Các cụ bảo, để cho Mỹ họ đi. Chúng tôi chỉ đánh vào bãi đỗ máy bay. Lúc đó, bãi đỗ có nhiều máy bay, gây nên đám cháy lớn. Khi bắn vào Tân Sơn Nhất, tôi biết nhiều người phải khổ. Chiến tranh mà, biết làm sao. Mình bắn thì họ không chạy đi được. May là không ai chết.
Trong thời gian làm điệp báo, ông đưa ra những nhận định quan trọng ra sao để giúp quân ta tiến đánh các điểm trọng yếu?
– Tháng 1/1975, khi quân ta lấy thị xã Phước Long, Bộ tư lệnh miền rất sợ Ngụy phản kích, nên mấy ổng hỏi ý kiến tôi, xem tình hình này Mỹ Ngụy có phản kích hay không. Tôi thấy không có động tĩnh gì, nên đưa ra nhận định: “Ngay bây giờ thì không, song sớm hay muộn thì chưa biết. Đơn vị của tôi đi ném bom đầu tiên, tôi sẽ báo cho các ông biết trước 24h mà tránh”. Mà đúng vậy, họ không lấy lại Phước Long, nên sau đó vào tháng 3, quân ta vững tin đánh tiếp Buôn Mê Thuột.
Có bao giờ ông gặp lại những người bạn Mỹ thời đại học?
– Năm 1994, tôi bay chuyến đầu tiên chở cụ Lê Đức Anh qua Mỹ. Sau 19 năm giải phóng, tôi mới có dịp quay lại. Lúc đó rất may, tôi gặp được ông thầy dạy bay. Gặp nhau cũng tay bắt mặt mừng, rồi ông quay sang tôi: “Em đã thành người rồi, nhưng thôi, thầy không nói về chính trị. Mỗi người có một quan điểm riêng, mỗi đất nước có một hoàn cảnh riêng. Thầy không chê, không khen. Nhưng em có tiến bộ, có trưởng thành trong nghề, em không nói ra nhưng đã nhìn thấy nhiều thứ. Điều đó làm thầy rất mừng”.
Thầy không trách móc, cũng không truy xét. Nếu đúng như thầy nói thì tôi thật hạnh phúc.
Là một điệp viên vào sinh ra tử, điều ông ân hận nhất là gì?
– Đến tuổi này, tôi thấy cuộc đời ai cũng vậy, cái khổ nhiều hơn cái sướng. Có những cái mình nói ra được, hạnh phúc cũng có lúc nói ra được, nhưng những lúc đau khổ thì không. Đời người cũng thế, làm quan, làm tướng cũng có lúc phải khổ.
Ân hận lớn nhất trong đời tôi là để mất Hoàng Sa. Chúng tôi đã chuẩn bị để giành lại Hoàng Sa, nhưng phút cuối, Mỹ không cho đánh vì đã “đi đêm” với Trung Quốc. Hồi đó, vào ngày 19/1/1974, chúng tôi kéo máy bay từ Biên Hòa ra Đà Nẵng, thề đánh đến chết, đánh một trận sống mái để lấy lại Hoàng Sa cho Tổ quốc. Nhưng rồi do áp lực của Mỹ, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lúc đó không cho chúng tôi ra trận. Chính vì thế, nỗi ân hận lớn nhất của đời tôi là không đánh được Hoàng Sa, không chết được ở Hoàng Sa.
Cuộc đời tình báo của ông cũng có những nét tương đồng với nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn. Cả hai đều được đi học ở Mỹ, đều hiểu và yêu người dân Mỹ, chính vì thế, khi chọn con đường thống nhất đất nước, hai ông đều biết mình sẽ bị bạn bè một thuở quay lưng…
– Nói về anh Ẩn, ảnh là người hết sức vĩ đại. Tôi rất thân với ảnh. Có những tư tưởng của ảnh tôi cũng chia sẻ, đồng hành. Chúng tôi đều đi học mấy năm ở Mỹ, biết thế nào là văn minh, biết rõ người dân Mỹ, biết thế nào là Cách mạng.
Cách mạng là gì? Là để dân mình đứng dậy được sống sướng hơn, được hưởng những gì mà những người bình thường trên thế giới được hưởng, thì mới có ý nghĩa. Anh Ẩn nói đúng, tôi không thù ghét gì nước Mỹ, chỉ thù ghét một số lãnh đạo của nước Mỹ thời bấy giờ, lợi dụng tình hình của Việt Nam để phục vụ lợi ích riêng, làm giữa chừng thì họ bỏ chạy, như thế là hèn nhát, là không xứng đáng. Còn người dân Mỹ, tôi rất yêu họ.
Làm cách mạng là luôn đổi mới để dân hưởng, chứ không để mình hưởng, làm được điều đó thì tôi phục. Những người nói quá hay mà không làm gì thì tôi không phục. Trên đời này, có nhiều người nói hay nhưng không làm gì, thậm chí còn phá hoại đất nước. Nhiều kẻ tham nhũng khi làm bộ trưởng, rồi ông này ông nọ đều nói rất hay, Đảng dạy họ thế nào? Họ luôn nói theo Bác, theo Đảng nhưng tại sao làm không tốt? Tức là họ nói quá nhiều nhưng làm dở. Tìm được người nói được, làm được khó lắm.
Một người tình báo không sợ chết, vậy ông sợ nhất là gì?
– Chết thì không sợ, nhưng sợ nhất là không thật lòng với nhau, không tin nhau, nghi ngờ nhau. Trong những lúc bị nghi ngờ, tôi cũng hiểu hết tình thế.
Thực ra, tôi biết vị trí của tôi, nên để người ta tin mình 100% thì không có đâu. Tin có mức độ thôi. Mình có sở trường gì, người ta tận dụng để sử dụng mình. Có những năm tôi bị nghi ngờ này nọ, buồn lắm. Cuộc đời mà.
Tôi cũng phải sống để vượt qua, vì có quá nhiều việc phải làm. Những năm đó họ rất cần tôi để làm sống lại những chiếc máy bay Mỹ bỏ lại hàng tháng trời. Tôi đã bay thử tổng cộng 47 chiếc. Biết là nguy hiểm, mỗi lần bay là dự tính có thể phải nhảy dù nếu máy móc hỏng hóc, nhưng là nhiệm vụ cũng phải bay. Rồi đào tạo rất nhiều thế hệ phi công tiếp nối.
Mình cứ làm việc mình. Ai hiểu thì mình cảm ơn, còn không hiểu cũng chẳng sao. Máy bay tôi bay thử, người ta đổ cho tôi rất ít xăng, đủ để bay lên rồi hạ cánh, vì sợ vượt biên như một số cấp tá ngụy trá hàng từng làm. Tâm trạng tôi thế nào chắc ai cũng rõ. Tôi không theo nước ngoài, mình còn lạ gì tư tưởng của họ. Mình ở lại với đất nước mình, với dân mình. Nước mình nghèo, mình vẫn chấp nhận.
Ông hiểu đó là lựa chọn đúng?
– Đến giờ vẫn đúng. Thật ra việc tôi làm, trong 10 người thì có 5 người hoan nghênh, còn 5 người chê. Năm 1976-1977, hàng ngàn người VN chết ngoài biển, lúc đó tôi dằn vặt trở lại, mình làm vậy có đúng không? Họ toàn là người dân Việt Nam cả, mình muốn chấm dứt cuộc chiến để họ không phải chết, mà giờ họ chết đầy như thế khi đi tìm miền đất hứa là sao hả trời?
Trong câu chuyện, ông hay nhắc đến dân. Vậy với dân, có điều gì ông còn chưa làm được?
– Đương nhiên có nhiều điều mình chưa làm được. Đối với đất nước, điều lớn nhất thì đã làm, nhưng vẫn còn những việc dang dở. Đáng lý tôi phải làm cho nhân dân được nhiều hơn nữa. Nhìn thấy dân khổ là mình ân hận rồi. Dân còn đói, còn khổ là mình vẫn còn chịu trách nhiệm vì khônghoàn thành nhiệm vụ.
Vì thế, tôi lui về ở ẩn, sống như người nông dân bình thường.
Tôi ân hận vì chưa thực hiện được ước mơ làm cho dân mình sung sướng, được hưởng như dân các nước khác. Đó cũng là cảm giác chung của những người trí thức. Là những đấng nam nhi mà để dân khổ, có xứng đáng hay không?Trong khi tôi cũng từng đi học, từng được trang bị nhiều kiến thức, học ở VN, rồi ở Mỹ, cái gì hay mình đều học nhưng không áp dụng được.
Cảm nhận của ông về sự thay đổi của đất nước sau 45 năm qua ra sao?
– Đất nước mình không nghèo. Thậm chí, nước mình có đủ hết, không thiếu gì. Có điều, biết làm ăn hay không thôi. Biết làm thì dân sướng, không biết thì dân khổ.
Bây giờ cuộc sống khá hơn ngày trước rất nhiều. Chúng ta cần nhìn nhận công bằng, có văn hóa và cũng đừng nói bậy. Biết thì nói, không biết thì thôi. Có nhiều người không biết gì mà lại hay nói; hoặc người ta bảo nói thế nào thì nói y như thế, trong giấy tờ viết sao cũng đọc y như vậy.
Cho đến nay, chẳng có gì chi phối tôi được. Mệnh lệnh của tôi là mệnh lệnh của con người, mệnh lệnh của đất nước và của lương tâm. Nói yêu nước thì ai cũng nói được, nhưng hành động anh làm có phải yêu nước hay không mới đáng nói.
Những năm làm ở Vietnam Airlines, ông có nhận xét gì về sự lớn mạnh của Hàng không Việt Nam?
– VN chỉ có mỗi Vietnam Airlines là lớn nhất và là Tổng công ty của nhà nước. So với ngày xưa, Vietnam Airlines tiến bộ rất nhiều, tiến bộ vượt bậc về kỹ thuật. Loại máy bay nào Việt Nam cũng xài được hết. Đến giờ này, máy bay Vietnam Airlines toàn loại tốt. Từ Boeing 787 đến Air Bus 350 cũng vào loại tốt nhất…
Nói chung, đội bay của Vietnam Airlines cũng cực kỳ tốt. Nếu so sánh với trước đây thì là một trời một. Lúc mới giải phóng, ta chỉ có mấy máy bay “bà già”, sau này thêm mấy cái TU. So với máy bay bây giờ làm gì bằng. Ngày xưa,nhìn thấy chiếc Boeing 747 của Pháp bay qua trong khi mình bay TU, chỉ mơ ước một ngày được bay Boeing, giờ ước mơ đó đã thành hiện thực.
Người Việt thông minh, một khi lãnh đạo biết cách thì họ sẽ làm được nhiều thứ. Mà Vietnam Airlines là một điển hình dám làm.
Dịch Covid-19 làm nhiều ngành chịu ảnh hưởng, trong đó hàng không gặp nhiều khó khăn, theo ông có cách nào giải quyết vấn đề này?
– Vietnam Airlines là công ty nhà nước, cái gì cũng bao cấp, muốn gì phải hỏi ý kiến nhà nước, không tự quyết được. Xử lý thế nào cho hài hòa là nghệ thuật của lãnh đạo.
Về tổng doanh thu, Vietnam Airlines có phải năm nào cũng lỗ đâu. Như năm rồi lời khá nhiều. Có lúc cũng lỗ, đó là do thị trường. Còn trong đại dịch này, chấp nhận chịu lỗ, nhưng cái chính là nhà nước phải lo.
Mình chịu tổn thấtnhưng nhìn ra các nước thì không bằng người ta đâu. Nhìn sang Singapore, họ đóng đến 98% chuyến. VN còn bay trong nước. Singapore chỉ bay nước ngoài, mà nước ngoài cấm thì chịu chết. Vietnam Airlines có ngắc ngoải nhưng không chết được.
Vì sao đến tận thời điểm này ông vẫn không viết sách?
– Ai cũng hỏi tôi như thế. Đến lúc cũng phải viết. Tôi viết để lại cho con chứ không xuất bản. Tôi nói, khi nào ba chết, con hãy in. Vì khi tôi nói ra sẽ đụng chạm này nọ.
Trải qua nhiều phút cận kề cái chết, đến lúc này, ông nhận ra điều gì ý nghĩa nhất trong đời mình?
– Trên đời không có cái gì nhất, không có cái gì bét cả. Có khi hôm nay nhất, mai đã bét rồi. Tôi nghĩ, cái mà mình phải giữ cho được là sống thật với lòng mình. Lòng dạ con người khó hiểu lắm. Sống cho thật lòng, ngay thẳng và cũng xác định, đến tuổi này bớt dằn vặt, băn khoăn.
Nói cho cùng, có lúc, tôi không muốn để lại bất cứ thứ gì có dấu tích Nguyễn Thành Trung cả. Tôi ghét nhất đeo huân chương huy hiệu lên đầy người rồi nói láo.
Xin cảm ơn ông.
Theo Dân Việt