Vào dịp Tết Canh Ngọ 1930, cách đây tròn 88 năm, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Người sáng lập Đảng là nhà yêu nước và cách mạng vĩ đại Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh, là Bác Hồ của nhân dân ta.
Đảng ta ra đời vào mùa xuân-mùa xuân của đất nước và dân tộc. Thế là từ bấy đến nay, nhất là từ khi nước nhà độc lập, thống nhất, cứ mỗi lần Tết đến, Xuân sang, nhân dân ta lại một lần mừng năm mới, mừng xuân, mừng Đảng, mừng đất nước, mừng dân tộc. Những cái mừng ấy hòa quyện với nhau làm một, tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn để Tổ quốc đi lên.
Bác Hồ, lãnh tụ kính yêu của Đảng và của dân tộc ta, là hiện thân sáng ngời của cách mạng và kháng chiến, của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Từ sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời cho đến khi Bác về cõi vĩnh hằng, Người đã có 24 năm cùng toàn dân và toàn quân đón Tết, vui Xuân. Năm nào Bác cũng có thư hoặc thơ chúc Tết.
Nếu có ai hỏi trong 24 cái Tết ấy, Tết nào là Tết đặc sắc nhất của Bác, câu trả lời sẽ là: Không! Không thể nói Tết nào là đặc sắc nhất, bởi mỗi cái Tết của Bác đều có nét đặc sắc riêng, không thể nào đo đếm đơn thuần được. Nhưng nếu lựa chọn bất kỳ, thì mùa xuân này, tôi xin lấy Tết Mậu Tý 1948 làm ví dụ. Mậu Tý 1948 cách Mậu Tuất 2018 vừa tròn 70 năm.
Mậu Tuất 2018 là năm thứ ba thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, cũng là năm thứ ba của giai đoạn phấn đấu nước rút, nhằm sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Còn Mậu Tý 1948 cũng là năm thứ ba của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, kể từ khi Toàn quốc kháng chiến bùng nổ; là năm mở đầu cho giai đoạn cầm cự để tiến lên chuẩn bị tổng phản công trong giai đoạn tiếp theo.
Năm ấy, quân và dân ta vừa trải qua một cuộc thử lửa, đập tan cuộc tiến công chiến lược Thu-Đông của kẻ thù hòng tiêu diệt lực lượng kháng chiến ngay tại căn cứ địa Việt Bắc. Năm ấy, trong âm vang còn sôi nóng của chiến thắng, Bác Hồ đã gửi “Thư chúc Tết” đến đồng bào và chiến sĩ cả nước:
Năm Hợi đã đi qua
Năm Tý vừa bước tới
Gửi lời chúc đồng bào
Kháng chiến được thắng lợi…
Ngày 7-2-1948 (tức 28 tháng Chạp năm Đinh Hợi), Bác mời đại biểu Ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Chính phủ, Thường vụ Trung ương Đảng, Bộ Tổng chỉ huy… đến dự bữa cơm liên hoan Tất niên và đón mừng năm mới. Bàn chuyện kháng chiến, Người nói: “Trường kỳ kháng chiến thì phải trường kỳ động viên. Động viên tinh thần, động viên vật chất, động viên sức người, sức của để thực hiện toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, làm cho thế và lực của ta mau chuyển biến”.
Ngày 24-2-1948 (tức Rằm tháng Giêng năm Mậu Tý), Bác viết thư khen toàn thể bộ đội Khu 2 và Khu 3 về thành tích xóa xong nạn mù chữ. Trong thư, Người nêu rõ: “Dốt nát cũng là kẻ địch. Địch dốt nát giúp cho địch ngoại xâm… Địch thực dân dựa vào địch dốt nát để thi hành chiến lược ngu dân. Địch dốt nát dựa vào địch thực dân để đưa dân ta vào nơi mù quáng”. Người còn dặn: “Sự học hỏi là vô cùng… Một quân đội văn hay võ giỏi, là một quân đội vô địch”.
Đêm đến, sau khi dự một hội nghị ở chốn “yên ba thâm xứ”, Người xuôi thuyền về căn cứ. Nhân trăng sáng, cảnh đẹp, Người làm bài thơ chữ Hán với đầu đề “Nguyên tiêu”; dịch là:
Rằm tháng Giêng
Rằm xuân lồng lộng trăng soi,
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân.
Giữa dòng bàn bạc việc quân,
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.
(Bản dịch của Xuân Thủy)
Bàn việc quân mà lời thơ thật tao nhã, thật cao sâu!
Trước và sau Tết Mậu Tý 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những quyết sách lớn để đẩy mạnh kháng chiến. Người chủ tọa Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (mở rộng) để đánh giá những chuyển biến trong so sánh lực lượng địch-ta và đề ra những nhiệm vụ chính trị, quân sự, kinh tế. Người chủ trì nhiều cuộc họp của Hội đồng Chính phủ và Hội đồng Liên bộ bàn các vấn đề tổ chức và nhân sự, phong quân hàm, phát triển phong trào thi đua.
Người đã ký hàng loạt sắc lệnh phong quân hàm cho nhiều tướng lĩnh có võ công xuất sắc, hợp nhất các khu thành liên khu, bổ nhiệm chức danh lãnh đạo các ủy ban kháng chiến hành chính các miền, các khu, các bộ và các ngành Trung ương, đánh dấu bước cải tổ quan trọng bộ máy quân đội và chính quyền các cấp.
Theo Sắc lệnh số 110/SL ngày 20-1-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh phong quân hàm Đại tướng cho Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và Dân quân tự vệ Võ Nguyên Giáp. Các sắc lệnh khác phong quân hàm Trung tướng cho Khu trưởng Chiến khu 7 kiêm Ủy viên quân sự Nam Bộ Nguyễn Bình; phong quân hàm Thiếu tướng cho: Tổng Tham mưu trưởng quân đội Hoàng Văn Thái, Khu trưởng Chiến khu 4 Nguyễn Sơn, Khu trưởng Chiến khu 2 Hoàng Sâm, Khu trưởng Chiến khu 1 Chu Văn Tấn, Trưởng phòng Kiểm tra cán bộ Trần Tử Bình, Cục trưởng Cục Chính trị Văn Tiến Dũng, Chính ủy Chiến khu 2 Lê Hiến Mai, Cục trưởng Cục Quân giới Trần Đại Nghĩa.
Về chính quyền, Người ký sắc lệnh công nhận các ông: Lê Đình Thám làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến kiêm Hành chính Nam Trung Bộ; Hồ Tùng Mậu làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến kiêm Hành chính Liên khu 4…
Gửi thư tới Hội nghị Tình báo toàn quốc, Người biểu dương những cố gắng, sáng kiến của các cán bộ và nhắc nhở: “Từ trên xuống dưới, mọi người phải cố gắng nghiên cứu, học tập. Ta chớ giấu dốt, chớ xấu hổ, học hỏi lẫn nhau, học hỏi người ngoài. Tổ chức của ta còn trẻ, kinh nghiệm còn ít. Ta chỉ có một cách để theo kịp và đi quá người: Là ra sức học hỏi”.
Gửi thư cho Giám đốc Sở Công an Khu 12, Người nêu lên 6 điều về “tư cách của người công an cách mệnh”, mà cho đến tận ngày nay, ngành công an vẫn liên tiếp phát động các phong trào học tập.
Gửi thư tới Hội nghị Tư pháp toàn quốc, Người căn dặn: Với tư cách là người thi hành pháp luật, “phải nêu cao cái gương “phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” (phụng công, thủ pháp là chăm lo việc công, giữ gìn pháp luật).
Bác Hồ luôn nhắc nhở cán bộ lãnh đạo phải biết trọng dụng nhân tài, tôn trọng và học hỏi nhân dân, lắng nghe ý kiến nhân sĩ, trí thức. Bác tặng tướng Nguyễn Sơn, vị tướng giàu tài năng và cá tính, bức thiếp thư bằng chữ Hán, đại ý là:
Tặng chú Sơn:
Cái gan cần phải to lớn
(nhưng) Cái tâm thì nên tế nhị, chín chắn.
Cái trí phải suy nghĩ cho toàn diện
(và) Đức hạnh phải vuông vắn, ngay thẳng.
Xuân Mậu Tý 1948 cũng như mọi mùa xuân khác, trước đó cũng như sau này, Bác Hồ luôn hết lòng chăm lo cho đất nước, cho dân tộc, cho Đảng, cho công việc và cho mỗi con người.
Xuân Mậu Tuất 2018 năm nay, cũng như bao mùa xuân khác từ khi Người về cõi vĩnh hằng, chúng ta vẫn thấy như luôn có Bác bên mình. Mong xuân này sẽ khởi đầu một năm mới đầy khởi sắc. Công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng bộ máy lãnh đạo và quản lý tinh gọn, hiệu quả sẽ gặt hái thêm nhiều kết quả mới; việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tiếp tục được đẩy mạnh, để vườn xuân đất nước ngày càng nảy lộc, đơm hoa, kết trái.
Xuân Mậu Tuất 2018
HÀ ĐĂNG/Báo QĐND