Báo Australia: Uy tín quốc tế của Việt Nam ở mức cao kỷ lục

share on:

Tờ Asia Pacific News của Australia đã có bài viết đánh giá cao uy tín quốc tế của Việt Nam, nhất là trong các hoạt động của Liên hợp quốc.

Tờ Asia Pacific News của Australia ngày 15/9/2020 đã đăng bài viết đánh giá cao uy tín quốc tế của Việt Nam, trong đó ghi nhận đóng góp tích cực của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu, chương trình của Liên hợp quốc kể từ khi Việt Nam trở thành thành viên của tổ chức này vào năm 1977.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, chuyên gia Australia Carlyle Thayer mới đây nêu bật những thành tựu đáng kể của Việt Nam trong 75 năm qua, đặc biệt là các mốc son ngoại giao và quân sự. Theo nhiều chuyên gia và quan chức nước ngoài, uy tín quốc tế của Việt Nam hiện nay đang ở mức cao nhất từ trước tới nay.

ĐỐI TÁC MẠNH MẼ CỦA LHQ

Gửi lời chúc mừng nồng nhiệt nhất tới Chính phủ và nhân dân Việt Nam nhân kỷ niệm 75 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9), Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres biểu dương Việt Nam luôn là đối tác mạnh mẽ từ khi gia nhập tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh vào năm 1977.

Ông Guterres ghi nhận, lực lượng quân đội Việt Nam đã và đang tham gia các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của LHQ, và vai trò đầu tàu của Việt Nam trong việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ là nền tảng vững chắc giúp Việt Nam thực hiện Chương trình Phát triển Bền vững 2030. Ông nhấn mạnh: Tầm nhìn và khát vọng về các Mục tiêu Phát triển Bền vững sẽ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết khi thế giới phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Theo vị lãnh đạo cao nhất của LHQ, Việt Nam đã và đang có những đóng góp to lớn trong việc hỗ trợ hòa bình bền vững trên cương vị ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (UNSC). Ông Guterres cho biết, năm 2020, Việt Nam là Chủ tịch ASEAN và là ủy viên không thường trực của UNSC, thể hiện sự hiện diện mạnh mẽ của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thay mặt Chính phủ Mỹ, Ngoại trưởng Mike Pompeo ngày 1/9/2020 gửi lời chào mừng tới người dân Việt Nam. “Chúng tôi chúc mừng thành công của Việt Nam khi giữ cương vị Chủ tịch ASEAN trong một năm đầy thách thức như năm nay và trân trọng sự phối hợp chặt chẽ của Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19”, nhà ngoại giao số một của Mỹ nêu rõ, đồng thời lưu ý rằng hai nước đang cùng nhau nỗ lực xây dựng khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hòa bình và thịnh vượng.

Theo ông Pompeo, sự chuyển biến đáng kể trong mối quan hệ Việt Nam – Mỹ trên khắp các lĩnh vực thương mại, đầu tư, hợp tác an ninh, giao lưu nhân dân… là minh chứng đối với những người nỗ lực vượt qua quá khứ và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho nhân dân hai nước.

Giáo sư Carlyle Thayer (Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Australia), có cùng quan điểm. “Uy tín quốc tế của Việt Nam ngày nay ở mức cao nhất mọi thời đại. Điều này được chứng minh qua việc Việt Nam được các nước châu Á tại LHQ nhất trí lựa chọn làm ứng viên ủy viên không thường trực UNSC và Việt Nam nhận được 192 phiếu trong tổng số 193 phiếu bầu trong cuộc bầu cử do Đại hội đồng LHQ tổ chức. Ngoài ra, Việt Nam đang giữ chức Chủ tịch ASEAN lần thứ ba và nhiệm kỳ này trùng với năm đầu tiên trong nhiệm kỳ hai năm tại UNSC”, ông Thayer nêu rõ.

Theo vị học giả Australia, với vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã chủ động thực hiện vai trò lãnh đạo ASEAN ứng phó với đại dịch Covid-19. Việt Nam đã thành công trong việc đảm bảo sự đồng thuận về phản ứng của khu vực đối với coronavirus và trong việc khởi động các cuộc thảo luận sơ bộ về việc khôi phục sau Covid-19.

6 MỐC SON NGOẠI GIAO, 3 DẤU ẤN QUỐC PHÒNG

Trong những năm 1990, Việt Nam đã đặt ra cho mình mục tiêu “đa dạng hóa và đa phương hóa” quan hệ đối ngoại và chủ động hội nhập kinh tế thế giới. Theo hệ quy chiếu này, Việt Nam đã đạt được sáu cột mốc quan trọng về ngoại giao.

Đầu tiên, Việt Nam trở thành thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 11/1998.
Thứ hai, Việt Nam trở thành thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào tháng 11/2006.

Thứ ba, Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực UNSC lần đầu tiên, nhiệm kỳ 2008-2009.

Thứ tư, vào tháng 2/2019, Hà Nội được chọn là nơi tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un.

Thứ năm, Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực UNSC lần thứ hai, nhiệm kỳ 2020-2021.

Thứ sáu, Việt Nam với tư cách Chủ tịch ASEAN 2020 đã ứng phó đại dịch toàn cầu Covid-19 bằng cách thể hiện vai trò lãnh đạo quyết đoán trong việc định hướng lại ASEAN để chống lại mối đe dọa này đối với sức khỏe cộng đồng ở Đông Nam Á.

Ông Thayer cũng nhận định, Việt Nam đã đạt được ba dấu ấn quan trọng trong lĩnh vực quốc phòng bằng cách hiện đại hóa lực lượng vũ trang và đóng góp vào an ninh toàn cầu.

Đầu tiên, sau một thập kỷ, vào năm 2006, Việt Nam quyết định hiện đại hóa lực lượng hải quân và không quân. Trong giai đoạn này, Việt Nam đã mua các tàu hộ tống lớp Gepard, tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Molniya, 6 tàu ngầm diesel lớp Varshavyanka và máy bay phản lực Sukhoi Su-27 và Su-30.

Dấu ấn thứ hai đạt được vào năm 2008 khi Cảnh sát biển Việt Nam được nâng cấp thành lực lượng vũ trang và đổi tên tiếng Anh từ Vietnam Marine Police sang Vietnam Coast Guard với trách nhiệm thực thi pháp luật hàng hải, tìm kiếm cứu nạn và bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông.

Dấu ấn thứ ba đạt được vào năm 2018 khi Việt Nam gia tăng mạnh mẽ cam kết đối với hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ bằng việc triển khai lực lượng quân y tới bệnh viện dã chiến cấp 2 ở Nam Sudan.

Theo: baoquocte.vn

Facebook Comments