Nhắc đến cuộc chiến đấu tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 không phải để khoét sâu hận thù mà để nhắc lại một sự thật lịch sử.
Sáng nay, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học quốc gia Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc 40 năm nhìn lại (1979 – 2019).
Viết tiếp trang sử hào hùng chống ngoại xâm
Phát biểu khai mạc, GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh, trong lịch sử dân tộc, cha ông ta luôn giữ gìn vùng biên cương của Tổ quốc, chuẩn bị mọi nhân tài, vật lực để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.
“Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc từ tháng 2/1979 đến tháng 9/1989 là một sự kiện không thể nào quên của mọi người dân Việt Nam”, ông Thuấn khẳng định.
Ông nhắc lại lịch sử, ngày 17/2/1979, Trung Quốc đã nổ súng tấn công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc từ Phong Thổ (Lai Châu) đến Móng Cái (Quảng Ninh), với chiều dài hơn 1.400km.
Nhân dân Việt Nam, trước hết là quân và dân 6 tỉnh biên giới phía Bắc đã kiên cường anh dũng đánh trả để bảo vệ từng tầng đất của Tổ quốc và giành nhiều thắng lợi. Quân đội Trung Quốc đã phải chịu những tổn thất nặng nề. Đến ngày 18/3/1979, quân đội Trung Quốc cơ bản rút khỏi biên giới.
“Với thắng lợi này, quân và dân Việt Nam đã viết tiếp trang sử hào hùng chống ngoại xâm của dân tộc, bảo vệ bờ cõi, nền hòa bình, độc lập dân tộc của đất nước”, GS.TS Nguyễn Quang Thuấn nhấn mạnh.
GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Báo cáo đề dẫn hội thảo, PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cũng nhấn mạnh, quân dân Việt Nam đã kiên cường chiến đấu bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc, loại khỏi vòng chiến đấu 62.600 quân địch. Việt Nam còn tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 3 trung đoàn, 18 tiểu đoàn, bắn cháy và phá hủy 550 xe quân sự trong đó có 280 xe tăng, xe bọc thép, phá hỏng 115 khẩu pháo và súng cối hạng nặng, thu nhiều vũ khí, bắt sống nhiều sỹ quan và binh lính địch.
Theo ông Cường, cuộc tấn công Việt Nam của Trung Quốc thoạt đầu đẩy Việt Nam vào thế “lưỡng đầu thọ địch” và phải trải qua một thử thách vô cùng khó khăn do bị bao vây cấm vận của Mỹ và các nước phương Tây, có thể so sánh với thế “ngàn cân treo sợi tóc” của đất nước khi mới giành được độc lập năm 1945 – 1946.
Sự nghiệp chính nghĩa của Việt Nam
Cuộc tiến công Việt Nam của quân đội Trung Quốc cũng làm cho thế giới sửng sốt. Từ chỗ là đồng minh trong “chiến tranh lạnh”, nhà cầm quyền Trung Quốc đã coi Việt Nam là kẻ thù.
“Những người bình thường trên thế giới không ai nghĩ rằng một dân tộc vừa phải trải qua 30 năm chiến tranh với thương tích đầy mình và có biết bao nhiêu công việc phải làm để xây dựng lại đất nước lại đi khiêu khích rồi xâm lược một nước khác là nước lớn hơn, thậm chí là nước đã từng là đồng minh trong 2 cuộc kháng chiến trước đó, như một số người Trung Quốc cho đến nay vẫn nói rằng cuộc chiến tranh chống Việt Nam của họ chỉ là một ‘cuộc phản công tự vệ’, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nhấn mạnh.
PGS.TS Trần Đức Cường khẳng định, cuộc tiến công Việt Nam của Trung Quốc đã bị nhân dân thế giới phản đối. Chính phủ nhiều nước tổ chức biểu tình, ra tuyên bố, tổ chức hội thảo, lấy chữ ký phản đối hành động tấn công của Trung Quốc với khẩu hiệu “Không được đụng đến Việt Nam” đòi nhà cầm quyền Trung Quốc rút ngay quân đội ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
“40 năm đã trôi qua, thế giới đã có nhiều biến đổi. Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốcđã bình thường hóa và đang trong quá trình phát triển trên các lĩnh vực. Hội thảo khoa học quốc gia này, với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, nhà hoạt động chính trị, xã hội trong cả nước không phải để khoét sâu mốt hận thù mà để nhắc lại một sự thật lịch sử, khẳng định sự nghiệp chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc”, ông Cường nhấn mạnh.
PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam
Ngoài ra, cuộc hội thảo nhằm tôn vinh những đồng bào, chiến sĩ từng chiến đấu, hy sinh bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc và lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân ta, đặc biệt là của tuổi trẻ đối với các thế hệ cha anh đã không tiếc tuổi xuân và xương máu để bảo vệ nền độc lập, tự do, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Qua đó, rút ra những bài học lịch sử cho cả thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau, luôn phải tăng cường đoàn kết, xây dựng đất nước giàu mạnh đủ sức đối phó với mọi tình huống trong một thế giới tiềm ẩn nhiều nguy cơ, bất trắc ngày nay.
“Xin nhắc lại lời của J.Fucik, nhà văn Tiệp Khắc viết năm 1943 trong tác phẩm Viết dưới giá treo cổ: “Hỡi những con người mà ta hằng yêu thương, hãy cảnh giác”. Cảnh giác với mọi mưu toan nhằm phá hoại cuộc sống yên bình của nhân dân, cản trở sự phát triển của Tổ quốc muôn vàn yêu quý của chúng ta”, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam lưu ý.
Ông nhắc lại, chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc, gác lại quá khứ đau thương, xây dựng quan hệ hữu nghị, hợp tác, bình đẳng và cùng có lợi giữa hai nước trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.
Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nêu rõ nỗ lực của Đảng và Nhà nước cùng nguyện vọng của nhân dân trong việc gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định trên Biển Đông, trong khu vực và trên thế giới; Biểu dương và cổ vũ những việc làm góp phần gìn giữ và tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc.
Đồng thời, phê phán những biểu hiện sai trái, thù địch, xuyên tạc, vu cáo, lợi dụng sự kiện biên giới phía Bắc để kích động, chống phá Đảng và Nhà nước, chia rẽ quan hệ hữu nghị Việt Nam Trung Quốc.