Bộ trưởng Công an: ‘Nhiều tội phạm hình sự được thuê biểu tình gây rối’

share on:

Thượng tướng Tô Lâm nói “lực lượng chức năng phát hiện nhiều trường hợp được thuê từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng mỗi lần tham gia biểu tình”.

Chiều 13/8, trong lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội , Bộ trưởng Công an, Thượng tướng Tô Lâm đã nhận được nhiều câu hỏi “nóng” liên quan đến sai phạm trong nội bộ ngành; việc nhiều người dân đập phá trụ sở cơ quan chức năng ở một số địa phương vừa qua…

Ông Đinh Duy Vượt – Phó trưởng Đoàn đại biểu tỉnh Gia Lai nói, vừa qua, “nhiều trường hợp lợi dụng các sự kiện như Formosa, dự án Luật đặc khu, dự án Luật An ninh mạng… kích động người dân đập phá trụ sở cơ quan công quyền ở một số địa phương, gây ảnh hưởng an ninh xã hội, hình ảnh quốc gia, khiến nhân dân bất bình, bức xúc”.

“Xin Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và giải pháp để không xảy ra tình trạng tương tự?”, ông Vượt nêu câu hỏi.

Giải đáp nội dung trên, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay, trong quá trình xử lý các vụ việc tụ tập biểu tình gây rối ở địa phương, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều trường hợp nghiện ma tuý, nhiễm HIV được thuê từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng mỗi lần tham gia biểu tình. “Các đối tượng này có hành vi rất manh động, liều lĩnh, cốt gây rối, phá hoại”, ông cho biết.

Theo lãnh đạo ngành Công an, “ngoài âm mưu của các thế lực thù địch, phản động lưu vong, tâm lý của người dân khi một số kiến nghị chưa được giải quyết thì có một số đáng kể tội phạm hình sự tham gia vào các hoạt động trên nên đã dẫn đến hình ảnh không tốt”.

Thời gian tới, ngành Công an sẽ tập trung nhiều giải pháp để ngăn chặn biểu tình trái pháp luật. “Tiếp tục nắm tình hình, làm thất bại âm mưu diễn biến hoà bình, có các phương án phòng chống biểu tình, bạo loạn, khủng bố theo phương châm 4 tại chỗ; bảo đảm an toàn cho các khu công nghiệp trọng điểm”, Thượng tướng Tô Lâm nói.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng sẽ tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu đúng chủ trương, pháp luật của Đảng và Nhà nước; tiếp tục truy quét các đối tượng hình sự không để tham gia vào hoạt động biểu tình, gây rối…

Trước đó ngày 10 và 11/6, lấy cớ phản đối dự thảo Luật Đặc khu,, nhiều người đã tràn vào trụ sở UBND Bình Thuận và Sở Kế hoạch – Đầu tư đập phá, đốt nhiều xe máy, ôtô. Tại thị trấn Phan Rí Cửa, những người quá khích đã chặn xe trên Quốc lộ 1, đốt hàng loạt ôtô ở trong trụ sở PCCC. Sự việc khiến hàng chục cảnh sát bị thương.

Ngoài Bình Thuận, các địa phương lân cận như TP HCM, Đồng Nai, Long An… cũng xảy ra tình trạng tương tự. Nhiều người đã bị khởi tố về các hành vi Gây rối trật tự công cộng, Hủy hoại tài sản và Chống người thi hành công vụ.

Bộ trưởng Công an: 'Nhiều tội phạm hình sự được thuê biểu tình gây rối'

Bộ trưởng Công an trả lời chất vấn về việc biểu tình gây rối trái pháp luật.

Không để lặp lại vụ tương tự Vũ “Nhôm”

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng – Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội nêu vấn đề, nhiều cử tri bức xúc trước việc một số vụ án liên quan tới vi phạm pháp luật của các sĩ quan, tướng lĩnh công an, trong đó vụ án Phan Văn Anh Vũ (Vũ ‘”Nhôm”).

“Sau vụ Vũ Nhôm, Bộ Công an đã kiểm tra, rà soát xem còn vụ nào tương tự hay không và Bộ có giải pháp như thế nào để tránh lặp lại trong thời gian tới”, ông Nhưỡng chất vấn.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Tô Lâm nói vụ Vũ “Nhôm” liên quan tới năm vụ án và vừa qua các cơ quan tố tụng đã đưa ra xét xử vụ thứ nhất liên quan tới vi phạm bí mật nhà nước.

“Vụ lộ bí mật nhà nước đã đưa ra xét xử, liên quan đến hai tướng và một số người nguyên lãnh đạo Bộ Công an đều được xử lý. Đây là bài học rất lớn trong công tác tổ chức cán bộ, xử lý nghiệp vụ, lợi dụng hình thành tổ chức bình phong tạo điều kiện thuận lợi cho vi phạm pháp luật”, ông Tô Lâm nói

Thượng tướng Tô Lâm khẳng định: “Chúng tôi đã rà soát, chấn chỉnh và chắc chắn sẽ không còn tình trạng lợi dụng để có hoạt động tội phạm như vậy; không để xảy ra vụ việc tương tự Vũ Nhôm”.

Cũng liên quan đến sai phạm của một số cán bộ cấp cao ngành Công an, đại biểu Quách Thế Tản nêu vấn đề liên quan đến đường dây đánh bạc nghìn tỷ xuyên quốc gia vừa bị triệt phá.

Thượng tướng Tô Lâm cho hay, Bộ Công an đã tập trung đấu tranh với vụ án đánh bạc nêu trên trong thời gian dài, trong đó Công an Phú Thọ phát hiện ra các “mảng” của vụ án và Bộ quyết định giao cơ quan chức năng tỉnh này tập trung điều tra ở giai đoạn phá án.

“Đây là vụ án có liên quan đến nội bộ, cũng là bài học xương máu của chúng tôi. Nguyên nhân nằm ở chỗ cán bộ không chịu rèn luyện thường xuyên, bị cám dỗ của đồng tiền”, ông Tô Lâm nói và thông tin thêm, các cán bộ đó đã lợi dụng phương tiện kỹ thuật để phạm tội, có sự bảo kê, vì họ biết trong ngành ít lực lượng phát hiện ra được loại tội phạm tinh vi như vậy.

Theo ông, Bộ Công an đã xử lý nghiêm minh các vi phạm và có biện pháp chấn chỉnh không để loại tội phạm như trên tái diễn.

“Sau vụ án đó, chúng tôi tiếp tục phá một số vụ án khác về tội phạm mạng nhưng không có sự liên quan đến lực lượng công an. Cụ thể, gần đây cơ quan chức năng cũng đã đấu tranh triệt phá các vụ án với số tiền lên đến hàng nghìn tỉ đồng, nhất là trong mùa World Cup vừa qua. Tuy nhiên lực lượng Công an không liên quan đến các vụ đó như vụ án đánh bạc ở Phú Thọ”, Thượng tướng Tô Lâm khẳng định.

Trước đó ngày 18/7, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát cùng cấp để đề nghị truy tố 92 bị can tham gia đường dây đánh bạc trực tuyến có quy mô lớn nhất Việt Nam. Trong số này, ông Phan Văn Vĩnh (cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) và Nguyễn Thanh Hóa (cựu cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, C50 Bộ Công an) bị đề nghị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo khoản 2 điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015.

“Không giới hạn điều tra gian lận thi cử” 

Trả lời chất vấn liên quan đến tiêu cực trong thi THPT quốc gia, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho hay thời gian điều tra sẽ được thực hiện đúng quy định, bảo đảm nêu được các vi phạm và đối tượng vi phạm; không vì áp lực vào năm học mới mà kết thúc sớm điều tra.

Về phạm vi điều tra, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, nếu phát hiện ra các trường hợp ở địa phương khác vi phạm thì sẽ mở rộng chứ không chỉ ở các địa phương vừa qua.

“Chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục kiểm tra, đánh giá lại kết quả trong các năm trước, nếu phát hiện ra dấu hiệu vi phạm thì sẽ điều tra. Tóm lại là không có gì giới hạn trong việc xử lý các hành vi gian lận thi cử, không bỏ lọt đối tượng nào liên quan đến vi phạm này”, ông Tô Lâm nói.

Năm 2018, cả nước có hơn 900.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Sau khi Bộ Giáo dục công bố điểm thi, dư luận bất ngờ khi Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình có số thí sinh đạt điểm giỏi tăng đột biến, trong khi đều là vùng trũng giáo dục. Tại Lạng Sơn, nhóm thí sinh tự do là cảnh sát cơ động có nhiều điểm khá giỏi.

Bộ Giáo dục sau đó thành lập 4 tổ công tới 4 địa phương xác minh dấu hiệu bất thường. Kết quả Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đều có dấu hiệu gian lận, công an đã khởi tố vụ án hình sự, bắt giam một số cán bộ.

Bảo Hà – Viết Tuân/VNE

Facebook Comments