Mở đầu ngày chất vấn cuối cùng, sáng nay, 1-11, Thượng tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã trả lời chất vấn câu hỏi của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về thông tin sai lệnh trên mạng.
Đây là câu hỏi mà ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đã gửi tới Bộ trưởng từ chiều qua, 30-10. “Tình trạng trên mạng bấy lâu nay xúc phạm các cá nhân rất nặng nề. Tôi nghĩ rằng chuyện nhận xét rồi bình luận thì thoải mái nhưng xúc phạm đến nhân phẩm của các cá nhân trong đó nhất là các thành viên Chính phủ và Bộ trưởng, tôi thấy rất đáng phải xử lý. Thực tế, Quốc hội cũng không phải là ngoại lệ” – đại biểu nêu quan điểm.
Ông viện dẫn một câu được viết trên mạng là “Đại diện cho dân đi ngược lòng dân”, đồng thời đề nghị Bộ Công an sẽ có trả lời để làm sao xử lý trường hợp này.
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, vấn đề này Bộ Công an đã phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan chức năng xử lý một số đối tượng, vụ việc nhưng chưa ngăn chặn được, do còn một số khó khăn.
“Trước hết là tính nặc danh của thông tin trên mạng, và thậm chí vi phạm đó không chỉ xảy ra ở trong nước mà xuyên quốc gia, quốc tế. Bên cạnh đó, một số quy định pháp luật xử lý vấn đề này chưa hoàn thiện, ví dụ mỗi khi xử lý những thông tin vu khống, xuyên tạc thì cần có chứng cứ số, phải được cơ quan chức năng giám định” – Bộ trưởng lý giải.
Người đứng đầu Bộ Công an nêu ra một số giải pháp: Một là tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để đấu tranh, xử lý với những hành vi nêu trên, xúc phạm danh dự người khác, làm nhục, vu khống trên không gian mạng.
“Vấn đề này Luật An ninh mạng đã thông qua, chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng các văn bản thi hành Luật An ninh mạng và có các quy định pháp luật để xử lý hành vi vu khống trên không gian mạng”, Bộ trưởng nói.
Thứ hai là phối hợp với các bộ, ban, ngành triển khai tuyên truyền phản bác các hoạt động chống đối, bôi nhọ, xuyên tạc của các đối tượng trên không gian mạng.
“Thực hiện công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực an ninh thông tin, đảm bảo an ninh mạng; phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet ngăn chặn truy cập từ trong nước đối với gần 3.000 trang mạng có nội dung xấu; thanh tra xử lý các vi phạm pháp luật trong ngăn chặn cung cấp thông tin xuyên tạc, sai sự thật; yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ nước ngoài hợp tác thực hiện yêu cầu xử lý thông tin vi phạm pháp luật từ Việt Nam” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Giải pháp nữa theo Bộ trưởng là tiếp tục thu thập, củng cố tài liệu, chứng cứ các đối tượng hoạt động tuyên truyền chống Nhà nước, bôi nhọ, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự trên không gian mạng; đấu tranh xử lý kịp thời.