Bỗng dưng trở thành tội phạm quốc tế vì bị đánh cắp thông tin cá nhân

share on:
Mới đây vụ nữ du khách Việt bất ngờ nhận tội danh buôn bán và tàng trữ ma túy tại Bỉ khi đi du lịch châu Âu đang nhận được sự quan tâm từ dư luận. Nhiều nghi vấn đặt ra, cho rằng cô gái này có thể đã bị đánh cắp thông tin cá nhân nên mới xảy ra sự việc như vậy.

Nữ du khách Việt cầu cứu ở Paris

Theo trang VnExpress, Phạm Thị Tuyết Mai, 34 tuổi, cho hay cô đang rất hoang mang bởi chưa biết bao giờ mới có thể trở về Việt Nam trong khi hộ chiếu bị tịch thu và tài chính sắp cạn kiệt. Đang làm quản lý về thương hiệu cho một công ty nội thất cao cấp, cô cho rằng mình là nạn nhân của một vụ đánh cắp danh tính và thông tin cá nhân với mục đích phạm pháp mà bản thân không thể nào ngờ tới.

Sân bay Charles de Gaulle của Pháp, nơi Tuyết Mai bị bắt giữ

Theo Mai, sự cố bắt đầu từ hôm 18-12-2018, khi cô cùng bạn trai là Daniel bay sang châu Âu vừa du lịch vừa thăm quê hương anh ở Malta nhân dịp Giáng sinh. Sau gần 13 tiếng bay từ Hà Nội, họ đáp xuống sân bay Charles de Gaulle ở Paris để chờ nối chuyến đến Malta nhưng đến cửa kiểm tra hộ chiếu dành cho hành khách châu Á thì Mai được thông báo rằng giấy tờ của cô “có vấn đề” và được thông báo chung chung rằng cô “có lệnh truy nã ở Bỉ từ năm 2014” với tội danh buôn bán và tàng trữ ma túy.

Mai kể cô bị cảnh sát sân bay bắt giữ, khám người, khám đồ và tịch thu hết tư trang cá nhân khiến cô rất sốc vì không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Cô cố giải thích và hỏi lý do bằng tiếng Anh nhưng bất lực bởi họ chỉ trao đổi bằng tiếng Pháp.

Nữ du khách Việt Phạm Thị Tuyết Mai

Trong thời gian Mai bị giam giữ, cô đã phải nhiều lần ra trước tòa điều trần. Luật sư bào chữa cho rằng bản án mà Bỉ kết tội Mai có quá nhiều điểm bất hợp lý và đây có thể là trường hợp bị ăn cắp thông tin để phạm pháp. Thẩm phán sau đó đồng ý cho Mai được tại ngoại nhưng phải báo cáo địa chỉ lưu trú tại Paris, giao nộp hộ chiếu, cấm cô xuất cảnh khỏi Pháp và chờ ngày hầu tòa tiếp theo.

Câu chuyện của Phạm Thị Tuyết Mai một lần nữa cho thấy sự nguy hiểm của việc rò rỉ thông tin cá nhân mà bất kỳ ai cũng có thể sẽ trở thành nạn nhân của vấn đề này. Nguy cơ bị đánh cắp thông tin có thể đến từ nhiều nơi khác nhau:

Nguy cơ mất thông tin từ chính nhà mạng

Như báo ANTĐ từng đưa tin, một nhóm hacker có tên DIE Group (được xác định là ở Việt Nam) đã tấn công vào website của một đơn vị thành viên của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và tiết lộ thông tin tài khoản cá nhân của hàng chục nghìn khách hàng trên trang Facebook của nhóm này đã khiến cho không ít người phải giật mình.

Sự lo lắng ấy không phải là không có cơ sở bởi biết đâu trong số hàng chục nghìn khách hàng bị lộ thông tin kia ai dám chắc rằng lại không có cả tên mình. Để rồi những thông tin cá nhân quan trọng như họ tên, địa chỉ, số điện thoại (cả cố định và di động)… rất có thể sẽ bị những kẻ xấu lợi dụng.

Nếu nhẹ nhàng thì có thể một ngày đẹp trời bỗng nhận được cuộc gọi từ một số máy trời ơi đất hỡi nào đó với những nội dung sặc mùi tiếp thị kiểu như: “Alo, chào anh, chị! Em là nhân viên ngân hàng A,B, C…” hay “Chào anh chị, Em gọi đến từ công ty bảo hiểm X,Y, Z em xin phép được làm phiền anh chị…”. Còn tệ hơn nữa, thì chủ nhân của những thông tin bị mất cắp kia rất có thể trở thành nạn nhân của một trò chơi xấu hay hậu quả của một trò lừa đảo.

Tràn lan rao bán thông tin trên mạng

Người sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin hiện nay luôn thường trực phải đối mặt với một nguy cơ tuy có vẻ mơ hồ nhưng lại hoàn toàn có thật. Đó là bị lộ lọt những thông tin cá nhân của mình một cách hoàn toàn bị động. Chỉ cần một thao tác đơn giản đó là gõ từ khóa mua bán thông tin cá nhân trên trang tìm kiếm google là đã xuất hiện các trang rao vặt, với vô số các loại danh sách thuê bao được chào bán với đầy đủ các ngành nghề, chức vụ… được bán phân loại chi tiết theo từng nhóm khách hàng rất chuyên nghiệp.

Danh sách khách hàng dạng này cơ bản có khá đầy đủ các thông tin cá nhân như mã số thuế, họ tên, email và số điện thoại cá nhân. Rất dễ dàng để có thể mua được những thông tin cá nhân, kể cả đó là những người lãnh đạo, khách hàng VIP ở những ngân hàng. Chỉ cần bỏ ra số tiền từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng là có thể mua được trọn bộ danh sách khách hàng tiềm năng lên đến hàng chục nghìn người. Còn nếu mua email thì số tiền sẽ rẻ hơn và số địa chỉ email được cung cấp có thể lên đến cả triệu email.

Không chỉ mua bán, rất nhiều công ty còn có nhu cầu trao đổi những danh sách khách hàng mà họ chưa có. Đi kèm theo đó khách hàng sẽ được tặng những phần mềm lọc và gửi tin nhắn SMS hàng loạt, phần mềm lọc và gửi email hàng loạt, phần mềm lọc UID& email từ các Fanpage, Group, Event Facebook lọc rất nhanh, chỉ mất khoảng 1 phút là có rất nhiều email để gửi đến khách hàng tiềm năng.

Theo Báo ANTĐ

Facebook Comments