Mới đây Công đoàn Y tế Việt Nam đã đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất với Chính phủ sớm ban hành chế độ chính sách phong tặng liệt sĩ đối với cán bộ y tế tử vong khi làm nhiệm vụ chống dịch Covid-19 và gia đình được hưởng chế độ liên quan.
Đề xuất trên đã được đông đảo người dân đồng tình, ủng hộ. Bà Nguyễn Thị Hòa – Cán bộ hưu trí phường Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội chia sẻ, nhiều tháng qua, lực lượng y tế đã căng sức, gồng mình chống dịch Covid-19, ngày đêm cứu chữa cho hàng triệu người bệnh, nhiều cán bộ y tế đã nhiễm bệnh, suy kiệt về sức khỏe, thậm chí mất cả tính mạng.
Với những cống hiến vô cùng to lớn đó, họ xứng đáng được nhận danh hiệu liệt sĩ khi không may tử vong trong khi thực hiện nhiệm vụ.
Cùng chung ý kiến trên, ông Đặng Văn Thành ở Khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính, quận Cầu Giấy, Hà Nội còn đề nghị Nhà nước nên có thêm nhiều chế độ phụ cấp, chính sách khác cho lực lượng tuyến đầu tham gia chống dịch, kể cả những người tình nguyện. Bởi các lực lượng tuyến đầu đã đóng góp quá nhiều trong công tác chống dịch.
“Theo dõi tình hình dịch bệnh thời gian qua, tôi rất khâm phục tinh thần chiến đấu của các y – bác sĩ, tình nguyện viên. Không ít người đã hy sinh hạnh phúc riêng của mình, chia tay con nhỏ, bố mẹ già yếu để lên đường chống dịch Covid-19.
Có nhân viên y tế còn không được về nhà để gặp người thân lần cuối. Sự hy sinh to lớn của họ không gì bù đắp được, xứng đáng được xã hội biết ơn, tôn vinh, được Tổ quốc ghi công” – ông Thành nói.
Sự hy sinh của các y – bác sỹ tuyến đầu chống dịch là vô cùng to lớn (ảnh minh họa)
Được biết, trước đề xuất trên của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Cục Người có công cho rằng, có thể xem xét đối với lực lượng y tế ở tuyến đầu. Còn dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, trước tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành, lực lượng y tế vô cùng vất vả, từ khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm đến điều trị cho bệnh nhân.
Họ đã phải làm việc liên tục không ngơi nghỉ trong môi trường đầy rẫy nguy cơ và vô cùng áp lực nên bị ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thậm chí cả tính mạng. Do vậy việc ghi nhận công lao của họ là vô cùng cần thiết.
Theo Điều 14 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng 2020, về điều kiện công nhận liệt sĩ, người đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế hoặc vì lợi ích của Nhà nước, của nhân dân thì được cơ quan có thẩm quyền xem xét công nhận là liệt sĩ khi thuộc một trong các trường hợp sau:
Chiến đấu hoặc trực tiếp phục vụ chiến đấu để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia; Làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong địa bàn địch chiếm đóng, địa bàn có chiến sự, địa bàn tiếp giáp vùng địch chiếm đóng; Trực tiếp đấu tranh chính trị, đấu tranh binh vận có tổ chức với địch;
Hoạt động hoặc tham gia hoạt động cách mạng, kháng chiến bị địch bắt, tra tấn vẫn không chịu khuất phục, kiên quyết đấu tranh hoặc thực hiện chủ trương vượt tù, vượt ngục mà hy sinh; Làm nghĩa vụ quốc tế;
Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh; Trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, diễn tập hoặc làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm; Đặc biệt dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của Nhân dân hoặc ngăn chặn, bắt giữ người có hành vi phạm tội, là tấm gương có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục, lan tỏa rộng rãi trong xã hội;
“Như vậy, theo quy định trên, những người dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân mà tử vong được xem xét công nhận liệt sĩ” – Luật sư Vân nhấn mạnh.
Theo Báo ANTĐ