Căn nhà cấp 4 của Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Văn Bình vốn đông vui với 3 thế hệ vui vầy từ nay vắng đi tiếng cười, giọng nói của ông.
Căn nhà cấp 4 đơn sơ
Xen giữa những căn nhà khang trang dọc đường Sông Bồ, gian nhà cấp 4 của gia đình ông Nguyễn Văn Bình (Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) thụt hẳn vào sau khoảng sân trống hoác.
Căn nhà cấp 4 đơn sơ
Từ khi ông Bình được xác định là một trong 13 nạn nhân tử nạn trong lúc cứu hộ tại Rào Trăng, nhiều người đến giúp gia đình chuẩn bị hậu sự. Những kỷ niệm, ký ức về vị chủ tịch huyện gần dân lại được bạn bè, đồng nghiệp kể lại.
Vật dụng giản dị
“Anh ấy quên mình đi lo cho người khác”
Suốt 2-3 hôm không có tin tức của vị chủ tịch huyện, ông Nguyễn Trung Đức (ở gần nhà ông Bình) không nuốt nổi cơm. Ông Đức vẫn nhớ dáng hình người đàn ông trong bộ áo mưa bộ đội đứng trước cửa nhà, mắt nhìn về phía sông Bồ vàng đục với mực nước ngày càng dâng cao.
“Mưa lụt khổ quá anh hè”, ông Bình nói khi nhìn thấy ông Đức đi tới. Đó cũng là lần cuối ông Đức gặp người anh em gắn bó từ thuở bé, trước khi vị chủ tịch huyện đi chỉ đạo công tác phòng, chống lụt bão.
Ông Đức kể rằng hiếm thấy vị chủ tịch nào giản dị như ông Bình. Dù làm chức vụ gì, khi về tới nhà, ông đều cởi mở, nhiệt tình, không xa cách. Hầu như ngày nào ông Bình cũng đi làm lúc 6h sáng, có hôm 22h mới về nhưng vẫn cặm cụi tưới cây, tỉa cành tới khuya.
Suốt bao năm làm quan chức, vợ chồng ông Bình cùng mẹ già và 2 đứa con vẫn ở trong căn nhà 3 gian cấp 4 xây từ những năm 1980. Ngoài giường, tủ, ghế và chiếc tivi lâu đời, trong nhà chẳng có đồ vật giá trị.
“Đêm mùng 10 hay 11/10 gì đấy, vợ chồng Bình còn thức đến 11-12h đêm để lau nhà vì bị nước tràn vào. Lũ về, nhà mình lo chưa xong, anh ấy đã đi lo cho người khác”, ông Đức xót xa.
Mẹ ông Bình tuổi quá thất tuần, liên tục phải vào viện. Trước ngày lũ về, biết phải đi làm nhiệm vụ, vị chủ tịch huyện giao việc chăm sóc cho vợ con. Còn ông khoác ba lô cùng các chiến sĩ bộ đội đi cứu hộ ở Rào Trăng. Nào ngờ, tai ương ập xuống ngay trong ngày đầu tiên họ vượt rừng đến hiện trường vụ sạt lở.
Lúc đầu, cả nhà đều giấu mẹ ông Bình việc con trai bà mất liên lạc. Nhưng khi thi hài được tìm thấy, không ai có thể tước đi quyền nhìn con lần cuối của người mẹ.
“Chiều qua, 2 bác sĩ đưa bà vô Bệnh viện Quân y. Vô trong nghe tin, bà ngất xỉu liền. Thế là chúng tôi phải chuyển bà lên Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 1. Bà vẫn chưa tin đó là sự thật”, ông Đức kể lại trong tiếng thở dài.
Những kỳ vọng dở dang
Chiều 16/10, cây cối tả tơi sau cơn mưa dầm dề xứ Huế. Anh Hoàng Vĩnh Lộc (Phó giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Phong Điền) cầm chiếc dù, đứng trước hiên nhà ông Bình xem có thể đỡ đần được việc gì. Anh Lộc xin nghỉ cả ngày để đến chia sẻ với gia đình người đồng nghiệp đã gắn bó hàng chục năm.
Với anh Lộc, ông Bình vừa là đồng môn mà anh thương quý, vừa là đồng nghiệp đáng ngưỡng mộ. Không chỉ làm quản lý giỏi, vị chủ tịch huyện còn vững chuyên môn, là điểm tựa cho nhiều cấp dưới.
Bạn bè từng trầm trồ khi năm 18 tuổi, ông Bình đỗ Đại học Bách khoa TP.HCM với điểm Toán tuyệt đối. Đến khi làm phó giám đốc, rồi giám đốc ban đầu tư – xây dựng huyện Phong Điền, ông đều chứng tỏ được năng lực chuyên môn. Có dự án phải làm cấp tốc trong 2 năm, ông Bình hoàn thành trong 18 tháng tính cả 3-4 tháng phải dừng thi công vì mưa lũ.
Sau đó, ông Bình làm Bí thư Đảng ủy xã Phong An, Trưởng phòng kinh tế hạ tầng UBND huyện Phong Điền rồi Phó chủ tịch UBND huyện. Ở vị trí nào, ông cũng giúp dân từ chuyện giải phóng mặt bằng, đất đai đến xây dựng cơ bản.
Tính đến ngày gặp nạn, ông Bình giữ chức chủ tịch được 1 tháng 12 ngày.
“Hắn học hỏi rất nhanh, làm việc có tâm. Hỏi từ huyện cho tới xã, ai cũng nể nang, ai cũng mến thương cả. Khi hắn được lên chủ tịch huyện, ai cũng kỳ vọng huyện Phong Điền sẽ sớm lên thị xã, đâu ngờ…”, anh Lộc bỏ dở câu nói, mắt dán vào những hạt mưa rơi lộp độp dưới chân.
Đối diện nhà ông Bình, nước sông Bồ dâng lên ngày càng cao. Đợt lũ sắp tới, bà con không còn thấy hình dáng vị chủ tịch trong bộ áo mưa bộ đội trực tiếp đi chống ngập.
Trong căn nhà cấp 4 nhòe đi vì mưa, bạn bè, đồng nghiệp và bà con lối xóm đang chờ đón anh về.
– Trưa 12/10, công trình thủy điện Rào Trăng 3 sạt lở khiến 3 người chết, 17 người mất liên lạc.
– Chiều 12/10, đoàn công tác của UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế và Quân khu 4 lên đường cứu hộ, cứu nạn.
– Rạng sáng 13/10, khu vực đoàn cứu hộ dừng chân nghỉ ở tiểu khu 67, Trạm kiểm lâm Sông Bồ bị sạt lở. Ông Bình và 12 người mất liên lạc.
– Sáng 14/10, chuyến bay đầu tiên của Sư đoàn 372 vào khu vực Rào Trăng 3. Chiều cùng ngày, lực lượng chức năng giải cứu 19 người và đưa một thi thể ra ngoài.
– Chiều 15/10, thi thể ông Bình và 12 người trong đoàn được tìm thấy tại tiểu khu 67.
Theo zing.vn