Thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp đã cận kề. Trong khi cử tri, nhân dân hòa chung tinh thần phấn khởi, sẵn sàng thực hiện quyền công dân của mình thì ở chiều ngược lại, các đối tượng cơ hội, chống đối lại tăng cường chiến dịch, ra sức chống phá cuộc bầu cử.
Theo Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị và các văn bản hướng dẫn khác, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được diễn ra đồng thời vào ngày 23/5/2021. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp.
Người dân được trực tiếp đi bầu cử đại biểu của mình, đây là quyền lợi và nghĩa vụ của công dân đã được hiến định. Bầu cử là phương thức thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN nói chung và thành lập cơ quan quyền lực nhà nước ở Trung ương và địa phương nói riêng.
Bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp lần này diễn ra sau thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, gắn liền với công tác cán bộ, liên quan đến trách nhiệm của các cấp, các ngành; là nơi để cử tri phát huy quyền làm chủ của công dân, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới, góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hơn 75 năm, từ Quốc hội khóa I cho đến nay, dù ở vào thời điểm, hoàn cảnh lịch sử nào, Quốc hội Việt Nam đều có những đóng góp to lớn, xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng. Sự thành công, thắng lợi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần thiết thực thực hiện Nghị quyết Đại đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020- 2025.
Cuộc bầu cử là đợt sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, thể hiện bản chất tốt đẹp, dân chủ, nhân văn của chế độ, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của dân, do dân và vì dân; cơ chế dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng trên mọi mặt của đời sống xã hội.
Lợi dụng vào sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng này, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị đã tung ra “chiến dịch” tuyên truyền xuyên tạc, bịa đặt, chống phá cuộc bầu cử. Luận điệu mà họ tập trung công kích, xuyên tạc, diễn biến có thể khái quát ở mấy điểm sau đây:
Một là, xuyên tạc, kích động phá hoại bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp. Họ bịa đặt, suy diễn: “Việc bầu cử Quốc hội không phải là quyền lợi, nghĩa vụ, không có dân chủ, đều là sự sắp đặt nhân sự có chủ ý, sắp xếp, chia chác “ghế ngồi”, nhân dân không có quyền thật sự”.
Hay “ở Việt Nam làm gì có dân chủ trong bầu cử, ứng cử”, đó là “chế độ Đảng cử – dân bầu”, là “dân chủ trình diễn”…, từ đó họ kêu gọi phải sửa đổi nguyên tắc, quy định bầu cử, tạo điều kiện cho tất cả mọi người được ứng cử tự do, còn “nếu với tư cách tổ chức bầu cử này, xã hội sẽ không có tự do và dân chủ”!
Hai là, kêu gọi toàn dân tẩy chay cuộc bầu cử. Tổ chức khủng bố Việt Tân, Hội anh em dân chủ, những phần tử phản động, lưu vong kêu gọi tẩy chay cuộc bầu cử. Chúng ngụy biện tung ra các luận điệu: “Công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên tham gia bỏ phiếu bầu cử là quyền con người, quyền công dân chứ không phải là nghĩa vụ của công dân”.
Một số đối tượng như Nguyễn Văn Đài thường xuyên livestream, phát tán trên mạng xã hội, suy diễn rằng “đã là quyền con người, quyền công dân thì mọi người có thể thực hiện hoặc không thực hiện quyền của mình, Hiến pháp và các văn bản pháp luật khác của nhà nước không có quy định nào bắt buộc công dân Việt Nam phải tham gia đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp”… Từ đó, rêu rao, ra sức kêu gọi cử tri tẩy chay bầu cử Quốc hội.
Ba là, hạ thấp vai trò của Quốc hội, như: “Quốc hội là một hình thức ngụy dân chủ của nhà nước độc tài CSVN để lừa dối nhân dân, là một công cụ của Đảng để cai trị nhân dân và đất nước”; “tất cả những người mà được gọi là đại biểu Quốc hội đều được tầng lớp chóp bu độc tài CSVN lựa chọn và quyết định từ trước, bầu cử chỉ là hình thức”.
Hay xuyên tạc kết quả bầu cử là “mù mờ”, thiếu khách quan kiểu “kể cả người trúng cử cũng như người bị trượt, tỷ lệ phiếu bầu trúng cử bao nhiêu % cũng được tầng lớp chóp bu quyết định trước”.
Bốn là, thông tin bịa đặt, bôi nhọ đời tư của lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước được đề cử ứng cử đại biểu Quốc hội. Chúng bịa đặt, bôi nhọ về nguồn gốc xuất thân, gia đình tới bản thân cán bộ lãnh đạo, từ quá trình trưởng thành, học hành kém cỏi, thành tích bất hảo, tư cách đạo đức yếu kém đến việc nâng đỡ, ưu ái khuất tất trong quá trình công tác; bôi nhọ lối sống sa hoa, buông thả, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, hách dịch, lợi ích nhóm để trục lợi vơ vét tiền của, sắp xếp “cánh hẩu” để tham nhũng chức quyền… Những thông tin bịa đặt, sai trái được viết theo kiểu quy chụp đen tối, bao nhiêu tiêu cực, xấu xa đều quy cho cán bộ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quy chụp cho chế độ.
Mỗi người dân cần nhận thức sâu sắc cuộc bầu cử là ngày hội lớn để bầu ra cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất là Quốc hội và các cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, thể hiện bản chất chế độ, tính dân chủ, nhân dân sâu sắc của Nhà nước pháp quyền XHCN. Quy định bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp về quy trình, nguyên tắc tổ chức, ứng cử, tự ứng cử, quyền lợi, nghĩa vụ công dân… đã được pháp luật quy định một cách chặt chẽ trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; được thực hiện một cách cẩn trọng, chắc chắn, bài bản, dân chủ, khách quan.
Những luận điệu mà các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội nêu ra là xuyên tạc, bịa đặt với phương thức, thủ đoạn tinh vi, nhằm hạ thấp vai trò, ý nghĩa của cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, gieo rắc nhận thức lệch lạc, sai lầm liên quan đến hoạt động bầu cử ở Việt Nam là “hình thức”, “ngụy dân chủ”; xuyên tạc vấn đề dân chủ, nhân quyền, hình ảnh méo mó về thể chế chính trị, đời sống chính trị, xã hội ở Việt Nam trên trường quốc tế.
Các đối tượng kêu gọi tẩy chay, phá hoại cuộc bầu cử; cổ súy những phần tử bất mãn, thoái hóa biến chất lập hồ sơ tự ứng cử, lợi dụng kết quả các đối tượng này bị loại khỏi danh sách bầu cử trong quá trình hiệp thương, lấy phiếu tín nhiệm nhân dân để xuyên tạc, kích động, đẩy mạnh các hoạt động chống phá. Bịa đặt, suy diễn, hạ thấp uy tín lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước…
Từ việc phá hoại bầu cử, chúng tiến tới làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với chế độ, vai trò lãnh đạo của Đảng; thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tuyên truyền, ca ngợi, cổ súy hình thức bầu cử, xu hướng chính trị tư bản, mô hình nhà nước “tam quyền phân lập”, “xã hội dân sự” kiểu phương Tây.
Trên các trang truyền thông quốc tế như RFA, VOA, BBC…, họ đưa ra các bài viết, phỏng vấn có nội dung xuyên tạc về cuộc bầu cử như “Nhiều cử tri tẩy chay cuộc bầu cử”, “Bầu cử Quốc hội Việt Nam thiếu tự do và không công bằng”, “Ứng viên độc lập bị giam cầm”… Đồng thời, tung ra các bài viết kích động chống phá trên diễn đàn mạng xã hội Facebook, YouTube, các website, blog chống đối.
Do đó, cần nhận diện thủ đoạn, ý đồ, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động để nhân dân, cử tri đề cao cảnh giác, không a dua, cổ suý, mắc mưu kẻ xấu; nêu cao ý thức, trách nhiệm công dân trước sự kiện chính trị quan trọng của nước nhà…