Đến trưa nay, vụ sạt lở ở phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) đã làm 9 nhà bị đổ sập hoàn toàn xuống sông, nhiều nhà nằm trong diện nguy hiểm.
Sau một đêm, nhiều người dân ở phường Đồng Tiến vẫn chưa hết bàng hoàng khi chứng kiến gia tài cả đời tích cóp bị dòng sông Đà nuốt trọn.
Theo thống kê, có ít nhất 9 ngôi nhà bị đổ sập hoàn toàn, 10 nhà bị sụt lún một phần và nhiều nhà nằm trong diện nguy hiểm, cần di dời khẩn cấp.
Vụ sạt lở để lại cảnh hoang tàn khủng khiếp, căn nhà cao 3-4 tầng bề thế đổ ập xuống sông, trơ lại những hốc đất lớn, móng nhà bật ngược, nhô lên những thanh sắt trụ.
Người dân chứng kiến vụ việc cho biết, khoảng 16h chiều qua họ thấy có biểu hiện sụt lún nhà, bắt đầu bằng những tiếng đứt gãy nhẹ, càng về chiều và tối mức độ tăng lên. Đến 19h, có 5 nhà bị đổ sập xuống sông.
Căn nhà cao tầng bị xé toạc, chực đổ xuống
Bất lực nhìn nhà lún dần…
“Tôi thấy nhà mình cứ lún dần, lún dần, cảnh tượng diễn ra trước mắt nhưng ai nấy đều bất lực, không có cách gì để cứu vãn. Sau một đêm, cơ ngơi cả đời tích cóp đổ hết xuống sông, chúng tôi đang rất hoang mang”, bà Ngà, số nhà 84, phường Đồng Tiến chia sẻ.
Chị Hoàng Thị Minh Huệ (số nhà 92) rầu rĩ: “Cả nhà tôi dựa vào căn nhà ở mặt đường để buôn bán, giờ nhà mất rồi, không biết sẽ phải bấu víu vào đâu để lo cho gia đình, các con ăn học”.
Sau khi xảy ra vụ sạt lở, lực lượng chức năng TP Hòa Bình đã huy động hơn 100 cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ người dân sơ tán đồ đạc, phong tỏa hiện trường, căng rào tôn để ngăn người dân tiến gần khu vực sạt lở nguy hiểm.
Ông Nguyễn Tiến Mạnh, Chủ tịch UBND phường Đồng Tiến cho biết: “Hơn 100 người dân đã được sơ tán đến khu vực an toàn. Trước mắt UBND TP Hòa Bình tính phương án chuyển các hộ dân đến khu tái định cư mới ở xã Trung Minh, đồng thời hỗ trợ 70 triệu đồng cho các gia đình có nhà bị sập”.
Tạo mọi điều kiện cho dân có chỗ ở an toàn
Có mặt tại hiện trường vụ sạt lở đầu giờ chiều nay, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, đây là sự cố rất nghiêm trọng, thiệt hại nặng nề về tài sản.
“Thay mặt Chính phủ tôi chia sẻ khó khăn, mất mát của người dân. Tôi đánh giá cao lãnh đạo địa phương đã tập trung di dời dân kịp thời”, Phó Thủ tướng nói.
Ông đề nghị chính quyền địa phương tiếp tục bảo vệ khu vực sạt lở, không để người dân quay lại nơi có nguy cơ sạt lở, đảm bảo an toàn cho người dân. Đồng thời, tạo mọi điều kiện cho dân có chỗ ở an toàn, đảm bảo việc học hành cho các cháu.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý, tại các vị trí dễ sạt lở, nguy hiểm, chính quyền phải chủ động di dân, không để người dân ở trong nhà có nguy cơ sạt lở. Cùng với đó chủ động dùng nguồn chi phí hỗ trợ để người dân có cuộc sống ổn định.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu tổ chức ngay đoàn công tác để đánh giá toàn diện tình hình sạt lở tại Hoà Bình.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng lưu ý, tỉnh Hoà Bình cần phối hợp với các bộ, ngành tổ chức rà soát lại toàn cung sạt lở, từ đó có kiến nghị tổng thể, khắc phục khẩn cấp khi thiên tai tiếp tục tàn phá, gây hậu quả nghiêm trọng hơn.
“Ngày mai, Bộ sẽ cử một thứ trưởng cùng với các chuyên gia, nhà khoa học lên để cùng với tỉnh Hoà Bình đánh giá lại toàn diện”, Bộ trưởng nói.
Một căn nhà 4 tầng đổ sập
Người dân bất lực chứng kiến căn nhà từ từ nghiêng hẳn xuống sông
Một căn nhà lọt thỏm dưới dòng sông Đà, trơ lại phần móng, cổng nhà
Cửa một ngôi nhà bị méo xệch
Căn nhà đổ xuống trơ lại phần móng và các lõi thép
Vụ sạt lở tạo thành các hốc đất rộng khoảng 3m, người dân phải bắc ván vào lấy đồ đạc
Trao đổi với báo chí sáng nay, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Nguyễn Trường Sơn cho hay chưa được xác định nguyên nhân cụ thể vụ sạt lở.
Ông Sơn cũng phủ nhận ý kiến cho rằng do thuỷ điện Hoà Bình đóng cửa xả, nước ở hạ lưu rút nhanh kéo theo nhiều đất đá khiến nhà dân bị sạt, trượt.
Theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, gần một tháng qua, khu vực tỉnh Hoà Bình có lượng mưa lớn, kéo dài nên đất đá ở bờ sông, bờ suối bị xói mòn, bở rời. Mực nước sông lên xuống ảnh hưởng không đáng kể tới những ngôi nhà ven sông.
Đoàn Bổng – Thu Hằng/Vietnamnet