Sau khi tóm tắt diễn biến vụ án, Chánh án Nguyễn Hoà Bình phân tích các chứng cứ chứng minh Hồ Duy Hải phạm tội.
Trước nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 đề cập vụ án Hồ Duy Hải, sáng nay (15/6), Chánh án TAND Tối cao đã phát biểu làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến vụ án mà dư luận rất quan tâm.
Ông Nguyễn Hoà Bình cho biết, đây là vụ án xảy ra từ 2008, trải qua quá trình tố tụng nhiều cấp, đã được liên ngành thẩm định và trong đoàn giám sát oan sai của Quốc hội năm 2015 cũng đã xem xét vụ án này. Qua sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm và đã đến Chủ tịch nước quyết định.
“Giờ câu chuyện đặt ra là có oan sai hay không? Tôi sẽ trả lời Hồ Duy Hải có phạm tội hay không, có oan sai hay không”, ông Nguyễn Hoà Bình nói.
Tóm tắt vụ án, Chánh án tòa Tối cao cho biết Hồ Duy Hải quen 2 cô gái ở Bưu điện Cầu Voi (ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An). Tối 13/1/2008, Hải đến đây chơi. Cô Nguyễn Thị Thu Vân (sinh năm 1987) đang trực, cô Nguyễn Thị Ánh Hồng (sinh năm 1985) đang nghỉ. Quá trình nói chuyện thì nam, nữ có việc tán tỉnh giữa các bên. Sau đó Hải có ý định quan hệ tình dục với cô Hồng nên đã đưa tiền cho cô Vân đi ra ngoài mua trái cây.
Hải dẫn cô Hồng vào buồng ngủ khiến cô gái phản ứng, đạp vào bụng Hải rồi bỏ chạy. Hải đuổi theo khiến cô Hồng ngã gần cái thớt, Hải cầm thớt đập vào đầu cô gái. Cô Vân sau khi đi mua trái cây về cũng bị Hải sát hại.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình
“Vậy chứng cứ chứng minh Hồ Duy Hải phạm tội là gì? – Chánh án TAND Tối cao đặt vấn đề và nêu ra nhiều cơ sở chứng minh.
Thứ nhất là Hải tự mô tả chính xác đồ vật có trong hiện trường mà bình thường nếu không có mặt ở hiện trường thì không thể mô tả được. Trong đó đáng lưu ý là đồ vật trong phòng ngủ cô Hồng.
“Bưu điện là nơi công cộng, bên ngoài ai cũng biết nhưng phòng ngủ nếu không có mặt thì không thể biết. Vị trí các đồ vật rời như con gấu, tờ báo, cốc nước… hôm nay để chỗ này, mai để chỗ khác nhưng các vật rời này Hải tả đúng vị trí hôm xảy ra vụ án” – ông Bình nhấn mạnh.
Thứ hai là về diễn biến hành vi. Hải khai khi sờ soạng Hồng không nói gì, nhưng khi đè ra thì bị Hồng phản ứng đạp vào bụng. Hiện trường để lại cái áo ngực trên ngực cô gái. Theo ông Bình, phản ứng bình thường của người phụ nữ khi ngồi dậy phải sửa nhưng vì tức thì nên không kịp sửa. Bên cạnh đó là do đập đầu bằng thớt và hiện trường có cái thớt dính máu nằm cạnh đầu Hồng. Đỉnh đầu Hồng có một vết thương mà kết luận pháp y xác định do tác động của mặt cứng, mặt phẳng. Đó là sự phù hợp.
Thứ ba là về giám định pháp y. Âm đạo của cô Hồng có dịch và theo pháp y là do quá trình kích dục từ việc có sự đụng chạm vùng nhạy cảm của cơ thể.
Liên quan đến tài sản, Hồ Duy Hải khai sau khi giết hai cô gái có lấy của Bưu điện một số tiền số tiền và sim card cùng nữ trang, dây chuyền, vòng tay… của nạn nhân.
“Khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra không thể biết Hải lấy được gì, nhưng khi bắt được Hải khai lấy được dây chuyền, vòng. Cơ quan điều tra hỏi người thân, cha mẹ cô gái thì họ mô tả đúng đồ vật mà hai cô gái có. Bưu điện cũng đã nói rõ mất bao nhiêu tiền, sim card. Có chi tiết rất có giá trị chứng minh là Hải khai lấy của Hồng dây chuyền có mặt, còn dây chuyền của Vân không có mặt dây chuyên. Khám nghiệm hiện trường phát hiện mặt dây chuyền của Vân” – ông Bình nhấn mạnh.
Khi cơ quan điều tra yêu cầu Hải khai nơi tiêu thụ tài sản thì Hải mô tả chính xác nơi bán vàng, bán điện thoại lấy được ở bưu điện. Điều phù hợp nằm ở chỗ Hải khai ở cửa hàng vàng ở quầy này có người lớn tuổi bán, quầy kia có người trẻ bán. Về giá cả chiếc điện thoại được bán 200 nghìn cũng phù hợp với thực tế. Người mua khai phương thức thanh toán và giá cả của đồ trang sức cũng phù hợp với phương thức thanh toán mà Hải khai.
Hải khai quá trình bán vàng, do lo sợ nên Hải không nhìn vào người mua vàng mà nhìn ra ngoài đường xem có ai theo dõi. Người mua khai trùng hợp khi đưa máy tính tiền cho Hải xem để thống nhất mua bán nhưng Hải không nhìn nên họ viết ra giấy. Hải cũng khai có viết giấy và sau đó vứt đi.
“Như thế phù hợp về phương thức thanh toán, giá cả” – ông Bình khẳng định.
Liên quan đến hung khí, Chánh án TAND Tối cao nhấn mạnh, khi khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra không thể biết cái thớt là hung khí, chỉ khi bắt Hải khai dùng thớt đập đầu thì cơ quan điều tra mới biết, nhưng khi đó cái thớt đã bị dọn đi.
Còn về con dao, Hải khai dắt bảng trên tường nhà bưu điện nhưng không ai tìm thấy. Sau này cơ quan điều tra biết có 3 dân phòng vào dọn và thấy có con dao trên tường rơi xuống nhưng họ vứt đi. Cơ quan điều tra cho 3 dân phòng mô trả dao.
“Dư luận nói mua dao ở chợ về thay hung khí, nhưng trong hồ sơ chỉ là mua vật tương tự cho Hải và người liên quan nhận diện có đúng với hiện trường hay không. Và khi để ra một loạt dao thì Hải nhận diện đúng dao mà 3 dân phòng đã nhận, dù khi Hải khai trước đó không thống nhất, dao lúc ngắn, dài, lúc dày, mỏng” – ông Nguyễn Hoà Bình nhấn mạnh.
Một lần nữa, Chánh án TAND Tối cao khẳng định, Hải có nhiều bản nhận tội. Sau phiên xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, Hải đều không kêu oan mà chỉ xin giảm nhẹ hình phạt. Còn người kêu oan là mẹ của Hồ Duy Hải.
Long An không nhận được ý kiến nào về vụ án
Dùng quyền tranh luận, Đại biểu Trương Văn Nọ (Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An) cũng đề cập vụ án xảy ra trên địa bàn cách đây 12 năm là vụ Hồ Duy Hải – vừa Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đưa ra xem xét theo trình tự giám đốc thẩm, và cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm.
Nói về dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh Long An sau khi tòa án xét xử đến nay, ông Trương Văn Nọ cho biết, Đoàn đại biểu Quốc hội đến giờ này chưa nhận được ý kiến phản ánh nào của nhân dân, cử tri gửi đến đoàn đại biểu Quốc hội.
“Trước kỳ họp này, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Long An cũng đã có những buổi tiếp xúc cử tri trên 15 huyện, thị, thành phố toàn tỉnh Long An, tập hợp ý kiến. Đến thời điểm này, Mặt trận Tổ quốc cũng không thấy có ý kiến nào của bà con cử tri liên quan đến vụ án này” – Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An khẳng định./.