Những người chiến sĩ vật lộn với núi cao, vực sâu, dùng sức người kéo pháo băng rừng, tiến sát căn cứ địch.
“Sau 27 ngày hành quân đến Điện Biên, tiểu đoàn 394, trung đoàn 367 chúng tôi nhận được lệnh tháo pháo khỏi xe, dùng sức người để kéo pháo vào chiếm lĩnh trận địa. Ai cũng lo lắng vì pháo nặng hàng tấn mà lại bỏ xe, rời đường cái để cùng với người đi xuyên sơn hàng chục km, lại phải qua núi cao, vực sâu”, cựu chiến binh Phạm Đức Cư kể về nhiệm vụ đầu tiên khi đến lòng chảo Mường Thanh.
Giải thích về yêu cầu nói trên, Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp khi đó nói: “Chúng ta phải hết sức giữ bí mật, bất ngờ, nhất là bất ngờ về hỏa lực lựu pháo và cao xạ – những lực lượng lần đầu tiên tham chiến. Lấy sức người thay cơ giới, đưa pháo vào trận địa không phải vì bộ đội không làm được đường cho xe chạy mà chính là để giữ bí mật, bất ngờ”.
Cựu chiến binh Phạm Đức Cư hiện sống ở TP Điện Biên. Ảnh: Hoàng Thuỳ
Hiểu rõ nhiệm vụ, sau khi các đơn vị công binh ngày đêm liên tục mở rộng đường, đêm 16/1, ông Cư và đồng đội bắt đầu xuất quân làm nhiệm vụ. Tiểu đoàn 383 được lệnh chiếm lĩnh ở sườn núi phía Đông Nam lòng chảo Mường Thanh, Tiểu đoàn 394 của ông Cư bao quát ở bên sườn núi phía Tây Nam lòng chảo.
Hai tiểu đoàn bố trí thế trận hình cánh cung ôm lấy lòng chảo, xây dựng cơ động 41 trận địa pháo, hình thành lưới lửa khống chế vùng trời Điện Biên nhằm chiến đấu với không quân của địch, bảo vệ bộ binh tiến quân.
“Chúng tôi được phát mỗi người một đôi giày vải trước khi lên đường. Mỗi khẩu pháo nặng khoảng 2,4 tấn, được khoảng 80-100 người kéo. Đường ra mặt trận phần lớn mới mở, nhỏ hẹp, một bên là vực sâu, lại phải vượt qua nhiều điểm thường xuyên bị máy bay và pháo binh Pháp bắn phá”, vị cựu binh kể.
Ông nhớ, sau khi tổ chức kéo thử, cấp trên đã cho làm các dây tời để hỗ trợ chiến sĩ ghìm pháo khi xuống dốc. Lúc kéo, các chiến sĩ cũng phải nắm chặt dây tời, chân dạng ra lấy sức, khi người chỉ huy hô “hai… ba…” thì tất cả gồng sức lên mà kéo. Bánh pháo nhích được đoạn nào là ngay lập tức hai chiến sĩ phải lấy thanh gỗ chèn lại, không cho pháo tụt lại phía sau.
Núi rừng Điện Biên hiểm trở, có nơi dốc đến 70 độ khiến ông Cư và đồng đội phải tìm những thân cây to trên đỉnh dốc để buộc dây tời giữ pháo. Hàng trăm con người phía dưới thì dùng sức lực đẩy pháo đi.
“Không chỉ vật lộn với núi cao, vực sâu, chúng tôi còn phải đương đầu với thời tiết khắc nghiệt của Điện Biên. Có những hôm mưa tầm tã, đường trơn trượt, chỉ cần sơ sẩy là pháo có thể rơi xuống vực thẳm. Đôi giày vải được phát sau vài hôm lội bùn, ghì dây kéo pháo đã nát bươm. Anh em phải đi chân trần, dẫm lên gốc cây, đá nhọn, tứa máu”, ông Cư cho hay.
Do việc hành quân phải đảm bảo bí mật nên đơn vị cho trinh sát đi trước, dò xét mìn, gián điệp biệt kích. Ban ngày đường nguỵ trang, ban đêm kéo pháo cũng không được soi đèn, chỉ có hai chiến sĩ khoác vải dù trắng đi trước chỉ đường cho đoàn kéo pháo đi.
Đem sức người chống chọi với thiên nhiên, kẻ thù, mỗi đêm, ông Cư và đồng đội chỉ kéo pháo đi được hơn 1 km. Sau 9 đêm, các đơn vị pháo binh đã kéo pháo đi 14 km, lập kỳ tích đưa pháo vào chiếm lĩnh trận địa an toàn, bí mật. Tất cả sẵn sàng chờ lệnh nổ súng tấn công.
“Lúc bấy giờ, anh em chúng tôi quần áo lấm lem bùn đất, chân tay sớt sát máu me, hai mắt trũng sâu vì thiếu ngủ. Thế nhưng, tất cả đều rạng ngời hạnh phúc vì đã làm được việc tưởng chừng như không thể”, người cựu binh nhớ lại.
Thế nhưng, trong niềm hân hoan chuẩn bị được tấn công địch, trong khi sức lực còn chưa kịp hồi lại, ông và đồng đội lại nhận được lệnh kéo pháo ra.
“Chúng tôi ai cũng bàng hoàng đặt câu hỏi tại sao, không đánh hay có vấn đề gì? Những băn khoăn đó đã được tiểu đoàn trưởng Phạm Đăng Ty giải đáp rằng tinh thần chiến dịch không thay đổi, nhưng chiến thuật thay đổi vì địch có động thái mới. Từ đánh nhanh thắng nhanh, ta chuyển sang đánh chắc tiến chắc”, ông Cư nói.
Thấm nhuần tư tưởng, từ chập tối ngày 26/1/1954, những thanh niên tuổi đôi mươi lại bắt tay vào nhiệm vụ kéo pháo về địa điểm tập kết. Cuộc chiến đấu với đèo cao, dốc thẳm lại bắt đầu. Vị cựu binh cho hay, kéo pháo vào vô cùng gian khổ nhưng kéo pháo ra lại càng gian khổ hơn vì lúc này quân Pháp đã phát hiện thấy các hoạt động của bộ đội Việt Nam nên liên tục cho máy bay ném bom, pháo kích.
Tiểu đoàn 394 của ông do tiểu đoàn trưởng Trịnh Duy Hậu chỉ huy, lần lượt kéo ra. Tuy nhiên, khẩu pháo cuối cùng do Tô Vĩnh Diện làm khẩu đội trưởng lại gặp bất trắc.
“Anh Tô Vĩnh Diện lái càng pháo, càng dài 2,2 m, nặng như bắp cày trong khi anh Diện chỉ khoảng 60 kg. Đến đoạn dốc Chuối thì một chùm đại bác của Pháp bắn ra. Một trong hai dây tời chủ để kéo pháo bị đứt, khẩu pháo nặng 2,4 tấn đang xuống dốc bị lộn vòng. Anh Diện hô to tất cả cứu lấy pháo, pháo sắp xuống vực rồi“, ông Cư nói và cho biết, lúc này đang xuống dốc, trời lại mưa, đường trơn, Tô Vĩnh Diện thấy gốc cây gần đó thì đưa một chân vào đạp để lấy đà đưa khẩu pháo vào taluy dương. Thế nhưng khẩu pháo quá nặng, quay quật vào người khiến anh gục xuống.
Ông Cư nhớ, khi đồng đội xuống cứu, Tô Vĩnh Diện chỉ hỏi “pháo có làm sao không”. Sau đó anh hi sinh, được đồng đội chôn ở bìa rừng.
“Tôi chưa từng khóc nhưng đêm hôm ấy không thể cầm được nước mắt. Tiểu đoàn 394 chúng tôi cùng mặc niệm giữa cánh rừng thanh vắng u tối. Chúng tôi chôn anh không có một nén hương, chỉ có gió rừng ào ạt và hạt mưa, hạt sương đêm như giọt lệ, nhỏ xuống nấm mồ anh”, vị cựu binh ngậm ngùi.
Cố thượng tướng Phạm Ngọc Mậu, nguyên Chính uỷ đại đoàn công pháo 351 trong cuốn hồi ký của mình đã viết: Trong đêm tối, mỗi khi ánh chớp loé sáng từ phía Mường Thanh, tiếp sau là hàng loạt đạn xé gió, chưa biết sẽ nổ vào đâu, nhưng các cán bộ, chiến sĩ ta chỉ qua giây phút bồn chồn yên lặng, rồi tiếng “hai… ba…” lại nổi lên vang động cả núi rừng. Có lúc từng loạt đạn rơi ngay bên dòng người kéo pháo, thì lập tức những khẩu hiệu vang lên:”Dũng cảm giữ pháo”, “Dù hy sinh không rời pháo”, “Còn người còn pháo”.
Tinh thần đó đã giúp bộ đội Việt Nam chân trần vượt đạn bom, đưa khẩu pháo cuối cùng về vị trí tập kết lúc mờ sáng ngày 5/2/1954 (tức mùng 3 Tết âm lịch), hoàn thành nhiệm vụ kéo pháo ra. Sau thời gian chuẩn bị “đánh chắc, tiến chắc”, chiều ngày 13/3/1954, pháo binh nổ phát súng đầu tiên, mở màn cho cuộc tấn công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và giành thắng lợi vào ngày 7/5.
Chứng kiến mọi diễn biến của chiến dịch, thấy được những gian nan vất vả của bộ đội, những tấm gương hi sinh anh dũng của chiến sĩ Điện Biên, nhạc sĩ Hoàng Vân đã viết nên những lời ca cháy bỏng: “Hò dô ta nào kéo pháo ta vượt qua đèo/ Hò dô ta nào kéo pháo ta vượt qua núi/ Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi/ Vực sâu thăm thẳm vực nào sâu bằng chí căm thù”.
Sau những thất bại liên tiếp trên chiến trường, cuối năm 1953, Pháp cho quân nhảy dù xuống lòng chảo Điện Biên Phủ, chiếm lĩnh tất cả các điểm cao của một vùng thung lũng rộng lớn, sau đó xây dựng tập đoàn cứ điểm liên hoàn nhằm “bình định Đông Dương”.
Ban đầu, bộ đội Việt Nam vạch ra kế hoạch “đánh nhanh”, nghĩa là lợi dụng lúc quân địch đứng chân chưa vững ập vào tấn công cả 4 mặt và có một mũi thọc sâu, đánh thẳng vào trung tâm – sở chỉ huy của tướng De Castries. Tuy nhiên, sau khi thị sát nắm rõ tình hình thực địa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định thay đổi sang đánh chắc tiến chắc. Lý do là đánh nhanh không chắc thắng vì chỉ trong thời gian ngắn, Pháp đã tăng cường không phải là lâm thời phòng ngự nữa mà đã trở thành tập đoàn cứ điểm kiên cố. Trong khi đó, trình độ thực tế của bộ đội Việt Nam lúc bấy giờ chưa thể áp dụng được cách đánh nhanh thắng nhanh.
“Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có hơn chục ngày đêm theo dõi tình hình, hầu như không ngủ. Ông suy nghĩ liên miên đến mức đầu bốc hỏa bừng bừng, làm cho y sĩ phải buộc nắm ngải cứu lên trán cho nhẹ bớt. Tôi biết, đây là một trong những quyết định khó khăn nhất trong đời chỉ huy của ông”, tướng Phạm Hồng Cư nói.