Ngày 22-5, báo chí quốc tế đồng loạt lên tiếng phản đối về hành động này của Trung Quốc. Nhiều tờ báo còn gọi đây là “một trò chơi quyền lực táo bạo nhằm củng cố các yêu sách vô lý, trái với luật pháp quốc tế của Trung Quốc về chủ quyền lãnh thổ tại khu vực Biển Đông, nhất là tại những quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Hãng tin Channel News Asia viết: “Trung Quốc đã thu hút các cuộc biểu tình ngoại giao sau khi để các máy bay ném bom tầm xa H-6K tham gia các cuộc tập trận trên một hòn đảo của quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) hôm 18-5. Các nhà phân tích cho rằng, một mặt bác bỏ mọi cáo buộc về quân sự hóa Biển Đông, mặt khác, chính quyền Bắc Kinh vẫn cho xây dựng một loạt sân bay, lắp đặt nhiều hệ thống radar và một số cơ sở hải quân trên chuỗi đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp từ năm 2013”.
Máy bay ném bom chiến lược H-6K của Trung Quốc. Ảnh: PLA.
Chưa hết, hãng Channel News Asia còn dẫn lời Bonnie Glaser – chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington (Mỹ) phân tích, các máy bay ném bom của Trung Quốc được cho là hạ cánh trên đảo có căn cứ quân sự lớn nhất ở quần đảo Hoàng Sa. Nhiều nguồn tin cho hay, đảo được nhắc đến ở trên là đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).
“Những cuộc tập trận quanh các đảo trên Biển Đông là những bước đi nhỏ nhằm từng bước thay đổi hiện trạng theo hướng có lợi cho Trung Quốc mà không gây ra phản ứng quân sự từ Mỹ. Sự tích tụ ổn định tài sản quân sự trên đường thủ, nhất là khu vực được cho là có trữ lượng lớn về dầu mỏ và khí tự nhiên cũng cho phép Trung Quốc “tác động mạnh đến các nước láng giềng yếu hơn.
Trong thời bình, thông qua việc sử dụng một số lượng lớn các tàu thực thi pháp luật ở khu vực Biển Đông, Bắc Kinh còn tham vọng sẽ gây áp lực lên Việt Nam và Philippines, ngăn các quốc gia này khai thác năng lượng trong các vùng biển mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố quyền tài phán. Còn nếu xảy ra chiến tranh thì tài sản quân sự của Trung Quốc trên những hòn đảo này sẽ làm tăng sức mạnh và khả năng chống đỡ nếu Mỹ can thiệp quân sự”, bà Bonnie Glaser nhấn mạnh.
Đồng quan điểm này, Giám đốc Chương trình an ninh quốc tế tại Viện Lowy của Australia Euan Graham cảnh báo: “Có động cơ chính trị rõ ràng trong hành động này. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lặp đi lặp lại việc phủ nhận rằng khu vực này đang được quân sự hóa, và rằng các máy bay ném bom đang tiến hành chương trình “huấn luyện bình thường”.
Nhưng không phải vậy, hành động này mang tính biểu tượng và là sự phát triển quân sự quan trọng của Bắc Kinh trong việc hiện thực hóa yêu sách đường lưỡi bò trên Biển Đông. Trung Quốc đã lắp đặt cơ sở hạ tầng hậu cần để vận hành máy bay, tiếp nhiên liệu, cất giữ vũ khí và phi hành đoàn… Đưa máy bay ném bom đến khu vực quần đảo Hoàng Sa và cả Trường Sa là Bắc Kinh cũng đang đưa miền Bắc Australia vào phạm vi có thể bị tấn công”.
Có lẽ vì thế mà hôm 21-5, bên lề Hội nghị các Ngoại trưởng G20 ở Buenos Aires (Argentina), Ngoại trưởng Australia Julie Bishop cũng đã thẳng thắn nêu quan điểm phản đối của Australia về việc Trung Quốc đưa máy bay ném bom đến quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).
Bà Julie Bishop nói với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị: “Quan điểm của Australia rất rõ ràng và kiên định, và Trung Quốc nắm rất rõ. Quan ngại của chúng tôi là Trung Quốc đang quân sự hóa các thực thể tranh chấp ở Biển Đông”.
Đồng thời, trong cuộc gặp với phía Mỹ bên lề Hội nghị Ngoại trưởng G20, bà Julie Bishop cũng đưa vấn đề Biển Đông ra bàn, cho biết sẽ thể hiện quyền tự do lưu thông hàng hải và hàng không ở Biển Đông, ủng hộ các nước khác cùng làm vậy.
Các quốc gia khác ở khu vực châu Á cũng bày tỏ những lo ngại mới. Người phát ngôn của Tổng thống Philippines, ông Harry Roque cho biết, Manila “đặc biệt quan ngại” về sự hiện diện của các máy bay ném bom chiến lược Trung Quốc ở Biển Đông và đang độc lập xác minh thông tin này. Bộ Ngoại giao Philippines (DFA) thì thông báo đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến trên Biển Đông.
“Thông điệp phù hợp về các diễn biến gần đây đã được truyền tải thông qua kênh ngoại giao. Tuy nhiên, chính sách hiện tại của chúng tôi không ủng hộ công bố tất cả mọi hành động của Chính phủ Philippines mỗi khi có diễn biến trên Biển Đông”, thông cáo của DFA viết.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã lên án cuộc diễn tập của Trung Quốc trên Biển Đông, khẳng định hành động quân sự này khiến “căng thẳng gia tăng và gây bất ổn khu vực”.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Christopher Logan mô tả cuộc diễn tập là hành động cho thấy Trung Quốc đang tiếp tục “quân sự hóa các thực thể tranh chấp trên Biển Đông và nhấn mạnh, Chính phủ Washington vẫn giữ cam kết thúc đẩy một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và mở cửa. Đô đốc Phil Davidson, chỉ huy mới vừa chính thức nhậm chức ngày 18-5 của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ nói rằng, những hành động của Trung Quốc là nhằm khẳng định ý đồ kiểm soát Biển Đông.
Các căn cứ của Trung Quốc tại Biển Đông có thể được sử dụng để thách thức sự hiện diện của Mỹ tại khu vực này. Còn Thượng nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa James Inhofe trong bài phát biểu tại Quốc hội Mỹ nhấn mạnh: “Chúng ta biết rằng Trung Quốc đã có các đường băng, hệ thống tên lửa… Mọi trang thiết bị Trung Quốc triển khai đều là quân sự. Điều này thực sự đáng lo ngại”.
Việt Nam phản đối Trung Quốc diễn tập trên quần đảo Hoàng Sa
Hôm 18-5,Tân Hoa xã dẫn nguồn tin quân sự cho biết không quân Trung Quốc đã tập trận trên quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam với sự tham gia của máy bay ném bom chiến lược H-6K đủ khả năng mang tên lửa hạt nhân. Một video chiếc H-6K hạ cánh và cất cánh chớp nhoáng trên một hòn đảo ở Biển Đông cũng được đăng tải bởi trang People’s Daily. Ngày 21-5, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định:
“Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
Việc Trung Quốc cho máy bay ném bom tiến hành các hoạt động diễn tập cất, hạ cánh trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, vi phạm Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), làm gia tăng căng thẳng, gây bất ổn trong khu vực và không có lợi cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động nêu trên, không được tiến hành quân sự hóa, nghiêm túc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, tuân thủ nghiêm túc Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, DOC, tạo bầu không khí thuận lợi cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực”.