Thanh xuân của bà Nhung là tháng ngày làm việc cho đối phương để lấy tài liệu, chuyển mật thư của tình báo Phạm Xuân Ẩn về chiến khu.
Thượng úy Nguyễn Thị Mỹ Nhung (87 tuổi), bí danh Nguyễn Thị Yên Thảo, thường gọi Tám Thảo, là một sĩ quan tình báo của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Bà là thành viên của cụm tình báo H.63 mà Phạm Xuân Ẩn là một điệp viên chủ lực của cụm.
Sau 44 năm từ ngày đất nước thống nhất, bà Tám Thảo có một cuộc sống bình yên trong căn nhà trên đường Nguyễn Trọng Tuyển (quận Phú Nhuận, TP HCM).
“Tôi sinh ra trong gia đình khá giả, cha mẹ buôn bán ở chợ Bến Thành. Lúc tôi 12 tuổi, thấy nữ chiến sĩ rải truyền đơn và dần mê công việc này. Bốn năm sau, tôi tìm vào chiến khu, rồi làm nhiệm vụ giao liên, chèo thuyền đưa cán bộ qua sông, từ đó bén duyên với công việc tình báo”, bà chia sẻ.
Sau năm 1954, bà ở lại Sài Gòn vừa hoạt động cách mạng và phụ gia đình bán tơ lụa ở chợ Bến Thành. Tháo vát và duyên dáng nên cô gái Mỹ Nhung được giao nhiệm vụ chuyển tài liệu mật mà tình báo Phạm Xuân Ẩn thu thập về chiến khu. Để có vỏ bọc tốt, bà phải tạo phong cách tiểu thư, tập nhảy đầm, học tiếng Anh, tiếng Pháp…
Nổi bật là lần Tám Thảo vận chuyển 24 cuốn phim ra Củ Chi vào năm 1961. Vượt qua các trạm, bốt gác dày đặc, tài liệu được mang về an toàn. Thông tin trong các cuộn phim giúp quân giải phóng nắm được nội dung chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ.
“Đây là bức ảnh khi tôi hoạt động trong Bộ Tư lệnh Hải quân chính quyền Sài Gòn với vai trò phiên dịch viên từ năm 1964. Người Mỹ nguyên tắc và cảnh giác với tất cả nhân viên ở đây nên tôi lúc nào cũng phải thân thiện và tinh tế để lấy lòng họ”, bà nhớ lại.
Chiến công lớn của bà trong thời gian làm ở đây là lấy được sơ đồ, bố trí lực lượng của Bộ Tư lệnh Hải quân, tài liệu đánh giá của Mỹ và Chính quyền Việt Nam Cộng hòa về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Cuối năm 1969, để đảm bảo an toàn cho cụm tình báo H.63, bà nhận lệnh rút vào chiến khu. Tại đây, nữ tình báo được đồng đội giới thiệu một anh bộ đội. Hai người kết hôn sau gần một năm quen biết nhau.
“Ngày 30/4 tôi vẫn phải ở lại chiến khu Lộc Ninh, phải nửa tháng sau mới được về Sài Gòn. Trở lại với cuộc sống bình thường, tôi công tác tại Sở Thông tin Thành phố. Năm 1976, vì không có con nên hai vợ chồng tôi sau đó nhận một bé gái làm con nuôi”, bà Tám Thảo chia sẻ.
Năm 1998, người chồng bà mất do bệnh ung thư. Hiện, bà Tám Thảo ở cùng cháu trai và chắt. Người con gái bà cũng đã ngoài lục tuần, sống cách đó không xa.
Cuộc sống tuổi già của thượng úy nữ tình báo diễn ra nhẹ nhàng, hầu hết việc trong nhà bà vẫn tự mình lo liệu được. Trên ban công, bà trồng cây hoa, vui thú điền viên.
87 tuổi nhưng bà Tám Thảo vẫn minh mẫn, sức khỏe ổn định. Mỗi ngày bà đều tập thể dục với các bài tập đơn giản trong phòng của mình.
“Nhiều năm nay, tôi dành thời gian rảnh mỗi ngày để đọc sách tiếng Anh cho không bị quên khi giao tiếp với người nước ngoài”, bà chia sẻ.
Từ khi nghỉ hưu, phần lớn thời gian bà Tám Thảo ở nhà với con cháu. Những dịp kỷ niệm các ngày thống nhất đất nước, ngoài gặp gỡ đồng đội xưa, bà vẫn thường nhận lời mời đi giao lưu và trò chuyện về cuộc đời kháng chiến, sự nghiệp tình báo của mình.
Quỳnh Trần/VNE