Cựu bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long bị cáo buộc nhận hơn 2 triệu USD trong vụ Việt Á

share on:

Ông Nguyễn Thanh Long bị cáo buộc nhận 2,25 triệu USD để can thiệp, tác động giúp Công ty Việt Á được cấp số đăng ký lưu hành kit xét nghiệm Covid-19.

Ngày 17/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đề nghị truy tố 38 bị can sau gần 18 tháng điều tra vụ án Việt Á. Trong số này, 6 người bị cáo buộc tội Nhận hối lộ là: ông Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Y tế; Nguyễn Huỳnh, cựu thư ký của ông Long; Phạm Duy Tuyến, cựu Giám đốc CDC Hải Dương; Trịnh Thanh Hùng, cựu vụ phó Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ; Nguyễn Minh Tuấn, cựu vụ trưởng Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế; Nguyễn Nam Liên, cựu vụ trưởng Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế.

Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Việt Á và cấp phó Vũ Đình Hiệp bị đề nghị truy tố về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Đưa hối lộ. Phan Tôn Noel Thảo và Hồ Thị Thanh Thảo, trợ lý tài chính và thủ quỹ của Công ty Việt Á, bị đề nghị về tội Đưa hối lộ.

6 tháng từ khi bị bắt, cựu bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long bị đổi tội danh từ Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ sang Nhận hối lộ.

Kit xét nghiệm Covid-19 là sản phẩm thuộc đề tài nghiên cứu do Bộ Khoa học và Công nghệ giao Học viện Quân y chủ trì, thuộc sở hữu Nhà nước. Ông Long bị cáo buộc biết Công ty Việt Á (đơn vị tham gia đề tài) không đủ điều kiện để được cấp số đăng ký lưu hành kit xét nghiệm này nhưng theo đề nghị của Tổng giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt, ông Long đã chỉ đạo cấp dưới tạo điều kiện cấp số lưu hành tạm thời.

Bộ Y tế sau đó ban hành quyết định cấp số đăng ký lưu hành chính thức sản phẩm kit xét nghiệm Covid-19 cho Việt Á.

Theo kết luận điều tra, ông Long cử đại diện Bộ Y tế thực hiện hiệp thương giá kit xét nghiệm với Việt Á, có sự tham gia của đại diện Bộ Tài chính. Bộ Y tế quyết định giá hiệp thương với Công ty Việt Á là 470.000 đồng/kit xét nghiệm.

Cho rằng không có căn cứ, Bộ Tài chính phải đôn đốc Bộ Y tế kiểm tra để xác định giá chính thức làm cơ sở ký hợp đồng, thanh toán.

“Thế nhưng Bộ Y tế không thực hiện mà thanh toán cho Công ty Việt Á thông qua nguồn tài trợ của các ngân hàng”, C03 nhận định.

Khi kiểm tra giá hiệp thương, đoàn kiểm tra phát hiện Việt Á sai phạm về nguyên vật liệu sản xuất và có ý kiến đề nghị Bộ Y tế thu hồi số đăng ký của Việt Á. Ông Long bị cáo buộc không chỉ đạo kịp thời; cũng không ra kết luận kiểm tra theo chỉ đạo của Thủ tướng. Bộ Y tế sau đó công bố giá không có căn cứ lên cổng thông tin điện tử Bộ, tạo mặt bằng giá. Điều này bị cơ quan điều tra cho rằng dẫn tới việc Việt Á bán cho các đơn vị, địa phương theo giá kit xét nghiệm đã nâng khống.

Khi Việt Á sản xuất kit xét nghiệm, ông Long “giới thiệu Phan Quốc Việt với lãnh đạo một số địa phương, tạo điều kiện cho Việt Á tiêu thụ sản phẩm”.

C03 đánh giá ông Long cùng thư ký Nguyễn Huỳnh đã can thiệp, tác động giúp Việt Á được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành kit xét nghiệm; hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương trái quy định. Ông Long và Huỳnh sau đó “gợi ý, đề nghị Việt đưa tiền”.

Theo C03, bị can Việt đã đưa cho ông Long 2,25 triệu USD (hơn 51 tỷ đồng), trong đó 2,2 triệu USD thông qua Huỳnh. Việt đưa riêng ông Huỳnh 4 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thanh Long tại cuộc họp trực tuyến Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 với các địa phương, tháng 9/2021. Ảnh: Nhật Bắc

Cùng vụ án, C03 đề nghị truy tố ông Chu Ngọc Anh, cựu bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, cựu chủ tịch UBND Hà Nội về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, theo Điều 219 Bộ luật Hình sự.

Trong các bị can còn lại bị đề nghị truy tố, có nhiều người giữ chức vụ cao như: nguyên ủy viên trung ương, cựu bí thư tỉnh Hải Dương Phạm Xuân Thăng; ông Nguyễn Văn Trịnh, trợ lý Phó thủ tướng; ông Phạm Công Tạc, cựu thứ trưởng Khoa học và Công nghệ… Ngoài ra, còn hàng loạt lãnh đạo cấp Vụ, Sở, CDC và nhân viên y tế của các tỉnh thành cũng bị truy tố.

Vụ án Việt Á được coi là điển hình về “tham nhũng có hệ thống” do tính quy mô, xảy ra từ cơ quan, bộ ngành trung ương đến các địa phương. Sau gần hai năm điều tra, nhà chức trách đã khởi tố 111 người trong “chùm” 33 vụ án liên quan Việt Á.

Tại cuộc họp báo chiều 16/8, Phó ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên cho biết do xảy ra trong bối cảnh dịch bệnh, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực có chủ trương phân loại xử lý người vi phạm.

Theo đó, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tác động, chỉ đạo cấp dưới làm trái quy định nhằm mang lại lợi ích cho bản thân và Công ty Việt Á; người cầm đầu, chủ mưu, vụ lợi… “sẽ bị nghiêm trị”.

Nhóm được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự và cũng không phải chịu trách nhiệm dân sự là những người thứ yếu, phụ thuộc, phải thực hiện theo mệnh lệnh, không có động cơ vụ lợi. Ông Yên giải thích “chủ trương nghiêm khắc nhưng nhân văn” này nhằm để đội ngũ y bác sĩ, những người không may bị xử lý sẽ yên tâm công tác.

Phạm Dự/VNE

Facebook Comments