Bị cáo Nguyễn Quang Tuấn được xác định giữ vai trò chính trong vụ án. Với chức danh Chủ tịch Hội đồng mua sắm Bệnh viện Tim Hà Nội đã quyết định việc cho doanh nghiệp gửi vật tư vào bệnh viện, sau đó hợp thức thanh toán bằng cách chỉ định thầu rút gọn.
Sáng 18/4, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Quang Tuấn (SN 1967, cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, cựu Chủ tịch Hội đồng mua sắm Bệnh viện Tim Hà Nội) về tội “Vi phạm quy định về đầu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Sang ngày xét xử thứ hai, đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa đã luận tội các bị cáo và nêu quan điểm giải quyết vụ án. Theo quan điểm của đại diện Viện kiểm sát, vụ án Bệnh viện Tim Hà Nội là sự cấu kết giữa doanh nghiệp với cán bộ có chức quyền của bệnh viện. Vụ án này cũng là điển hình của lợi ích nhóm, thể hiện sự cấu kết giữa doanh nghiệp với người có thẩm quyền, trong đó có cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn. Vì lợi ích vật chất mà bị cáo Nguyễn Quang Tuấn và đồng phạm đã làm trái quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trúng thầu gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Hành vi của bị cáo Nguyễn Quang Tuấn và đồng phạm còn xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức, cá nhân, làm một bộ phận công chức, cán bộ bị suy thoái, biến chất, làm suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước…
Sau khi phân tích, đánh giá hành vi phạm tội của từng bị cáo, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Quang Tuấn từ 4 – 5 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Đại diện Viện kiểm sát xác định, bị cáo Nguyễn Quang Tuấn cầm đầu trong vụ án, nhưng đã đặc biệt ăn năn nên cần chiếu cố, cho bị cáo cơ hội sửa chữa.
Cùng tội danh “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, 4 bị cáo từng là cấp dưới của bị cáo Nguyễn Quang Tuấn bị đề nghị mức án sau:
Hoàng Thị Ngọc Hưởng (cựu Phó Giám đốc) từ 30 – 36 tháng tù, Nguyễn Thị Dung Hạnh (cựu Kế toán trưởng) từ 24 – 30 tháng tù, Đoàn Trọng Bình (cựu Phó trưởng Phòng vật tư y tế) từ 30 – 36 tháng tù và Nghiêm Tuấn Linh (cựu Phó trưởng Phòng vật tư y tế) từ 36 – 42 tháng tù.
Nhóm bị cáo là doanh nghiệp bị đề nghị mức án sau:
Nguyễn Đức Đảng (Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Nga) từ 3 năm 6 tháng tù – 4 năm tù; Phan Tuấn Đạt (Chủ tịch HĐQT Công ty Kim Hòa Phát) từ 24 – 30 tháng tù, cho hưởng án treo; Phạm Huy Lập (Giám đốc Công ty Hoàng Nga) từ 24 – 30 tháng tù, cho hưởng án treo; Phạm Thị Kim Oanh (Kế toán Trưởng Công ty Hoàng Nga) từ 24 – 30 tháng tù; Trần Phú Hưng (Phó Tổng Giám đốc Công ty định giá AIC) từ 30 – 36 tháng tù; Nguyễn Hồng Dũng (Phó Giám đốc Công ty định giá AIC) và Nguyễn Trung Dũng (nhân viên Công ty định giá AIC) cùng mức án từ 24 – 30 tháng tù.
Các bị cáo tại phiên tòa.
Đại diện Viện kiểm sát nhận thấy, các bị cáo trong vụ thực hiện mua sắm, chỉ định thầu rút gọn, đấu giá tại Bệnh viện Tim Hà Nội chỉ là hình thức để trục lợi. Trong đó, Nguyễn Đức Đảng (Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Nga) và Phan Tuấn Đạt (Chủ tịch HĐQT Công ty Kim Hòa Phát) đặt vấn đề và được Nguyễn Quang Tuấn đồng ý cho hai công ty trên được bán các mặt hàng vật tư tiêu hao can thiệp tim mạch vào bệnh viện với đơn giá theo thỏa thuận.
Giai đoạn 2016 – 2017, Bệnh viện Tim Hà Nội tổ chức đấu thầu riêng 5 gói thầu chuyên mua sắm vật tư tiêu hao can thiệp tim mạch, tổng trị giá hơn 595 tỷ đồng gồm 5 gói đấu thầu rộng rãi 223 mặt hàng trị giá trên 247 tỷ đồng và 4 gói chỉ định thầu rút gọn mua 538 mặt hàng, trị giá gần 348 tỷ đồng
Kết quả, Công ty Hoàng Nga đã tham gia và trúng 5 gói thầu, Công ty Kim Hòa Phát tham gia và trúng 4 gói thầu.Tuy nhiên, những mặt hàng này bị nâng giá cao hơn thực tế.
Để hợp thức hồ sơ thầu mua vật tư tiêu hao can thiệp tim mạch của Công ty Hoàng Nga và Công ty Kim Hòa Phát, bị cáo Nguyễn Quang Tuấn đã lợi dụng chức vụ quyền hạn can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu, gây thiệt hại cho Bệnh viện Tim Hà Nội và Quỹ bảo hiểm xã hội tổng số tiền là hơn 53 tỷ đồng.
Bị cáo Nguyễn Quang Tuấn bị cáo buộc giữ vai trò chính trong vụ án. Với chức danh Chủ tịch Hội đồng mua sắm Bệnh viện Tim Hà Nội đã quyết định việc cho doanh nghiệp gửi vật tư vào bệnh viện, sau đó hợp thức thanh toán bằng cách chỉ định thầu rút gọn. Tuy nhiên, bị cáo Nguyễn Quang Tuấn được ghi nhận các tình tiết giảm nhẹ gồm thành khẩn khai báo, nộp tiền khắc phục hậu quả…
Nhóm bị cáo còn lại có vai trò giúp sức cho bị cáo Nguyễn Quang Tuấn. Họ lợi dụng chức vụ, vi phạm quy định đấu thầu vì động cơ trục lợi. Tuy vậy, tất cả được ghi nhận các tình tiết giảm nhẹ tương ứng nên sẽ được hưởng hình phạt ở khung dưới liền kề.
Về trách nhiệm dân sự, đại diện Viện kiểm sát nhận thấy, Công ty định giá AIC chỉ lập chứng thư và hưởng tiền công, không trực tiếp gây thiệt hại nên không xét buộc các bị cáo tại doanh nghiệp này bồi thường. Công ty Kim Hòa Phát cũng đã nộp tiền hưởng lợi bất chính nên các bị cáo là người của doanh nghiệp không phải bồi thường.
Đối với các thiệt hại còn lại trong vụ án, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử buộc nhóm bị cáo là cán bộ Bệnh viện Tim Hà Nội và Công ty Hoàng Nga phải bồi thường cho Bệnh viện Tim Hà Nội. Trong đó, nhóm bị cáo là doanh nghiệp tư nhân phải bồi thường cao hơn nhóm bị cáo là bác sĩ của Bệnh viện Tim Hà Nội.
Nguyễn Hưng/Báo CAND