Dàn tên lửa, xe tăng Triều Tiên phô diễn trong duyệt binh đêm
Triều Tiên huy động nhiều tên lửa đạn đạo, pháo phản lực và xe tăng hiện đại trong lễ duyệt binh kỷ niệm 75 năm thành lập quân đội.
Triều Tiên tổ chức lễ duyệt binh kỷ niệm 75 năm ngày thành lập quân đội tại quảng trường Kim Nhật Thành ở thủ đô Bình Nhưỡng đêm 8/2. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết sự kiện thể hiện “năng lực tấn công hạt nhân vĩ đại của đất nước”, với sự tham gia của nhiều đơn vị hạt nhân chiến thuật.
Binh sĩ Triều Tiên với trang bị cá nhân hiện đại di chuyển qua trước lễ đài.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cùng con gái Kim Ju-ae trên lễ đài chứng kiến lễ duyệt binh.
Điểm nhấn của lễ duyệt binh là sự xuất hiện của 11 xe chở đạn kiêm bệ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-17, cùng các mô hình hoặc nguyên mẫu bệ phóng kín được cho là của ICBM đời mới sử dụng nhiên liệu rắn. Giới chuyên gia phương Tây nhận định đây là lần xuất hiện đông đảo nhất của lực lượng ICBM Triều Tiên từ trước đến nay.
Xe chở đạn kiêm bệ phóng ICBM với ống phóng kín, được cho là của mẫu ICBM dùng nhiên liệu rắn đang được Triều Tiên phát triển. Dù khó chế tạo hơn động cơ nhiên liệu lỏng, tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn sở hữu hàng loạt ưu thế vượt trội. Chúng không mất thời gian nạp nhiên liệu trước khi phóng như tên lửa nhiên liệu lỏng, khó bị các hệ thống trinh sát của đối phương phát hiện và có thể triển khai từ nhiều địa điểm khác nhau. Tên lửa nhiên liệu rắn cũng tốn ít thời gian, công sức bảo dưỡng và di chuyển hơn nhiên liệu lỏng. Phần lớn tên lửa đạn đạo trong biên chế Triều Tiên hiện nay vẫn dùng nhiên liệu lỏng. Phát triển ICBM dùng nhiên liệu rắn là một trong những mục tiêu then chốt dài hạn của Bình Nhưỡng, nhằm tăng khả năng sống sót của lực lượng tên lửa chiến lược khi nổ ra xung đột.
Xe tăng chiến đấu chủ lực có vẻ ngoài tương đồng với mẫu T-14 Armata của Nga và M1 Abrams Mỹ di chuyển qua quảng trường Kim Nhật Thành trong lễ duyệt binh. Đây là mẫu xe tăng từng được Triều Tiên ra mắt lần đầu hồi năm 2020, nhưng không công bố tính năng cụ thể.
Các xe bệ phóng pháo phản lực siêu lớn xuất hiện trong lễ duyệt binh. Đây là các tổ hợp pháo phản lực có đường kính 600 mm, đạt tầm bắn khoảng 400 km, đủ sức đe dọa phần lớn căn cứ quân sự ở Hàn Quốc.
Các hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật của Triều Tiên, có tầm bắn gần 500 km và thiết kế tương đồng tổ hợp Iskander do Nga phát triển.
Cường kích Su-25 xả khói và thả pháo sáng khi bay qua lễ đài.
Ảnh: KCNA