Thực tiễn chứng minh, Việt Nam luôn đảm bảo các quyền cơ bản của con người, của công dân; những quyền tự do, dân chủ, nhân quyền, tự do ngôn luận, tự do báo chí luôn được thừa nhận, bảo đảm. Quyền đi đôi với nghĩa vụ, trách nhiệm; sự tự do nằm trong khuôn khổ quy định của Hiến pháp và pháp luật..
Trong thời gian Việt Nam báo cáo kết quả thực thi Công ước quốc tế các quyền dân sự và chính trị tại phiên họp lần thứ 3 Ủy ban công ước về các quyền dân sự và chính trị Liên Hợp quốc vào ngày 11 và 12-3-2019, Bộ Ngoại giao Mỹ đã có những nhận xét, đánh giá “vô lý” về tình hình nhân quyền năm 2018 của Việt Nam, đi ngược lại xu thế phát triển tốt đẹp trong quan hệ giữa hai nước. Điều này được thể hiện trên những điểm cơ bản như sau:
1. Danh không chính, ngôn không thuận
Bất cứ quốc gia nào trên thế giới đều có cơ quan chức năng phụ trách về đối ngoại – Bộ Ngoại giao và được gọi khác nhau tương ứng với từng quốc gia nhất định. Tuy nhiên, điểm chung của Bộ Ngoại giao các nước đều là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đối ngoại, gồm: Công tác ngoại giao, biên giới, lãnh thổ quốc gia, ký kết và thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, quản lý các cơ quan đại diện nước mình ở nước ngoài, hoạt động của các cơ quan đại diện nước ngoài tại nước mình… Bộ Ngoại giao Mỹ cũng vậy.
Song, Bộ Ngoại giao Mỹ lại tự cho mình “được có quyền” nhận xét, đánh giá về các vấn đề đối với tất cả các quốc gia trên thế giới nói chung, vấn đề nhân quyền ở các nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa nói riêng?
Tiếng nói của quốc gia, dân tộc trên trường quốc tế thông qua người phát ngôn của Bộ Ngoại giao để đưa thông điệp đến các quốc gia trong mối quan hệ song phương, đa phương và thế giới. Những phát ngôn đó đều thể hiện lập trường trong mối quan hệ mang tính chất ngoại giao, hướng tới hòa bình, phát triển, thịnh vượng của nhân loại. Trái ngược với xu thế chung đó, Bộ Ngoại giao Mỹ tự cho mình cái quyền “được phán xét” tạo sự méo mó, gây phương hại cho các quốc gia “bị phán xét”. Điều này thật “vô lý” trong xu thế “toàn cầu” hiện nay.
2. Sự quy chụp, thiếu khách quan
Muốn nhận xét, đánh giá về một lĩnh vực nào đó của bất cứ quốc gia nào cần dựa trên cơ sở khoa học, phải đảm bảo tính khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể và phát triển. Căn cứ thực tiễn, đánh giá trung thực, xuyên tạc, bóp méo; nhìn nhận toàn diện vấn đề được đánh giá trong mối liên hệ với những vấn đề khác, nhất là trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật của nước đó; sự đánh giá phải trên cơ sở so sánh theo chiều dài lịch sử vấn đề của quốc gia đó và đi vào cụ thể những biểu hiện của vấn đề, thấy được ưu điểm, hạn chế, nhìn nhận theo chiều hướng tích cực của sự phát triển đi lên. Song, Bộ Ngoại giao Mỹ lại không như vậy!
Những nhận xét, đánh giá về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam lại chủ yếu dựa vào những bản án tù của những đối tượng đã bị tuyên án vì hành vi “tuyên truyền chống phá nhà nước Việt Nam; lật đổ chính quyền nhân dân…”.
Những đối tượng đó đã vi phạm pháp luật, đã và đang phải chấp hành án theo quy định của pháp luật Việt Nam. Những đối tượng đó đều có được chế độ “tù nhân” như nhau theo từng bản án nhất định, được xét xử công khai, minh bạch, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và sẽ được ân xá nếu có tiến bộ rõ rệt, có xu hướng phấn đấu hoàn lương trong thời gian chấp hành án.
Đây là sự ưu việt của chế độ ta. Vậy mà, Bộ Ngoại giao Mỹ lại cố tình đưa ra “nhận xét, đánh giá” thiếu khách quan, quy chụp Việt Nam tăng cường đàn áp, thực hiện những bản án nặng nề và phân biệt đối xử, tra tấn về thể xác, tinh thần đối với những “tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị”.
Điều này không có cơ sở khoa học, hoàn toàn là quy chụp, xuyên tạc nhân quyền ở Việt Nam. Thử hỏi, bất kỳ cá nhân nào có hành vi gây nguy hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn của nước Mỹ sẽ bị trừng trị hay được tha bổng để sống nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật?
Thực tiễn chứng minh, Việt Nam luôn đảm bảo các quyền cơ bản của con người, của công dân; những quyền tự do, dân chủ, nhân quyền, tự do ngôn luận, tự do báo chí luôn được thừa nhận, bảo đảm. Quyền đi đôi với nghĩa vụ, trách nhiệm; sự tự do nằm trong khuôn khổ quy định của Hiến pháp và pháp luật thì mới đảm bảo công bằng, an toàn cho xã hội; tự do không theo khuôn khổ quy định của pháp luật thì xã hội sẽ loạn, môi trường sống của con người không có sự an toàn.
Việt Nam xây dựng đất nước từ xuất phát điểm rất thấp do hậu quả nặng nề của chiến tranh gây ra. Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã và đang chứng minh cho thế giới thấy sự tiến bộ mọi mặt, trong đó có vấn đề nhân quyền. Ngày 25-1-2019, Nhóm làm việc về Rà soát Định kỳ Phổ quát chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc đã đồng thuận thông qua Báo cáo về kết quả rà soát của Việt Nam và khẳng định: Việt Nam luôn đảm bảo những quyền tự do cơ bản của công dân phù hợp với các Công ước quốc tế về quyền con người. Sự đảm bảo đó được thể hiện trong Hiến pháp, pháp luật và bảo đảm trên thực tế ở Việt Nam.
Trong thời gian tham dự phiên họp Việt Nam luôn nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ báo cáo về tình hình thực thi các cam kết quốc tế, cung cấp cho quốc tế bức tranh tổng thể các vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Ủy ban Công ước cũng đã đánh giá cao việc tham gia vào đối thoại của đoàn Việt Nam, ghi nhận những kết quả đáng khích lệ của Việt Nam trong việc thực thi công ước và tin tưởng Việt Nam tiếp tục bảo vệ và phát huy ngày càng tốt hơn quyền con người và quyền công dân.
3. Nhận xét, đánh giá thiếu khách quan, sai lệnh
Kết thúc chiến tranh ở Việt Nam, Mỹ luôn tìm mọi cách để chống phá cách mạng nước ta, bằng thủ đoạn “diễn biến hòa bình” để thay đổi màu sắc thể chế chính trị xã hội ở Việt Nam; thông qua ngoại giao, phát triển kinh tế, đầu tư, lợi nhuận để cài cắm mầm mống chủ nghĩa tư bản, lấy lợi ích để mua chuộc, phát triển “lợi ích nhóm” – biến tướng bằng tên gọi “chủ nghĩa tư bản thân hữu” để giằng co, kéo chệch mô hình chủ nghĩa xã hội của Việt Nam.
Đặc biệt, sử dụng các tổ chức mang tên gọi “dân chủ, nhân quyền” để câu móc, đào tạo các thành phần bất hảo, chống đối, tiến hành các hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam. Những đối tượng đó thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, bị trừng trị theo quy định của pháp luật Việt Nam thì các tổ chức được mang danh “vì tự do, dân chủ, nhân quyền” đó lại chống phá nước ta bằng luận điệu “Việt Nam vi phạm nhân quyền”, đi theo sau đó là nhận xét, đánh giá của Bộ Ngoại giao Mỹ. Không những thế, sự can thiệp vô lý của những tổ chức đó bằng vận động gây áp lực với Việt Nam thông qua các mối quan hệ trên lĩnh vực kinh tế, ngoại giao theo phương châm “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, buộc Việt Nam thay đổi thể chế chính trị xã hội chủ nghĩa.
Giá trị lớn nhất về nhân quyền là sự tự do, môi trường sống trong hòa bình, ổn định, phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực con người. Hãy tự trả lời cho những lần “xả súng kinh hoàng” tại nước Mỹ, những thảm khốc sau khói súng mà nước Mỹ mang đến cho các nước theo mô hình xã hội chủ nghĩa, sẽ thấy được “nhân quyền của nước Mỹ ra sao”?
Bản chất của “nhận xét, đánh giá” về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam của Bộ Ngoại giao Mỹ, thiếu tính khách quan, sai lệch thực tiễn nhân quyền ở Việt Nam. Điều vô lý đó cũng được Mỹ áp đặt với những quốc gia khác và đương nhiên sẽ chẳng thể phủ nhận được sự tiến bộ toàn diện của nước ta, không thể xóa đi sự đảm bảo về những quyền cơ bản của con người, công dân ở Việt Nam.
Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân luôn được đảm bảo trong Hiến pháp, pháp luật và trong thực tiễn đời sống chính trị xã hội ở Việt Nam. Bên cạnh đó, nó còn đi ngược lại sự phát triển tốt đẹp trong quan hệ giữa hai nước kể từ khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, khi mà quan hệ giữa hai nước đã ngày càng trở nên sâu sắc, đa dạng hơn với việc thường xuyên mở rộng trao đổi chính trị, đối thoại về nhân quyền và an ninh khu vực; bằng chứng mới nhất là Việt Nam nước chủ nhà vừa tổ chức an toàn tuyệt đối Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên.