Giữa thập kỷ 60 của thế kỷ 20, thất bại nặng nề trên chiến trường miền Nam, Mỹ mở cuộc chiến tranh leo thang khốc liệt ra miền Bắc Việt Nam bằng không quân và hải quân. Bên cạnh đó là các hoạt động tình báo, xâm nhập sâu vào các mục tiêu quân sự, kinh tế của ta ở Hải Phòng, đặc biệt là thu thập tài liệu về công tác chi viện tiền phương. Song với tinh thần cảnh giác và nghiệp vụ sắc bén lực lượng an ninh thành phố Cảng đã giành thắng lợi trong cuộc chiến không tiếng súng, đánh bại âm mưu thâm độc của cơ quan tình báo nước ngoài.
Thực hiện Chỉ thị 125 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Hội nghị Công an toàn quốc về “Tăng cường giữ gìn an ninh miền Bắc, kiên quyết đánh bại mọi âm mưu hoạt động của bọn gián điệp và phản cách mạng khác trong tình hình chiến tranh phá hoại…”, Sở Công an Hải Phòng đã triển khai một thế trận an ninh toàn diện tới các cơ quan, xí nghiệp, khu dân cư.
Mỗi người dân là một mắt lưới phản gián, được trang bị những tình huống đối phó bài bản, chu đáo. Hệ quả của thế trận an ninh, đã bịt mắt nhiều nhóm tình báo Mỹ khi chúng tung nhân viên đi khắp Hải Phòng để tìm nơi xuất phát của những con tàu “Không số” chi viện cho chiến trường.
Một buổi chiều tháng 2 năm 1968, trong khi lực lượng Công an đang truy tìm một đầu mối gián điệp hoạt động tại cảng Hải Phòng thì nhân viên trong tổ công tác của Hải quan cửa khẩu phát hiện một thuỷ thủ nước ngoài, tên hộ chiếu Lam Ping Nam, có nhiều dấu hiệu khả nghi. Thông tin lập tức được báo qua đường dây nóng về C1 Sở Công an Hải Phòng.
Ông Doãn Duyên – nguyên Giám đốc đại lý tàu biển Hải Phòng, lúc đó là trinh sát phản gián thuộc Đội PKD3 Sở Công an kể: Khi kiểm tra tư trang Lam Ping Nam, các ông phát hiện bao thuốc lá 555 của thuỷ thủ này có một điếu giả, bên trong giấu một cuộn vi phim.
Lực lượng nghiệp vụ có sự trợ giúp của Phòng chống đặc vụ thuộc K48 Bộ Công an đã khẩn trương phân tích, dựng nội dung tài liệu. Kết quả ta nắm được toàn bộ bản chỉ thị tóm tắt của trung tâm tình báo nước ngoài chuyển vào, giao nhiệm vụ cho một đối tượng họ Âu ở phố Nguyễn Đức Cảnh. Bản chỉ thị yêu cầu thu thập toàn bộ danh sách tàu biển cập cảng Hải Phòng, ngày, giờ, chở chủng loại hàng gì đến, số lượng bao nhiêu…
Qua rà soát địa bàn, lực lượng Công an nhanh chóng xác định, tên họ Âu chính là Âu Trạch Niên, một nhân viên ghi nhận của xí nghiệp Cảng Hải Phòng. Tên này bị cơ quan tình báo nước ngoài móc nối, y còn lôi kéo cả con gái là Âu Cần Tiên và vợ là Âu Nguyệt Mi cùng hoạt động. Trước bằng chứng cụ thể, cơ quan an ninh Hải Phòng có thể bắt giữ ngay Lam Ping Nam, Âu Trạch Niên và đồng bọn.
Nhưng theo chỉ đạo của đồng chí Trần Đông – nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an, lúc đó đồng chí Trần Đông là Giám đốc Sở Công an Hải Phòng đề xuất, chưa thực hiện lệnh bắt, mà “tương kế, tựu kế”, sử dụng ngay điệp viên của địch phục vụ cho công tác tình báo của ta. Ý kiến được Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn phê duyệt và chỉ đạo.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan An ninh đã chủ động thu thập toàn bộ thông tin đến, điều chỉnh tài liệu báo cáo ra nước ngoài theo chiều có lợi cho công tác an ninh của ta và đảm bảo yêu cầu giữ bí mật tình hình vận chuyển hàng hoá ra tiền tuyến. Thế là toàn bộ tài liệu con thoi của tình báo nước ngoài thường xuyên bị cơ quan an ninh Việt Nam làm chủ, sử dụng như một vũ khí vô hình, rất lợi hại mà chúng không hề biết.
Sau khi bí mật khai thác và điều khiển thông tin tình báo của địch, ngày 9-5-1972, Công an Hải Phòng đã triển khai kế hoạch phá án. Lực lượng an ninh bất ngờ bắt giữ Âu Trạch Niên với đầy đủ chứng cứ về tội làm gián điệp, chống Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Âu Trạch Niên cùng đồng bọn bị TAND thành phố Hải Phòng xét xử công khai. Chiến công của lực lượng an ninh Hải Phòng đã góp phần bảo toàn bí mật về tình hình vận chuyển hàng hoá, vũ khí, quân lương qua Hải Phòng, chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi.
(Theo Công An Nhân Dân)