Cắt ghép, bôi nhọ lịch sử dân tộc và nhân loại nhưng lại núp bóng “cách nhìn mới” để làm lệch lạc nhận thức giới trẻ. Nhấn mạnh chủ nghĩa kỹ trị, đề cao dạy kiến thức kinh tế, khoa học kỹ thuật mà xem nhẹ giáo dục truyền thống, giáo dục lịch sử… để tạo ra những con người thiếu hoàn thiện về nhân cách. Làm gì để ngăn chặn, đấu tranh với những biểu hiện sai trái đó? Một trong những việc làm cần thiết là phải tăng cường giáo dục lịch sử, giáo dục truyền thống. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia, nhà nghiên cứu, giáo dục lịch sử về vấn đề này.
Toàn cảnh buổi toạ đàm
PGS, TS Vũ Quang Hiển (Giảng viên Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội):
Cắt ghép và xuyên tạc – thủ đoạn nguy hiểm
Cắt ghép, xuyên tạc lịch sử vốn là cách làm của những người muốn bôi nhọ lịch sử dân tộc và nhân loại. Ngày càng có nhiều công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng làm lung lạc tinh thần thế hệ trẻ Việt Nam bằng cách cắt ghép và xuyên tạc lịch sử theo một lô-gíc chủ quan đã định trước, nhưng lại núp bóng “cách nhìn mới” về lịch sử. Xin nêu một số ví dụ:
Người ta bỏ qua Hiệp định Muy-ních giữa Anh, Pháp và Đức, chỉ tập trung khai thác và nhấn mạnh Hiệp ước Xô-Đức để đi tới kết luận kẻ gây ra chiến tranh thế giới thứ hai không phải là chủ nghĩa phát xít, mà là Liên Xô (?).
Người ta cố tình lãng quên những tội ác của chủ nghĩa thực dân, cố tình bỏ qua hành động xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cùng chính quyền do họ dựng ra, bỏ qua những việc làm đầy thiện chí nhân đạo và hòa bình của Chính phủ, nhân dân Việt Nam, để tập trung bôi nhọ, vu khống Đảng Cộng sản Việt Nam là thủ phạm gây ra những cuộc chiến tranh tàn khốc trong suốt 30 năm (1945-1975), đẩy nhân dân vào cảnh chết chóc, tang thương; “chỉ có nhân dân là chiến bại”(?).
Có không ít người xuất phát từ việc xuyên tạc rằng, Pháp và Việt Minh đã “tự ý” ký với nhau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 để chia Việt Nam thành “hai quốc gia”, đẩy đất nước vào cảnh “Trịnh-Nguyễn phân tranh”, để rồi đi đến kết luận cộng sản Bắc Việt xâm lược Việt Nam Cộng hòa là một quốc gia độc lập, có chủ quyền và vì thế Việt Nam Cộng hòa phải yêu cầu Mỹ “giúp đỡ” chống “cộng sản hiếu chiến xâm lăng”, phủ nhận chính sách xâm lược thực dân mới của Mỹ (?).
Đó là những thủ đoạn mạo danh khoa học để xuyên tạc lịch sử thế giới và lịch sử dân tộc. Phải chăng những cách trình bày, giải thích lịch sử như trên là khách quan và khoa học? Việc giáo dục lịch sử thiếu hệ thống và toàn diện sẽ đặt thế hệ trẻ Việt Nam đứng trước những hiểm họa mà tất cả những người có lương tâm hôm nay phải có trách nhiệm nặng nề.
Nguy cơ lịch sử bị xuyên tạc và lợi dụng là không thể xem thường. Đây là bài toán mà Đảng, Chính phủ và toàn bộ hệ thống chính trị Việt Nam đều phải quan tâm.
Liệu thế hệ trẻ Việt Nam mai sau có biết và tin rằng “kẻ thù buộc ta ôm cây súng”(?), có còn phân biệt được đúng-sai, chính nghĩa-gian tà, xâm lược và chống xâm lược? Trong những biến đổi không ngừng của quan hệ quốc tế hiện đại, sự thay đổi điều kiện sống và làm việc, liệu các công dân Việt Nam trong tương lai có tin vào những việc cha anh mình đã làm là phù hợp với yêu cầu khách quan của lịch sử hay không?
Câu trả lời vẫn còn ở phía trước và tùy thuộc rất nhiều vào hiệu quả của việc giáo dục lịch sử, giáo dục truyền thống sao cho hiệu quả.
TS Tưởng Phi Ngọ (Phó chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh):
Giáo dục lịch sử để tăng cường ý thức bảo vệ Tổ quốc
Trong kháng chiến, việc dạy học lịch sử đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. Vậy thời bình, hết giặc rồi, có cần thiết phải chú trọng môn Lịch sử như trước không?
Đúng là chúng ta đang sống trong hòa bình nhưng hòa bình không phải là giá trị bền vững tuyệt đối. Nền hòa bình của nước ta vẫn luôn đứng trước nhiều nguy cơ. Ai cũng biết điều này, nên vẫn rất cần ưu tiên cho giáo dục lịch sử.
Thực tế hiện nay, việc dạy học môn Lịch sử ở bậc học phổ thông đang gặp rất nhiều khó khăn, thử thách so với trước kia vì ba lẽ sau đây:
Thứ nhất, do những quan điểm tuyên truyền phản động, xuyên tạc lịch sử nhằm bôi xấu, chống đối chế độ trong thực tế và qua internet. Nếu được trang bị kiến thức lịch sử đúng mức thì học sinh sẽ vững vàng hơn, có nhiều kiến thức để bác bỏ các quan điểm sai trái. Ngược lại, có thể phát sinh những hậu quả khôn lường.
Thứ hai, những tiêu cực của người lớn trong thực tế, qua các phương tiện thông tin đại chúng và dư luận khiến học sinh ít nhiều giảm sút lòng tin.
Thứ ba, khó khăn nhất vẫn là nhiều học sinh không muốn học môn Lịch sử vì mục đích thực dụng, để tập trung cho những môn học có lợi cho các em về tương lai kinh tế. Điều này sẽ dẫn đến những tai hại cho tương lai đất nước. Do đó, rất cần Bộ Giáo dục và Đào tạo điều tiết. Giống như đứa trẻ trong gia đình chỉ ăn thịt mà không ăn rau, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến những căn bệnh nguy hiểm. Bộ nên điều tiết bằng cách xếp môn Lịch sử vào vị trí môn học bắt buộc, còn những nhược điểm về chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy học sẽ được giải quyết ở khu vực khác. Cần thiết phải làm thế vì nhà trường Việt Nam luôn chú trọng giáo dục lòng yêu nước cho học sinh.
Kinh nghiệm nước ngoài có nhiều, có nước không ưu tiên môn Lịch sử nhưng hầu hết các nước là ưu tiên. Trong trường phổ thông I-xra-en hiện nay, Lịch sử được xếp ngang hàng với môn Văn học, môn Kinh thánh và học sinh phải thi.
Cần chú trọng đặc điểm nước ta hiện nay để quyết định. Đất nước có hòa bình nhưng nguy cơ luôn tiềm ẩn, cần giáo dục lòng yêu nước, ý thức cảnh giác, bảo vệ Tổ quốc cho học sinh.
GS, TS Nguyễn Thị Côi (Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội):
Những bài học không bao giờ cũ
V.I.Lê-nin xem lịch sử là việc nghiên cứu kinh nghiệm, những sai lầm của ngày hôm qua để ngày nay và mai sau không lặp lại sai lầm đó nữa. Ông viết: “Chúng ta lấy năm tổng kết đã qua làm tài liệu, làm bài học, làm bậc lên và chúng ta phải ven theo bậc thang đó để đi lên hơn nữa”. Một trong những bài học kinh nghiệm bao trùm, trở thành một quy luật đặc thù trong lịch sử dân tộc là dựng nước và giữ nước luôn gắn liền với nhau. Bài học quý giá này chỉ cho chúng ta thấy tuy hoàn cảnh xây dựng đất nước ngày nay khác với trước đây, nhưng không bao giờ được tách rời hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Xu hướng toàn cầu hóa, khu vực hóa hiện nay cũng làm cho chúng ta dễ bị hòa tan vào thế giới phát triển hơn ta, đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc và độc lập dân tộc dễ bị xâm phạm. Điều này đòi hỏi chúng ta phải trang bị cho thế hệ trẻ kiến thức lịch sử, đặc biệt là lịch sử dân tộc để các em biết tự hào, giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông.
Thực tế vừa qua, chất lượng học tập môn Lịch sử vẫn rất đáng lo ngại. Không chỉ học sinh phổ thông mà thậm chí những hiểu biết về lịch sử của một bộ phận sinh viên đại học, nhất là lịch sử dân tộc cũng rất hạn chế. Đặc biệt, có sinh viên ở một số tỉnh phía Nam còn xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc về Bác Hồ, thích lá cờ của chính quyền Sài Gòn trước đây… Đó là tiếng chuông báo động cho giáo dục phổ thông, báo động cho việc chưa coi trọng giáo dục lịch sử.
PGS, TS Kiều Thế Hưng (nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội):
Không chỉ là tri thức mà còn là tình cảm thiêng liêng
Giáo dục lịch sử không chỉ là giáo dục tri thức khoa học thuần túy mà còn là giáo dục tình cảm thiêng liêng, không chỉ của thế hệ trẻ mà còn là của mỗi người dân Việt Nam đối với dân tộc, với Tổ quốc và nhân dân mình. Đó không chỉ là niềm kiêu hãnh và tự hào mà còn là máu xương và nước mắt của biết bao thế hệ đã cống hiến, hy sinh cho dân tộc này, đất nước này. Mới đây, tại một lễ hội hóa trang Halloween trên một con phố trung tâm của TP Hồ Chí Minh, người ta có thể cười đùa và phấn khích với đủ loại hóa trang ma quỷ nhưng cộng đồng đã phẫn nộ, phản ứng dữ dội với một nhóm thanh niên lố lăng, hóa trang là mũ tai bèo và trang phục truyền thống của lực lượng vũ trang cách mạng. Nhiều người cho rằng, đó là sự vô cảm với truyền thống dân tộc và xúc phạm tới tình cảm thiêng liêng của thế hệ hôm nay đối với các thế hệ cha anh.
Động chạm tới lịch sử là động chạm tới những vấn đề rất nhạy cảm về chính trị, những vấn đề của tình cảm nhân văn mang đặc trưng bản sắc Việt Nam, bản sắc của một dân tộc tuy không phải hiếu chiến, nhưng không bao giờ được buông lơi cây súng, ngay cả khi đất nước đã hòa bình.
NGUYÊN MINH (ghi)/Báo QĐND