Dịch COVID-19 ngày 20/4: Hơn 2,4 triệu người nhiễm bệnh, “phép màu Việt Nam”

share on:

Theo trang tin “Mùa Xuân nước Nga” (Rusvesna), Việt Nam là một trong những ví dụ thành công nhất trên thế giới trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Hơn 2,4 triệu người nhiễm bệnh, hơn 160.000 người chết

Dường như đã nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm” trong cuộc chiếc chống đại dịch COVID-19 tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Theo thống kê mới nhất từ Worldometers, hiện trên thế giới đang có hơn 2,4 triệu ca nhiễm, và hơn 160.000 người tử vong vì COVID-19 tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Mỹ vẫn là ổ dịch lớn nhất thế giới khi chiếm hơn 30% tổng sổ ca nhiễm trên thế giới, với hơn 763.000 người nhiễm bệnh. Đáng chú ý, số ca tử vong vì COVID-19 cũng đã vượt mốc 40.000 người.

Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh tại Mỹ cũng đang cho thấy những tín hiệu tích cực khi mà số ca nhiễm mới và số ca tử vong được ghi nhận trong vòng 24 giờ lần lượt là hơn 24.000 ca và hơn 1.500 ca, thấp hơn đáng kể so với một số ngày gần đây. NewYork, tâm dịch COVID-19 của nước Mỹ, Thống đốc bang này Andrew Cuomo cho biết hiện đã qua đỉnh dịch.

Tương tự ổ dịch lớn thứ 2 thế giới là Tây Ban Nha chỉ ghi nhận 410 ca tử vong vì COVID-19, so với 565 ca của một ngày trước đó. Đây là mức tử vong thấp nhất kể từ ngày 22/3, và thấp hơn rất nhiều so với mốc cao nhất 950 ca tử vong ghi nhận trong ngày 2/4.

Trong khi đó, ổ dịch lớn thứ 3 là Italy cũng chỉ ghi nhận 433 ca tử vong, giảm so với mức 482 ca của một ngày trước đó. Đáng kể nhất là tại Đức, nước này chỉ ghi nhận mới thêm 48 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua.

Đáng chú ý, Nga đang trở thành điểm nóng mới của dịch COVID-19 tại châu Âu. Nước này đã ghi nhận thêm hơn 6.000 ca bệnh mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên hơn 42.000 người. Tình hình tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng đáng lo ngại khi nước này ghi nhận mới thêm gần 4.000 sau một ngày.

Tại Đông Nam Á, Singapore đã trở thành ổ dịch lớn nhất khu vực với 6.588 ca nhiễm, tăng thêm 596 ca sau 24 giờ qua. Đứng ngay sau là Indonesia với 6.575 ca nhiễm. Hiện Indonesia đang là quốc gia có số ca tử vong vì COVID-19 nhiều nhất khu vực với 582 người chết.

Trong khi đó, tại Việt Nam đã trải qua 4 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc COVID-19. Số người nhiễm bệnh trong sáng nay (20/4) vẫn dừng lại ở con số 268. Việt Nam cũng chưa ghi nhận bất cứ trường hợp tử vong nào vì COVID-19.

“Phép màu Việt Nam”

Trước những diễn biến tích cực tại Việt Nam, báo chí thế giới đã tiếp tục dành những lời ca ngợi về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 của nước ta.

Trang tin “Mùa Xuân nước Nga” (Rusvesna) ngày 19/4 đăng bài viết có tiêu đề “Phép màu Việt Nam – cách một dân tộc dũng cảm đánh bại đại dịch khủng khiếp”, trong đó khẳng định Việt Nam là một trong những ví dụ thành công nhất trên thế giới trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Tác giả bài rằng cho rằng, thành công của Việt Nam được thể hiện rõ nhất là sự vào cuộc rất sớm của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ Việt Nam.

Việt Nam ngày thứ 4 liên tiếp không ghi nhận thêm ca mắc COVID-19 mới

Nguyên nhân thành công tiếp theo của Việt Nam là kinh nghiệm trong đấu tranh với sự bùng phát các loại bệnh dịch trước đây như dịch SARS vào năm 2003 và dịch cúm H5N1 vào năm 2004. Do đó, Việt Nam đã ngay lập tức áp dụng các biện pháp ngăn ngừa lây lan virus SARS-CoV-2 khi vừa phát hiện những trường hợp dương tính đầu tiên.

Nguyên nhân giúp Việt Nam giảm số người lây nhiễm là sự minh bạch thông tin và phối hợp hiệu quả giữa chính phủ và người dân. Ngay cả khi xuất hiện nhiều ca nhiễm “nhập khẩu” từ nước ngoài vào, Việt Nam đã nhanh chóng khống chế tốt, không để trở thành “điểm nóng” của COVID-19.

Ngoài ra, tại Việt Nam cũng áp dụng biện pháp “giãn cách xã hội” với các quy định chặt chẽ, thậm chí cho học sinh nghỉ học ngay sau khi kết thúc Tết Nguyên đán. Tất cả những biện pháp phòng chống dịch bệnh của Chính phủ đã được người dân Việt Nam ủng hộ và thực hiện.

Giãn cách xã hội giúp hạn chế sự lây lan COVID-19 thời gian qua.

Trong khi đó, tờ Financial Time đánh giá cao chiến lược phòng chống COVID-19 của Việt Nam với “chi phí thấp”.

Thay vì xét nghiệm hàng loạt như Hàn Quốc, Việt Nam đã tập trung vào việc cách ly người mắc và truy tìm mọi mối tiếp xúc từ người bệnh. Kể từ khi bắt đầu khủng hoảng, Việt Nam mới chỉ thực hiện 120.000 xét nghiệm, chủ yếu là những người đã trở về từ các khu vực ổ dịch.

Ngoài việc truy tìm người tiếp xúc gần với bệnh nhân, Việt Nam cũng đã đưa ra lệnh cách ly bắt buộc trong 14 ngày đối với tất cả những người nhập cảnh.

Theo VTV

Facebook Comments