Điệp báo Xuân Hương và “mật thư lưu động”

share on:

“Mật thư lưu động” là một danh từ đặc trưng của ngành tình báo. Với CIA, “mật thư lưu động” là một mắt xích quan trọng bậc nhất trong chuỗi thực thi nhiệm vụ tình báo. Họ tuyển chọn những nhân vật có độ tin cậy cao, kiến thức rộng, giỏi ứng xử, hành động nhạy bén để đào tạo thành một điệp viên chuyên thực thi nhiệm vụ thu nhận, chuyển giao tin tức từ điệp viên “ngọn” về trung tâm và ngược lại.

Điệp báo Xuân Hương và “mật thư lưu động”

Chân dung nữ giao thông điệp báo Ba Tơ trong thời gian hoạt động.

“Mật thư lưu động” quan trọng đến nỗi luôn được trang bị một liều độc dược cá nhân để tự tử ngay khi bị đối phương phát hiện. Trong tình báo, bắt được “mật thư lưu động” là kể như cầm chắc trong tay toàn bộ tuyến lưới điệp viên của đối phương.

Năm 1973, nhận thấy nhiều thông tin tuyệt mật của chính quyền Sài Gòn “lọt” vào Trung ương Cục miền Nam, Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo Việt Nam Cộng hòa (VNCH) nghi ngờ trong hệ thống chính quyền có điệp viên của ta. Hệ thống tình báo VNCH và CIA tung người đi truy lùng. Chúng đã nghi ngờ một chuyên viên cao cấp làm việc trong một bộ phận trọng yếu ở Dinh Độc lập nhưng chưa có bằng chứng. Thế là chúng tổ chức chiến dịch theo dõi để truy tìm “mật thư lưu động” của nhân vật này. Suốt 2 năm theo dõi, cho đến ngày 30/4/1975, hồ sơ của chiến dịch này vẫn còn bỏ trống. Ai là “mật thư lưu động” của nhận vật này?

Đó là một người phụ nữ hiền lành, chất phác có tên là Nguyễn Thị Xuân Hương, sinh năm 1935. Mọi người thường gọi bà bằng cái tên thân mật là bà Bảy. Trong lưới điệp báo bà có mật danh là “Ba Tơ”. Bà trở thành “mật thư lưu động” (ta gọi là giao liên mật) như một sự tình cờ của cơ duyên. Cơ duyên đó đến trong lúc bà đang rơi vào hoàn cảnh cơ cực nhất của cuộc đời. Đó là năm 1971.

Cha bà là một nhà buôn giàu có nhưng đông con ở Gò Công. Năm 13 tuổi, mẹ bà mất, cha buồn phiền suy sụp lại gặp cảnh chiến tranh nên gia đình dần khánh kiệt lâm vào cảnh nghèo khó. Do người anh lớn tham gia kháng chiến, nên cha bà bị đám cường hào ác bá quấy nhiễu. Chịu không nổi, ông đưa các con về Sài Gòn lánh nạn rồi lâm bệnh, qua đời.

Phần bà, năm 1953 theo người anh vào vùng kháng chiến ở Đồng Tháp Mười để rồi thương yêu và nên duyên chồng vợ với một cán bộ kháng chiến. Do chồng đi hoạt động suốt nên bà phải dối diện với bao khó khăn trong cảnh thiếu phụ trông chồng.  Năm 1965, bà về Sài Gòn rồi đi Long Khánh làm thuê, kiếm sống. Hai năm sau, chồng bà bị địch bắt giam ở Mỹ Tho.

Năm 1967, chồng chết, bỏ lại một mình bà với 2 đứa con nhỏ. Bà đưa các con về Sài Gòn lánh nạn. Bà trở thành chị cả nuôi 4 đứa em và 2 đứa con nhỏ. Giữa Sài Gòn thời buổi ấy, để nuôi được 7 miệng ăn, bà phải làm đủ thứ nghề từ may áo dài, bán bánh cam cho đến bán bánh phồng tôm. Cả 7 người xúm nhau làm quần quật đến tận nửa đêm mới đủ sống. Người em trai út của bà đến tuổi trưởng thành lại theo cách mạng.

Năm 1971, người em trai út bị địch bắt giam ở Thủ Đức. Bà và 3 người em gái thay nhau thăm nuôi hàng tuần.

Thời điểm này, Sáu Thảo, một nữ cán bộ điệp báo Ban An ninh T4 (tức nữ Anh hùng lực lượng vũ trang, Đại tá Công an Nguyễn Thị Thảo, nguyên Chỉ huy trưởng cụm điệp báo Số Sáu nội thành Sài Gòn) được giao nhiệm vụ đi từ căn cứ Cồn Cò (một địa danh giáp biên giới ở Hồng Ngự, Đồng Tháp) vào Sài Gòn để bắt liên lạc với một điệp viên cao cấp của ta cài cắm trong hàng ngũ địch.

Khi đi trên sông Hồng Ngự, Sáu Thảo phải vượt qua một trạm gác nổi của cảnh sát. Do có chỉ điểm, Sáu Thảo bị địch bắt. Tuy nhiên, chúng chỉ biết Sáu Thảo là “cán bộ Việt Cộng” nhưng không biết bà thuộc bộ phận nào.

Địch di lý bà về Nha Cảnh sát Đô thành Sài Gòn. Dù bị tra tấn dã man, Sáu Thảo vẫn một mực không nhận mình là Việt Cộng. Không có chứng cứ đưa ra tòa, địch đưa bà về giam ở trại Thủ Đức. Dù bị tra tấn, giam cầm nhưng Sáu Thảo vẫn lo ngại cho tổ chức. Bà đau đáu tìm cách mật báo tin mình bị bắt về căn cứ cho lãnh đạo định liệu.

Bà quan sát những người “tù Cộng sản” và nhận thấy người tù Nguyễn Văn Lợi thường xuyên có người chị đến thăm nuôi. Sáu Thảo tháo chiếc đồng hồ đeo tay nhờ người này trao tận tay cho một người nhà ở Bình Dương. “Người chị” này, tức Xuân Hương cảm thương người nữ tù, nhận lời chuyển giúp chiếc đồng hồ chứ không biết đó là một chuyến giao liên tín hiệu của nghiệp vụ tình báo.

Sau khi rời nhà tù, Xuân Hương đạp xe lên Bình Dương trao chiếc đồng hồ của Sáu Thảo đến tận tay người nhận. Nhận được chiếc đồng hồ, hiểu chuyện gì đã xảy ra, người này (một cơ sở điệp báo) báo tin cho Ban An ninh T4. Đó là chuyến giao liên “vô tình” đầu tiên của “mật thư lưu động” Xuân Hương.

Mấy tháng sau, do không đủ chứng cứ buộc tội, Sáu Thảo được trả tự do. Sau khi ra tù, bà trở về căn cứ nhận nhiệm vụ.

Thời điểm này, Ban An ninh T4 tăng cường công tác nắm tình hình nội bộ địch tại Sài Gòn, bà Sáu Thảo phải tuyển dụng thêm lực lượng để xây dựng các hệ thống giao liên, hệ thống “đứng chân” và một số hệ thống hộp thư  liên lạc. Chợt nhớ đến người phụ nữ chuyển đồng hồ giúp mình trong thời gian bị cầm tù, Sáu Thảo lần tìm đến tận nhà. Khi bước vào nhà, Sáu Thảo giật mình vì tình cảnh nghèo khó của chị em bà Xuân Hương. Dù biết Sáu Thảo là “Việt Cộng chính hiệu” mới ra tù, có thể cảnh sát đang theo dõi nhưng chị em bà Xuân Hương vẫn nhiệt tình đón tiếp.

Đêm đó, cảnh sát đột ngột khám xét nhà. Giữa căn nhà trống hoác chỉ có chiếc tủ quần áo 2 cửa là nơi kín nhất, bà Sáu Thảo trốn vào đó đứng và cầm chắc bị bắt lần nữa. Tuy nhiên, nhờ tài ứng biến nhanh nhẹn của chị em Xuân Hương, bọn chúng không nghi ngờ chiếc tủ và bỏ đi sau khi khám xét chiếu lệ. Ngay hôm đó, bà Sáu Thảo quyết định tuyển dụng Xuân Hương vào lực lượng bí mật với vai trò “mật thư lưu động”.

Sau khi hướng dẫn nhanh một số kỹ năng hoạt động bí mật như: Phương thức sử dụng ám hiệu, tín hiệu, mật khẩu… khi giao nhận tài liệu, Sáu Thảo đưa Xuân Hương đi thử một chuyến giao liên chuyển thư từ Sài Gòn về Gò Dầu, Tây Ninh.

Chuyến đi trót lọt, bà Xuân Hương chính thức trở thành điệp viên có bí danh là Ba Tơ nhận nhiệm vụ giao và nhận tài liệu giữa một điệp viên cao cấp của ta có bí danh là Út, đang ẩn trong vai một chuyên viên cao cấp trong Dinh Độc lập đến một hộp thư mật trung gian ở Tây Ninh để đưa vào căn cứ An ninh T4.

Để đảm bảo an toàn, chuyến đầu tiên, Út bí mật giao cho Ba Tơ thực hiện những “bài thi”. Việc thực hiện “bài thi” này, Ba Tơ hoàn toàn không hay biết. Chuyến đầu, Út giao cho Ba Tơ những “tài liệu rỗng”, mang hình dáng cuộn giấy bằng ngón tay nhưng hoàn toàn trắng, không có nội dung. Ba Tơ mang tài liệu vượt qua các trạm kiểm soát gắt gao của địch về an toàn đến hộp thư mật ở một khu chợ sát biên giới Tây Ninh đúng thời gian quy ước.

Sau khi thực hiện đúng mật khẩu, thay vì mau chóng nhận và giao tài liệu rồi chia tay, người giao liên (đã được dặn dò trước) tìm cách nấn ná giữa chợ. Nhận ra thái độ nguy hiểm của người giao liên, Ba Tơ tìm cách rút lui và không quên thực hiện thao tác “cắt đuôi”.

Chuyến sau, Út lại giao “tài liệu rỗng” yêu cầu Ba Tơ giao tại một địa điểm ở Gò Dầu, Tây Ninh rồi nhận “hàng” của căn cứ đem về Sài Gòn. Sau khi nhận tài liệu xong, người giao liên chuyển cho Ba Tơ một gói tiền rất lớn nhưng không đếm, yêu cầu đem về Sài Gòn giao cho Út. Gói tiền được giao tận tay Út không thiếu một đồng.

Út còn tiếp tục giao cho Ba Tơ vài “bài thi” khó nữa nhưng bà đều vượt qua. Mãi sau này, khi đất nước thống nhất, gặp lại các vị lãnh đạo năm xưa, Ba Tơ mới biết những tình huống đó là bài thi dành cho mình. Ba Tơ trở thành “mật thư lưu động” tin cậy và hiệu quả nhất của Út.

Điều khó nhất trong việc di chuyển những tài liệu tuyệt mật vào căn cứ là vượt qua hàng chục trạm kiểm soát gắt gao của địch. Để vượt trạm, nhiều khi Ba Tơ phải dắt theo 2 đứa con nhỏ, giả làm người ăn xin lê la hoặc bán dạo “hàng la”. Mỗi tuần một chuyến, có khi mỗi ngày một chuyến, bà luôn hoàn thành nhiệm vụ mà chưa từng bị “bể” lần nào suốt từ năm 1971 đến 1975.

Năm 1974, “đánh hơi” được nhà bà thỉnh thoảng có bóng dáng một phụ nữ lạ (tức bà Sáu Thảo), đám cảnh sát mua chuộc hàng xóm theo dõi. Để xóa tan nghi ngờ của cảnh sát lẫn hàng xóm, bà bí mật đón một phụ nữ họ hàng ở quê mắc bệnh tâm thần về Sài Gòn để chữa bệnh.

Quả nhiên, ngay trong đêm, đám cảnh sát ập tới khám xét nhà bắt nóng “nữ Việt Cộng”. Chúng đã bị một cú hố to khi nhận ra “kẻ tình nghi” là một người bị bệnh tâm thần. Từ đó, chúng không còn quấy rầy căn nhà nghèo xác xơ có nuôi một người bệnh tâm thần nữa.

Dù phải vật lộn với từng miếng ăn nhưng khi nhận nhiệm vụ, Ba Tơ đều thực hiện ngay không do dự. Có lần, nhà hết gạo ăn, bà vẫn bỏ qua chuyến giao bánh phồng tôm cho khách để chuyển nhanh tài liệu vào căn cứ. Khi hoàn thành nhiệm vụ trở về, không còn gạo, cả nhà phải nhịn đói. Khi biết được điều đó, xót lòng, Út và Sáu Thảo đã báo cáo về căn cứ xin chu cấp mỗi tháng cho bà 5.000 đồng. Ngoài ra, Sáu Thảo còn xin lãnh đạo T4 cho Ba Tơ mượn 50.000 đồng làm vốn sinh nhai. Nhờ khoản vốn đó, Ba Tơ mua xe ép nước mía mở quán giải khát ổn định cuộc sống.

Suốt thời gian làm giao liên, bà chưa từng tò mò tìm hiểu xem mình chuyển những loại tài liệu gì, người giao tài liệu là ai. Bà chỉ biết một điều duy nhất là nhanh chóng và khôn khéo chuyển nhanh tài liệu một cách an toàn đến nơi cần đến. Điều quan trọng bậc nhất là không để tài liệu lọt vào tay địch cho dù phải hy sinh. Cũng may, nhờ đóng vai tốt, bà chưa phải đối diện với tình huống xấu nhất.

Cho đến tận bây giờ, bà cũng chưa biết rằng, những tài liệu bà nhận từ tay Út là những thông tin tình báo chất chứa những nội dung quan trọng góp phần làm sụp đổ rất nhiều kế hoạch sống còn của chính quyền VNCH. Nhiều thế cờ chính trị, quân sự tuyệt mật của chính quyền Sài Gòn bị ta hóa giải nhanh gọn, trong đó có một phần công sức của bà.

Điệp báo Xuân Hương và “mật thư lưu động”

Bà Ba Tơ (thứ ba từ trái qua) chụp ảnh lưu niệm cùng cụm điệp báo

Đầu năm 1975, trước yêu cầu cấp bách của chiến dịch giải phóng Sài Gòn, T4 cần cập nhật tin nội tình địch hàng ngày, vì vậy bà phải tăng cường ra vào căn cứ mỗi ngày một chuyến. Sáu Thảo e ngại sức khỏe của bà không đảm bảo nên đề nghị chia sẻ bớt nhiệm vụ cho tuyến giao liên khác nhưng Út không đồng ý. Với Út, Ba Tơ là tuyến giao liên mật an toàn nhất.

Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bà Nguyễn Thị Xuân Hương tiếp tục làm công tác hậu cần thuộc PA16 của Sở Công an TP HCM. Năm 1983, mang hàm trung úy, bà xin nghỉ hưu trước thời hạn do sức khỏe không đảm bảo. Hiện giờ bà sống cùng người con gái bị bệnh tâm thần, vợ chồng người con trai út và 3 đứa cháu nội ở chính ngôi nhà năm xưa tại phường 4, quận 8, TP HCM

Nông Huyền Sơn/Báo An ninh thế giới

Facebook Comments