Ngày 15-4, hài cốt anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi sẽ được đưa từ nghĩa trang Văn Giáp (Q.2, TP.HCM) về nghĩa trang liệt sĩ thành phố (Q.9, TP.HCM).
Nhiều năm qua, ngôi mộ của anh Nguyễn Văn Trỗi là điểm thăm viếng của nhiều bạn trẻ TP.HCM.
Con đường bêtông nối từ khoảnh sân đến phần mộ anh Nguyễn Văn Trỗi được các bạn Đoàn phường Bình Trưng Đông vận động kinh phí, rồi tự tay làm khuôn viên khang trang quanh nơi anh Trỗi yên nghỉ.
Mở trang sử 50 năm trước
Câu chuyện về người anh hùng được lần giở qua từng trang lịch sử của hơn 50 năm về trước.
Những ngày tháng 4-1964, chàng trai Nguyễn Văn Trỗi được chọn tham gia thực hiện cuộc đánh bom khi đoàn xe bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ McNamara qua cầu Công Lý. Anh lên đường thực hiện nhiệm vụ sau bữa cơm tối với người vợ mới cưới, và đó là bữa cơm cuối cùng…
Trong câu chuyện ghi lại lời bà Phan Thị Quyên – vợ anh Nguyễn Văn Trỗi – tác giả Trần Đình Vân thuật lại “chị Quyên” thoạt nhìn vẫn chưa tin người bị bắt, còng tay, thân hình bị đánh bầm dập chỉ sau một đêm là chồng mình khi bị dẫn giải về nhà. Anh bị bắt khi đang làm nhiệm vụ.
Những tháng ngày liên tiếp và bao cực hình dã man. Anh nhận hết trách nhiệm về mình và bị tuyên tử hình! Anh Nguyễn Văn Trỗi bị đưa ra xử bắn ngay trong sân nhà lao Chí Hòa trước sự chứng kiến của nhiều nhà báo quốc tế. Đó là trưa 15-10-1964.
Anh ngã xuống. Nhưng lời tố cáo tội ác chiến tranh như mãi vang vọng. 19 ngày đôi vợ chồng trẻ bên nhau, sáu tháng sau ngày cưới, anh hi sinh. Khi ấy Nguyễn Văn Trỗi 24 tuổi.
Vì Tổ quốc, vì nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mỹ đến hơi thở cuối cùng. Chí khí lẫm liệt của anh hùng Trỗi là một tấm gương cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước, nhất là cho các cháu thanh niên học tập
Chủ tịch HỒ CHÍ MINH
Nơi tuổi trẻ tìm về
Không chỉ với các bạn trẻ Q.2 mà nhiều bạn trẻ TP.HCM, phần mộ anh Nguyễn Văn Trỗi tại nghĩa trang Văn Giáp từ lâu đã là một điểm đến quen thuộc.
Phó bí thư Quận đoàn 2 Trần Hoài Thảo cho biết nhiều lễ kết nạp Đoàn, các đợt sinh hoạt chủ điểm, các hội thi tìm hiểu lịch sử, trại huấn luyện của Đoàn, Hội đều chọn nơi này để tổ chức.
“Mộ anh Trỗi là một trong năm “địa chỉ đỏ” gắn liền với các cột mốc, sự kiện lịch sử ở địa bàn quận mà tổ chức Đoàn chọn để giáo dục chính trị, tư tưởng cho tuổi trẻ quận nhà” – chị Thảo chia sẻ.
Còn tại ngôi trường mang tên người anh hùng – Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (Q.2) – mỗi tháng đều có học sinh thay phiên nhau đến hương khói, vệ sinh khuôn viên mộ của anh.
Phó hiệu trưởng Nguyễn Mỹ Linh cho biết: “Ngày Thương binh liệt sĩ, ngày giỗ anh, các dịp lễ, thầy cô và đại diện học sinh trường tản bộ qua bên kia đường một đoạn là đến nơi yên nghỉ của anh Trỗi để thắp hương, kính viếng. Tháng đầu tiên năm học mới hằng năm trường dành tiết ngoài giờ lên lớp cho các em tìm hiểu tiểu sử, cuộc đời người anh hùng mà trường vinh dự mang tên”.
Quốc Nguyễn/Báo Tuổi trẻ