Niềm tin tín ngưỡng là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của con người. Tuy nhiên, khi đức tin bị đặt sai chỗ thì lại tạo ra những mặt trái hoặc có thể gây ra khủng hoảng trong một bộ phận người dân, dễ trở thành mê tín dị đoan.
Những ngày qua đã có hàng vạn người đổ về chùa Ba Vàng, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, để chiêm bái di vật được cho là xá lợi tóc của Đức Phật. Chứng kiến sợi tóc được cho là của Đức Phật, quay liên tục với nhiều hình dạng khác nhau mà không có sự tác động vật lý nào, nhiều người đã quỳ lạy, khóc lóc, van vái cầu xin. Trước hiện tượng này, có không ít ý kiến phản đối, cho rằng xá lợi tóc chuyển động là không có căn cứ khoa học, không có sức thuyết phục và bức xúc, liệu đây có phải là hành vi “trục lợi” niềm tin tâm linh?
PGS.TS Phạm Ngọc Trung, nguyên Trưởng Khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện báo chí và tuyên truyền giải thích, xá lợi hay còn được gọi là Xá lị hoặc phiên âm từ tiếng Phạn là “Sarira,” có nghĩa đen là “những hạt cứng.” Những hạt xá lợi có kích thước và màu sắc đa dạng, thường giống với hạt ngọc trai hoặc pha lê. Chúng hình thành sau lễ hỏa thiêu nhục cốt của các vị cao tăng Phật giáo. Với Xá lợi Phật thường có ánh hào quang mạnh mẽ, có khả năng phát sáng, và rất cứng, rắn. Đây là loại xá lợi quý hiếm và chỉ một số người có thể thấy được. Chính vì sự linh thiêng đó nên nếu ai được tiếp cận, được chiêm ngưỡng thì sẽ vô cùng may mắn và hạnh phúc.
Xá lợi tóc Đức Phật được chùa Ba Vàng thông tin có từ 2.600 năm trước
“Người dân Việt Nam có một đức tin vào đạo Phật rất lớn nên khi nói rằng đây là xá lợi của Đức Phật được chùa Ba Vàng thỉnh về thì họ tin ngay. Khi đã đi theo đạo phật thì ai cũng có nguyện vọng, mong muốn cuộc đời mình một lần được chiêm bái xá lợi đức Phật. Điều đó cũng lý giải cho việc vì sao có hàng vạn người đổ về đây để chiêm bái di vật và cầu mong may mắn”, TS Trung phân tích.
Cũng theo TS Phạm Ngọc Trung, trong câu chuyện về xá lợi tóc “Đức phật” ở chùa Ba Vàng những ngày qua, toàn bộ thông tin chỉ là một chiều do nhà chùa đưa ra, mà chưa có cơ quan chức năng nào kiểm chứng nên độ chính xác không cao, không thuyết phục. Bởi vậy khi hàng vạn người dân đến chiêm bái, cung tiến và cúng dường, rồi thu về một lượng tiền rất lớn thì dễ khiến dư luận hoài nghi về hành vi trục lợi tâm linh.
Thực tế, không chỉ có sự việc ở chùa Ba Vàng, thời gian qua rất nhiều câu chuyện vô lý, thiếu căn cứ nhưng người dân vẫn đặt niềm tin một cách mù quáng như sự việc cả làng quỳ lạy con rắn nằm trên ngôi mộ vô danh vì cho rằng, rắn hiển thần, hiển thánh, hay người ta cũng có thể linh thiêng hóa một bông hoa lạ, một hòn đá hình thù kỳ quái và một con cá có hình thức, màu sắc bất thường để hóa thánh, hóa thần. Vì sao càng ngày người dân càng đặt niềm tin tâm linh một cách không có căn cứ như vậy? Trả lời câu hỏi này, TS Phạm Ngọc Trung khẳng định, niềm tin tín ngưỡng là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của con người, càng những khi cuộc sống gặp khó khăn, con người lại càng tìm đến điểm tựa tâm linh để chiêm nghiệm, tìm kiếm sự thanh thản trong tâm tưởng, từ đó nhận ra giá trị, ý nghĩa của cuộc sống. Tuy nhiên, khi đức tin bị đặt sai chỗ, bị lợi dụng thì nó lại tạo ra những mặt trái hoặc cũng có thể gây ra khủng hoảng trong một bộ phận người dân và dễ bị đẩy lên đến mức thái quá, trở thành mê tín dị đoan cùng nhiều biến tướng tiêu cực.
“Phần lớn người dân Việt Nam có niềm tin rất lớn đối với Phật giáo, việc thực hành các nghi lễ Phật giáo là một nhu cầu và mang lại ý nghĩa quan trọng đối với họ. Do vậy, rất cần hướng dẫn người dân có niềm tin và thực hành theo đúng giáo lý Phật giáo và hiến chương của giáo hội”. Theo TS Trung, ở đây, trước hết vai trò, trách nhiệm của các nhà tu hành nhất là các vị trụ trì rất quan trọng trong định hướng cho người dân có niềm tin đúng đắn. Sau đó cần tăng cường xuất bản các tài liệu, sách, báo, các bài nghiên cứu, tăng cường thông tin truyền thông để hướng dẫn người dân nâng cao nhận thức, có niềm tin và thực hành đúng với giáo lý, giáo luật.
Đông đảo người dân tới chiêm bái xá lợi tóc Đức Phật tại chùa Ba Vàng
Hiện nay, có thể thấy, thị trường tín ngưỡng, tôn giáo đang rất phong phú, đáp ứng nhu cầu rất lớn của người dân nhưng lại đang khiến cho đời sống văn hóa, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo hỗn loạn về mặt thông tin, và người dân đang không biết đâu là thật, đâu là giả; đâu là đúng hay sai với giáo lý đạo Phật, đúng hay sai với văn hóa truyền thống. Điều không kém phần quan trọng là về phía người dân cũng cần tin và thực hành theo đúng giáo lý, giáo luật của đạo Phật đã được hướng dẫn, tránh việc thực hành theo tâm lý đám đông, theo những hướng dẫn hoặc thông tin chưa được kiểm định để không sa vào mê tín, mù quáng.
Sau nhiều vụ việc xảy ra thời gian vừa qua, cần rút ra bài học, rất cần phải chấn chỉnh lại những hoạt động không phù hợp, những hành vi không đúng với những giá trị sống trong giáo lý đạo Phật, không đúng hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần tăng cường công tác quản lý của mình, nhằm ngăn chặn và phòng ngừa những chuyện tương tự có thể xảy ra trong tương lai./.
Thanh Hương/VOV2