“Đường lưỡi bò” xuất hiện phi pháp: Chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe?

share on:

Bộ phim “Hướng gió mà đi” (Flight to you) do Trung Quốc sản xuất được chiếu trên nền tảng xem phim trực tuyến Netflix Việt Nam, FPT Play và các ứng dụng phim khác đang khiến dư luận dậy sóng vì xuất hiện hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp.

Đây không phải lần đầu xảy ra tình trạng này, mà trước đó rất nhiều bộ phim đã bị cấm sóng, thế nhưng dường như chế tài xử phạt vẫn chưa đủ sức răn đe khi “đường lưỡi bò” liên tiếp xuất hiện trên các nền tảng xem phim trực tuyến, đe dọa trực tiếp đến an ninh văn hóa quốc gia.

Liên tiếp xuất hiện, đe dọa an ninh văn hóa

Tối 7/7, hội nhóm lớn về phim ảnh đăng tải bài viết bộ phim “Hướng gió mà đi” (Flight to you) có chiếu cảnh “đường lưỡi bò” phi pháp. Đáng nói, bộ phim được chiếu trên nền tảng Netflix và FPT Play. Thông tin này lập tức nhận được sự quan tâm của nhiều người bởi bộ phim đã được chiếu từ cuối năm 2022, xuất hiện phổ biến trên mạng xã hội song hình ảnh bản đồ phi pháp này không được nhiều khán giả chú ý, đến gần đây mới được phát hiện.


Bộ phim “Hướng gió mà đi” xuất hiện “đường lưỡi bò” phi pháp.

“Hướng gió mà đi” dài 39 tập, tuyên truyền về hãng hàng không Trung Quốc. Hai nhân vật chính do Vương Khải và Đàm Tùng Vận đảm nhận. Hình ảnh “đường lưỡi bò” xuất hiện ở đầu tập 30. Ở phân cảnh này, một chuyến bay từ Quảng Châu (Trung Quốc) đến Singapore bất ngờ có hành khách gặp vấn đề về sức khỏe, phi hành đoàn đứng trước hai lựa chọn: tiếp tục bay thẳng tới Singapore hoặc chuyển hướng đến sân bay gần nhất ở địa điểm hư cấu được gọi là Sigorn để hành khách được cấp cứu kịp thời. Trên bản đồ hiển thị vị trí của Sigorn được định vị ở miền Trung Việt Nam nhưng phim không đề cập đến Việt Nam hay địa điểm thực tế được đánh dấu, bản đồ này cũng cho thấy hình “đường lưỡi bò” phi pháp. Bên cạnh đó, trong một phân đoạn ngắn ở tập 27, khán giả cũng phát hiện bản đồ có một phần hình ảnh của “đường chín đoạn”.

Nhiều khán giả thất vọng trước nghi vấn này, bởi đây không phải lần đầu tiên các nền tảng chiếu phim trực tuyến nước ngoài để lọt “đường lưỡi bò” hoặc có các thông tin sai lệch về chủ quyền quốc gia.

Sự việc liên quan đến “Hướng gió mà đi” xảy ra giữa lúc vấn đề “đường lưỡi bò” nóng trở lại sau thông tin bộ phim “Barbie” bị cấm chiếu tại Việt Nam. Theo đó, bộ phim điện ảnh “Barbie” do Warner Bros. phát hành dự kiến ra rạp vào tháng 7/2023. Tác phẩm của đạo diễn Greta Gerwig thu hút được sự chú ý khi quy tụ dàn sao đình đám: Margot Robbie,Ryan Gosling, Simu Liu… Tuy nhiên tại Việt Nam, phim không thể ra rạp vì rớt kiểm duyệt do có xuất hiện “đường lưỡi bò” phi pháp.

Đại diện hãng phim Warner Bros. lên tiếng về vấn đề này: “Bản đồ trong Barbie Land là một bức vẽ bút chì kiểu trẻ con. Những nét vẽ nguệch ngoạc mô tả hành trình giả tưởng của Barbie từ Barbie Land đến “thế giới thực”. Nó không có ý định đưa ra bất kỳ loại tuyên bố nào”.

Liên quan đến thông tin bộ phim “Barbie”bị cấm chiếu, bà Phạm Thu Hằng – Người phát ngôn Bộ Ngoại giao chia sẻ tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao vào chiều 6/7/2023 rằng, quan điểm của Việt Nam về “đường 9 đoạn” là rõ ràng, nhất quán.

Bà Phạm Thu Hằng nhấn mạnh: “Việc quảng bá, sử dụng các sản phẩm, ấn phẩm có “đường 9 đoạn” ở Việt Nam là vi phạm các quy định và không được chấp nhận tại Việt Nam”.


Thông tin ban tổ chức concert BlackPink tại Việt Nam có dính líu đến bản đồ “đường lưỡi bò” khiến dư luận trong nước “dậy sóng”.

Mới đây thông tin ban tổ chức concert BlackPink tại Việt Nam có dính líu đến bản đồ “đường lưỡi bò” không chỉ khiến dư luận trong nước “dậy sóng” mà còn nhận được sự chú ý từ truyền thông quốc tế. Trước phản ứng dữ dội từ công chúng, chiều 6/7/2023, phía Công ty TNHH Âm nhạc IME Vietnam (ban tổ chức concert BlackPink) chính thức lên tiếng, cho biết đại diện của họ đã làm việc trực tiếp và gửi công văn giải trình lên Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cùng các bộ, ban, ngành liên quan về sự việc. Phía này cũng giải thích rằng website lan truyền hình ảnh “đường lưỡi bò” là website chung liên kết của các văn phòng khu vực tại châu Á và không phải là website chính thức của công ty Việt Nam.

“Hình ảnh bản đồ trên website không đại diện cho lãnh thổ quốc gia nào và chúng tôi ý thức được việc tôn trọng chủ quyền và văn hóa của tất cả các quốc gia IME có mặt. IME đã nhanh chóng rà soát và cam kết thay thế những hình ảnh không phù hợp với người dân Việt Nam”, ông Brian Chow – CEO của IME, cho biết.

Liên quan đến vấn đề trên, bà Phạm Thu Hằng – Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, chia sẻ trong cuộc họp báo chiều 6/7/2023 rằng các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tiến hành xác minh thông tin. Tuy nhiên sự việc này cũng khiến nhiều khán giả bức xúc tuyên bố tẩy chay concert của BlackPink tại Việt Nam.

Cần tăng chế tài xử phạt

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/2022/NĐ-CP (Nghị định 71) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình. Nghị định 128/2022 cũng được ban hành có nội dung sửa đổi, bổ sung một số quy định xử phạt liên quan đến các hành vi vi phạm về điện ảnh, trong đó có các hành vi vi phạm quy định về phổ biến phim trên không gian mạng.


Phim “Barbie” vừa bị cấm chiếu ở Việt Nam vì xuất hiện “đường lưỡi bò” phi pháp.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thành lập Tổ công tác quản lý phổ biến phim trên không gian mạng thế nhưng phim chiếu mạng trước nay được áp dụng theo cơ chế “hậu kiểm”, tức là sau khi đăng tải sẽ được một bộ phận kiểm duyệt phim chiếu mạng của Cục Điện ảnh xem và có hướng xử lý kịp thời. Nhất là loại hình dịch vụ OTT (dịch vụ truyền thông được cung cấp trực tiếp đến người xem thông qua Internet. Và vì thế, có không ít phim chiếu mạng có nội dung nhảm nhí, độc hại, vi phạm chủ quyền lãnh thổ đất nước… đã từng xảy ra. Trước khi bị “đọc lệnh” xử phạt và yêu cầu gỡ bỏ, thì phim xấu đã được tải về máy tính cá nhân.

Rất nhiều lần Netflix Việt Nam phát các bộ phim vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ, một số có thể kể đến các series phim từng gây chú ý như “Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta”, “Một đời một kiếp”, “Little Women” đều có “đường lưỡi bò”; hay như phim “Bà ngoại trưởng”(Madame Secrectary, dùng hình Hội An nhưng chú thích Phú Lăng, Trung Quốc)… Hay gần đây bộ phim tài liệu “MH370: Chiếc máy bay mất tích” (MH370-The Plane That Disappeared) có xuất hiện những nội dung phản ánh không chính xác những đóng góp của Việt Nam trong công tác phối hợp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn máy bay MH370 mất tích của Malaysia. Việc thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín của Chính phủ Việt Nam là vi phạm quy định tại Khoản 8, Điều 9 Luật Báo chí hiện hành. Sau khi nghiên cứu các ý kiến của Bộ Ngoại giao và Bộ Công an, ngày 11/4/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) đã có văn bản nghiêm khắc yêu cầu Netflix Việt Nam gỡ bỏ những nội dung vi phạm pháp luật trên bộ phim tài liệu nêu trên.

Thế nhưng Netflix Việt Nam vẫn liên tiếp vi phạm. Điều này cho thấy vẫn còn nhiều bất cập khi có những đơn vị cung cấp dịch vụ xem phim trên mạng có thu phí tại Việt Nam nhưng không chịu sự quản lý, không có tư cách pháp nhân ở Việt Nam, dẫn đến tình trạng nhiều lần vi phạm. Hình thức xử lý hiện nay chỉ là gỡ bỏ phim vi phạm trên nền tảng mạng nên dường như các doanh nghiệp phổ biến phim trên không gian mạng vẫn đang “nhờn” luật. Vì thế, để quản lý được các loại hình này, cần gia tăng chế tài xử phạt, thậm chí cần xem xét việc dừng dịch vụ tại Việt Nam.

“Đường lưỡi bò” hay còn gọi là “đường 9 đoạn” là một sự tưởng tượng của Trung Quốc để đòi chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ, quyết liệt của cộng đồng quốc tế. Trung Quốc đã đang và sẽ tiếp tục thực hiện những đòi hỏi vô lối này trên nhiều lĩnh vực khác nhau, và sẽ sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau để phục vụ cho ý đồ phi pháp của mình. Không phủ nhận các bộ phim Trung Quốc nhận được sự quan tâm, thu hút đông đảo của khán giả Việt Nam phần vì diễn viên đẹp, diễn xuất tốt, nội dung hay, đặc biệt là đầu tư về mọi mặt từ bối cảnh, trang phục, trường quay… Tại thị trường Việt Nam, phim Trung Quốc luôn chiếm ưu thế khi thu hút lượng người xem rất lớn. Thế nhưng không vì thế mà chúng ta lơ là, thiếu cảnh giác trên mặt trận văn hóa, tư tưởng.

Ngày 9/7/2023, Phó cục trưởng Cục Điện ảnh Đỗ Quốc Việt ký ban hành công văn số 870/ĐA-VP gửi Công ty Netflix; Công văn số 871/ĐA-VP gửi Công ty Cổ phần Viễn thông FPT với nội dung yêu cầu gỡ bỏ phim “Hướng gió mà đi”.

Trong công văn gửi Netflix, Cục Điện ảnh nêu rõ, Cục Điện ảnh nhận được thông tin phản ánh về việc Netflix đã thực hiện phổ biến phim “Hướng gió mà đi” (39 tập) trên không gian mạng qua địa chỉ tên miền https://www.netflix.com và ứng dụng Netflix tới người sử dụng tại Việt Nam, trong đó nội dung phim “Hướng gió mà đi” có hình ảnh đường lưỡi bò phi pháp.

Sau khi nhận được phản ánh, Cục Điện ảnh đã rà soát, kiểm tra toàn bộ nội dung phim “Hướng gió mà đi”. Kết quả kiểm tra phim “Hướng gió mà đi” cho thấy, hình ảnh “đường lưỡi bò” xuất hiện trên bản đồ tại các tập 18, tập 19, tập 21, tập 24, tập 25, tập 26, tập 27, tập 38, đặc biệt thể hiện rất rõ đường lưỡi bò từ 2 phút 00 giây đến 2 phút 03 giây tập 30; kèm theo lời thoại và phụ đề “Rồi sẽ có ngày tấm bản đồ này đi đến rất nhiều nơi trên thế giới” từ 41 phút 18 giây đến 41 phút 55 giây tại tập 18.

Công văn cũng nhấn mạnh: “Việc thể hiện hình ảnh “đường lưỡi bò” và những nội dung trong lời thoại và phụ đề như đã nêu trên trong phim là không đúng, xâm phạm chủ quyền quốc gia của Việt Nam và vi phạm quy định tại điểm d khoản 1 Điều 9 Luật Điện ảnh số 05/2022/QH15”.

Tại công văn gửi Công ty Cổ phần Viễn thông FPT, Cục Điện ảnh khẳng định, đây là phim có nội dung thể hiện không đúng, xâm phạm chủ quyền quốc gia Việt Nam nên không phù hợp để phổ biến tại Việt Nam.

Tại hai công văn nói trên, Cục Điện ảnh yêu cầu Công ty Netflix thực hiện gỡ bỏ phim “Hướng gió mà đi” tại địa chỉ tên miền https://www.netflix.com và ứng dụng Netflix; yêu cầu Công ty Cổ phần Viễn thông FPT thực hiện gỡ bỏ phim “Hướng gió mà đi” tại địa chỉ tên miền https://fptplay.vn và ứng dụng FPT Play.

Thời gian thực hiện trong vòng 24 giờ kể từ 0h00 ngày 10/7/2023 và có văn bản báo cáo kết quả thực hiện gửi về Cục Điện ảnh trước ngày 12/7/2023.

Theo Báo CAND

Facebook Comments